Qua miền chè Gay

(Baonghean) - Vùng đất Cao Sơn (Anh Sơn) được biết đến là nơi có thương hiệu chè Gay nổi danh toàn tỉnh, loài cây tưởng như rất phổ biến này đã trở thành cây chủ lực, giúp người dân thoát khỏi cuộc sống đói nghèo và nâng cao mức sống. Bà con nông dân nơi đây thao thức với cây chè, niềm vui và nỗi buồn thường ngày gắn với giá cả mỗi bó chè...

Sau nhiều lần lỡ hẹn với xứ chè Gay, cuối cùng tôi cũng cố gắng sắp xếp để có cơ hội trở lại mảnh đất đặc biệt này. Chọn ngày nắng ráo dịp cuối tuần, chúng tôi bắt xe khách theo đường Hồ Chí Minh thẳng tiến. Xe băng băng qua đất Thanh An, Thanh Chương - nơi có những đảo chè tuyệt đẹp; qua xã Hạnh Lâm cũng thuộc huyện Thanh Chương là một địa chỉ đỏ trong Cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930 - 1931), đi thêm một quãng nữa đã chạm đến đất Cao Sơn của huyện Anh Sơn.

Chè Gay trở thành cây chủ lực ở xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn. Ảnh: Công Kiên

Qua những đồi chè mướt mát, điệp trùng trải dài tưởng chừng như vô tận, những đồi keo bạt ngàn một sắc xanh, chúng tôi bắt đầu cảm nhận những đổi thay và triển vọng phát triển của vùng quê này.

Bên ấm chè xanh sóng sánh vàng, các bậc cao niên cùng trò chuyện, những câu chuyện của họ thường chứa đựng niềm phấn khởi về gia đình, xóm làng, quê hương và xen vào sự hoài niệm về những năm tháng xưa cũ. Trong ký ức chưa xa của các cụ già xứ Gay in rõ những vất vả, gian nan và cách trở, bữa cơm có thịt – cá là niềm mong ước tưởng chừng như rất đỗi xa vời, không bao giờ thành hiện thực.

Chung quy lại, vùng quê Cao Sơn đất trồng cằn cỗi, không có ưu thế phát triển sản xuất nông nghiệp. Có người lý giải rằng, tiếp giáp với Thanh Chương, xã Cao Sơn mang đậm đặc tính “đất cằn sỏi đá” của huyện trung du này nên sẽ không bao giờ thoát được cảnh nghèo.

Thiên nhiên không ưu ái đất đai màu mỡ nhưng lại ban tặng cho mảnh đất Cao Sơn giống chè đặc biệt, người bản địa lấy tên ngôi chợ Gay xưa kia thuộc xã Lĩnh Sơn để đặt tên cho chè. Điều này được các cụ cao niên lý giải, trước đây xã Cao Sơn chưa có chợ, người dân bản địa vẫn phải mang chè ra chợ Gay bán, lâu dần tên chợ trở thành thương hiệu chè.

Chè Gay được bày bán dọc tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn xã Cao Sơn. Ảnh: Công Kiên

Và không hiểu vì sao trên vùng đồi đất cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt là vậy mà cây chè Gay lại tươi tốt và mang theo hương vị đặc trưng. So với chè vùng khác, về hình thức, chè Gay lá dày nhưng không to bản, sắc vàng xanh trên lá đậm hơn. Khi om nước, tỏa ra hương thơm nồng nàn và theo ngọn gió lan khắp nhà, rót ra nước sóng sánh sắc vàng. Khi uống, chè Gay thoáng đậm vị chát, chỉ một lúc sau cảm nhận được vị ngọt lành - điều này chè nơi khác ít khi có được.

Chừng 10 năm trở về trước, chè Gay chỉ mới là thức uống của người dân xứ Gay, nếu bán ra cũng chỉ đến được một vài huyện lân cận. Thế rồi, đường Hồ Chí Minh được nâng cấp, tuyến đường nối Quốc lộ 7A với Cao Sơn được rải nhựa đã phá thế bị cô lập, việc giao thương trở nên hết sức thuận lợi, đời sống mọi mặt từng ngày khởi sắc.

Nhờ đó, sản phẩm chè Gay có cơ hội vươn ra khỏi xứ Gay để đi khắp các vùng miền, trở thành hàng hóa và khẳng định được thương hiệu trên khắp tỉnh. Và nay vùng chè Gay đã được xây dựng chỉ dẫn địa lý giúp khách xa gần nhận diện được một vùng chè thực phẩm đặc sắc trên vùng Tây Nam xứ Nghệ.

Mỗi ngày có 3 - 5 chiếc xe tải về xã Cao Sơn (Anh Sơn) thu mua chè Gay. Ảnh: Công Kiên

Đến thời điểm hiện nay, Cao Sơn có hơn 500 ha với hơn 90% số hộ trồng chè Gay, hộ trồng nhiều khoảng trên dưới 0,5 ha, hộ trồng ít từ 1 - 2 sào, thu nhập ít nhất khoảng 3 triệu đồng/tháng. Có những vườn chè đã 40 - 50 năm tuổi. Với người dân Cao Sơn, chè Gay thực sự đã thành cây chủ lực, là nguồn thu nhập chính của bà con nông dân. Hàng ngày, có từ 3 - 5 chiếc xe tải của thương lái đến thu mua, chưa kể hàng chục chiếc xe máy thồ chất cao quá đầu người.

Chè Gay được vận chuyển đi khắp các vùng, xuống Diễn Châu, TP. Vinh, vào Hà Tĩnh, ra tận Hà Nội. Trên thực tế, khối lượng chè thương lái thu mua hàng ngày vẫn còn ít so với khối lượng sản phẩm của bà con nông dân. Vì thế, việc bị ép giá và hạn chế khối lượng thu mua là khó tránh khỏi, cuối cùng người nông dân phải chịu thiệt thòi.

Rời xứ Gay, cùng với niềm vui, chúng tôi mang theo nỗi trăn trở, đã đến lúc lãnh đạo địa phương và các ban, ngành hữu quan cần nghiên cứu phương án mở rộng thị trường cho sản phẩm chè gay, giúp bà con nông dân mở rộng sản xuất, nâng cao đời sống và thúc đẩy sự phát triển. Bởi lẽ, với thương hiệu đã được khẳng định, việc tìm thêm hướng đi cho đầu ra của sản phẩm là có tính khả thi, vấn đề là cần người có tâm huyết.

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/mien-tay-nghe-an/201709/qua-mien-che-gay-2846378/