Quá nhiều bất lợi

ĐBSCL là vùng trọng điểm nuôi trồng thủy sản trong đó có con tôm, với hơn 600 ha nuôi tôm, chiếm hơn 80% diện tích nuôi tôm cả nước.

Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình nuôi tôm gặp quá nhiều bất lợi nhất là vấn đề môi trường.

Vùng ĐBSCL, diện tích nuôi tôm nước lợ tập trung tại 8 tỉnh ven biển gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang gồm 2 đối tượng chính là tôm sú và tôm thẻ chân trắng.

Những năm gần đây tình hình nuôi tôm công nghiệp gặp quá nhiều bất lợi nhất là vấn đề môi trường

Đây là vùng tập trung nhiều loại đất phèn tiềm tàng và phèn hoạt động; các nguồn thải ra sông rạch làm cho môi trường nước bị biến đổi; các nước ao nuôi thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ thâm canh đã xuất hiện các thành phần độc hại như H2S, NH3+ và chỉ số vi sinh Coliforms.

Điều đó cho thấy nguồn nước thải này cần được xử lý triệt để trước lúc thải ra sông rạch. Chất thải trong nuôi tôm nước lợ là bùn thải chứa phân, thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy, các chất tồn dư của các loại vật tư dùng trong nuôi tôm như hóa chất, vôi và khoáng chất Diatomit, Dolomit…

Như tại Cà Mau, hàng năm hoạt động sên vét của người dân diễn ra tràn lan, ngoài tầm kiểm soát, có những hộ trong quá trình sên vét đổ thẳng bùn thải xuống sông rạch khiến môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng và làm mâu thuẫn giữa nội bộ người nuôi tôm ngày một gay gắt.

Đặc biệt giữa các hộ nuôi tôm quảng canh cải tiến và hộ nuôi công nghiệp. Do các hộ nuôi tôm công nghiệp thường xuyên cải tạo ao, đầm sau mỗi vụ nuôi, còn các hộ nuôi tôm quảng canh cải tiến trực tiếp lấy nước vào vuông không qua ao lắng và không có điều kiện để xử lý nước. Từ đó vấn đề ô nhiễm môi trường nước càng trở nên bức xúc.

Dùng nhiều kháng sinh xử lý ao nuôi tôm rồi thải trực tiếp ra môi trường

Theo các nhà chuyên môn, mặn là một trong những yếu tố quan trọng nhất ở ĐBSCL. Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, năm nay ĐBSCL bị biến đổi khí hậu khắc nghiệt nhất trong 100 năm. Trên hầu hết các hệ thống sông, kênh vùng ven biển xảy ra thiếu nước sản xuất, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng 60 - 70 km, có nơi 100 km (sông Vàm Cỏ).

Ảnh hưởng trực tiếp của độ mặn cao ở một số tỉnh như Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau và Bạc Liêu đã gây thiệt hại cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản. Các vùng nuôi tôm ven biển, độ mặn tăng cao vượt ngưỡng tối ưu (25‰) và kéo dài sẽ tác động lớn đến đối tượng nuôi và hiệu quả sản xuất con tôm.

Nuôi trồng thủy sản cũng phải thích ứng biến đổi khí hậu

PGS.TS Phạm Thanh Liêm, Trường ĐH Cần Thơ nêu quan điểm, cần nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ở ĐBSCL và phù hợp từng nội vùng.

Theo đó, các đối tượng nuôi chủ lực sẽ được phân bổ hợp lý theo vùng, như nuôi tôm biển bao gồm nuôi quảng canh cải tiến, nuôi tôm - rừng kết hợp, nuôi tôm – lúa luân canh, nuôi thâm canh.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/qua-nhieu-bat-loi-post182252.html