Quá nhiều sai sót trong chi tiền hỗ trợ hạn mặn ở Kiên Giang

Có đến hơn 23 nghìn trong tổng số hơn 47 nghìn hồ sơ hỗ trợ thiệt hại do hạn hán và mặn xâm nhập có sai sót, ngoài ra còn đến 4.600 hộ dân bị thiệt hại do hạn mặn nhưng chính quyền cơ sở 'bỏ quên', hiện không còn tiền để cấp phát. Đây là một trong nhiều nội dung mà Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng vừa kết luận thanh tra.

Nông dân đau lòng khi nhìn những nhành lúa chết khô.

Nông dân đau lòng khi nhìn những nhành lúa chết khô.

Đợt hạn mặn cuối năm 2015 đầu năm 2016 là đợt hạn mặn lịch sử tại Kiên Giang. Do ảnh hưởng của hạn mặn đã khiến hơn 100 nghìn ha lúa và hoa màu của nông dân tỉnh này bị chết khô, hoặc năng suất giảm từ 30-90%. Thiên tai đã làm cho ngành nông nghiệp của tỉnh có diện tích và sản lượng lúa đứng đầu cả nước lần đầu tiên tăng trưởng âm. Mất mùa đã làm cho nhiều vùng nông thôn ở Kiên Giang, nặng nhất là vùng U Minh Thượng, gồm bốn huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng vắng vẻ, buồn hiu. Nhiều gia đình đóng sập cửa, bồng bế nhau lên các thành phố lớn làm thuê kiếm sống. Tội nhất là những nông dân thuê ruộng, đến giờ vẫn còn nợ tiền chủ đất do hậu quả của thiên tai.

23 nghìn hồ sơ hỗ trợ có sai sót

Để người nông dân đầu tư tái sản xuất, ổn định cuộc sống, UBND tỉnh Kiên Giang đã công bố thiên tai, đồng thời xuất hơn 463 tỷ đồng để chi hỗ trợ cho người dân. Đây là một chủ trương rất nhân văn của Đảng và Nhà nước ta, được toàn xã hội ủng hộ. Tuy nhiên, khi tổ chức triển khai thực hiện, chính quyền cấp huyện chỉ làm mỗi động tác cấp phát tiền, không theo sát chỉ đạo, mặc cho chính quyền cấp xã làm ẩu, làm càn, dẫn đến những sai sót nghiêm trọng.

Sự việc đổ bể khi hàng chục hộ dân ở xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận làm đơn tố cáo chính quyền gửi đến các cơ quan báo chí. Kết quả thanh tra cho thấy, lợi dụng chủ trương hỗ trợ, một số cán bộ, công chức của xã Vĩnh Thuận và một số chức danh ở ấp đã cấu kết nhau kê khống diện tích, số hộ thiệt hại, chi ít hơn thực tế… để chiếm đoạt tiền, gây thiệt hại cho ngân sách. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã và nhiều cán bộ, công chức, các chức danh ở ấp của xã Vĩnh Thuận phải nhận các hình thức kỷ luật.

Sau khi những việc làm sai trái trong chi hỗ trợ hạn mặn của cán bộ, công chức ở xã Vĩnh Thuận bị phanh phui, thì người dân ở một số xã của huyện An Minh cũng có đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến một số cơ quan chức năng trong huyện. Bức xúc, nông dân ở các xã Đông Thạnh, Đông Hòa còn tụ tập đông người kéo lên các cơ quan công quyền của huyện An Minh và tỉnh Kiên Giang khiếu kiện, gây mất an ninh trật tự. Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an huyện An Minh cũng đã vào cuộc và có báo cáo Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang về dấu hiệu tội phạm chung quanh việc chi tiền hỗ trợ khắc phục thiên tai, nhưng vụ việc không tiến hành xử lý theo hướng hình sự mà làm theo trình tự hành chính.

Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ra quyết định thanh tra vụ việc chấp hành quy định pháp luật trong việc chi tiền hỗ trợ thiên tai trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Kiên Giang Đỗ Minh Nhựt được phân công làm Trưởng đoàn thanh tra. Điểm đáng chú ý, sau khi công việc thanh tra của Đoàn thanh tra hoàn thành và có báo cáo, nhưng đến bảy tháng sau kết luận thanh tra mới được Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành.

Người phụ nữ này có đến 2 ha lúa bị thiệt hại trong đợt hạn mặn vừa qua.

Tại cuộc họp báo sáng ngày 1-8 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang tổ chức, ông Đỗ Minh Nhựt cho biết: Trong các đợt chi tiền hỗ trợ hạn mặn năm 2015 - 2016, tỉnh Kiên Giang có hơn 50% hồ sơ đã được hỗ trợ hạn mặn (tương đương hơn 23 nghìn hồ sơ) có sai sót, như tẩy xóa diện tích, mức thiệt hại, thiếu đơn xin hỗ trợ, biên bản thẩm định, biên bản họp dân… Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu các huyện, xã thu hồi nộp lại ngân sách trên 14 tỷ đồng, trong đó có 8,6 tỷ đồng huyện đang giữ chưa giải ngân; 1,29 tỷ đồng xã chưa giải ngân và 4,4 tỷ đồng cấp phát sai.

Có đến 10 huyện có sai sót, trong đó huyện An Minh là địa phương có số tiền sai phạm nhiều nhất với gần 1,6 tỷ đồng cấp phát sai, gần 100 triệu đồng phát hiện sai nên chưa cấp, cấp sai chưa thu hồi được hơn 176 triệu đồng, chủ yếu ở hai xã Đông Hòa và Đông Thạnh

Ngoài ra, đoàn thanh tra còn ghi nhận hơn 4.600 hộ dân bị bỏ sót hỗ trợ, với tổng diện tích hơn 7.000 ha, kinh phí cần hỗ trợ hơn 39 tỷ đồng. “Hiện nay, số tiền nhận từ T.Ư về đã hỗ trợ hết cho người dân. Tỉnh Kiên Giang đang tiếp tục đề nghị T.Ư hỗ trợ khoảng 40 tỷ đồng để chi cho dân. Khi nào T.Ư rót tiền, tỉnh sẽ chi hỗ trợ cho những hộ còn sót này” - ông Đỗ Minh Nhựt thông tin.

Vì sao không xử lý hình sự?

Ông Đỗ Minh Nhựt cho biết, sau khi kết thúc thanh tra, đoàn đã làm việc với các ban ngành và khối nội chính của tỉnh, đi đến thống nhất không xử lý hình sự mà chỉ xử lý hành chính. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang kết luận, kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể thường trực UBND các huyện Kiên Lương, Giang Thành, Châu Thành, An Biên, An Minh, U Minh Thượng. Đồng thời, giao Chủ tịch UBND các huyện Kiên Lương, Giang Thành, Châu Thành, An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Hòn Đất, Gò Quao, Giồng Riềng, Vĩnh Thuận tổ chức kiểm điểm một số cá nhân và tập thể.

Riêng đối với những sai phạm tại xã Đông Hòa và Đông Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Huyện ủy huyện An Minh tổ chức kiểm điểm và có hình thức kỷ luật phù hợp đối với bí thư và tập thể Đảng ủy hai xã. Giao Chủ tịch UBND huyện An Minh tổ chức kiểm điểm và có hình thức kỷ luật phù hợp đối với chủ tịch, Phó chủ tịch phụ trách và thường trực UBND hai xã. Giao Chủ tịch UBND huyện An Minh chỉ đạo Chủ tịch UBND hai xã Đông Hòa, Đông Thạnh tổ chức kiểm điểm và có hình thức kỷ luật phù hợp đối với ba trưởng ấp của xã Đông Thạnh và chín người là nguyên trưởng ấp, trưởng ấp, phó trưởng ấp, kế toán, thủ quỹ của xã Đông Hòa…

Người nông dân này đến nay vẫn còn nợ tiền đất.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Nhân Dân Điện tử, tại sao trước những sai phạm nghiêm trọng nhưng đoàn thanh tra không kiến nghị cơ quan điều tra xử lý hình sự đối với những cá nhân sai phạm, ông Đỗ Minh Nhựt cho rằng, việc lập danh sách không chính xác là hành vi thiếu trách nhiệm, nhưng có nhiều nguyên nhân khách quan như thời gian thống kê ngắn, không có hướng dẫn cụ thể, trình độ nhận thức của cán bộ ấp, xã yếu kém, địa bàn rộng, điều kiện đi lại khó khăn, người dân lúc đầu không hợp tác…

“Xét động cơ sai phạm là chưa có cơ sở xác định vụ lợi cá nhân, hậu quả đã được khắc phục. Việc ký nhận thay mà không cấp phát lại hết cho người dân là hành vi thiếu trách nhiệm nhưng chưa xác định được vụ lợi cá nhân, hậu quả gây ra thiệt hại nghiêm trọng nhưng đã nộp lại tiền cho đoàn thanh tra và xã… Những hành vi trên tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể nên không phải là tội phạm và được xử lý bằng hình thức khác” - ông Đỗ Minh Nhựt lập luận.

Bài và ảnh: VIỆT TIẾN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/33656002-qua-nhieu-sai-sot-trong-chi-tien-ho-tro-han-man-o-kien-giang.html