Qua mặt cơ quan quản lý, xe bus giả vẫn hoạt động ở Đồng Nai

Tình trạng xe bus giả tại tỉnh Đồng Nai vẫn tồn tại với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Các nhà xe đã tìm cách lách luật, qua mặt cơ quan chức năng.

Dù đã giảm nhiều so với năm 2015 và những năm trước đó, nhưng hiện nay tình trạng xe bus giả tại tỉnh Đồng Nai vẫn tồn tại với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Ngoài ra, nhiều nhà xe đã tìm cách lách luật hòng qua mặt sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Xe buýt nhái.

Xe bus giả tại Đồng Nai chủ yếu “nhái” các tuyến đường dài dọc các tuyến Quốc lộ (QL) 51, QL1 và QL20. Hợp tác xã vận tải Tân Tiến, đơn vị quản lý và khai thác tuyến bus số 11 Ngã tư Vũng Tàu đi Tân Thành là một trong những đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề nhất của nạn xe bus giả. Năm 2015, theo thống kê của hợp tác xã này, có hàng chục xe bus nhái tuyến số 11. Thủ đoạn quen thuộc vẫn là sơn màu sơn giống màu xe bus, dán các phù hiệu giả để lừa hành khách… Các tài xế, phụ xe giả thường rất manh động, sẵn sàng cúp đầu xe bus thật, thậm chí lớn tiếng hăm dọa để tranh giành khách. Từ đầu năm 2016 đến nay, số xe bus giả tuyến số 11 đã giảm, nhưng chưa chấm dứt hoàn toàn.

Theo ông Phan Thành Nhân, Đội trưởng Đội xe tuyến bus 11, Hợp tác xã vận tải Tân Tiến, mặc dù đã bớt manh động hơn so với trước đây, nhưng xe dù, xe giả vẫn hoạt động, nhất là những dịp cao điểm lễ tết. Ông Nhân cho biết: “Hiện tại thì có một tuyến cố định tương đối giống xe số 11, về màu sơn cũng tương đối giống, chạy tuyến từ Nhơn Trạch tới ngã 3 Vũng Tàu thì đặt biển số 11 lên để rước khách. Mấy xe này là tuyến cố định”.

Một tài xế của Hợp tác xã Tân Tiến cho biết, theo quan sát của anh hàng ngày trên tuyến thì còn khoảng 4 đến 5 chiếc bus giả, với các biển số 72B - 000.13, 72B - 000.93, 53N – 5308… Đối chiếu với thông tin từ Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng Đồng Nai, đây đều là những xe bus nhái hoạt động nhiều năm nay dọc tuyến QL 51. Nhiều xe đã bị xử lý nhưng vẫn cố tình hoạt động và có những thủ đoạn mới.

2 xe bus giả có màu sơn, thông tin lộ trình giống bus thật.

Ông Nguyễn Văn Nở, Trưởng phòng Quản lý điều hành, Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng Đồng Nai cho biết: “Việc nhận dạng xe bus thì dễ, nhưng việc đăng ký màu sơn thì theo Nghị định 86 thì không có quy định là xe bus phải màu gì, vàng hay đỏ hay xanh. Việc tăng cường giám sát của các cơ quan chức năng thì nó sẽ làm giảm đi cái hiện tượng này”.

Mặc dù được hợp pháp hóa dưới dạng xe chạy tuyến cố định, thế nhưng bằng cách cố tình tạo sự nhầm lẫn đối với khách đi xe qua màu sơn, phù hiệu giả, bảng chữ ghi tuyến đường…, thì chỉ cần hành khách không tinh ý là sẽ nhầm với xe bus thật. Dĩ nhiên khi lên xe, hành khách phải trả số tiền gấp nhiều lần so với giá vé xe bus. Thậm chí, có những xe nhái cả 2 tuyến cùng một lúc.

Đội trưởng Đội xe tuyến 11 Phan Thành Nhân cho biết thêm: “Trên xe lúc nào cũng có hai cái biển, một biển số 11 và một biển 603. Khi thì Tân Thành tới Nhơn Trạch thì đặt biển 11 lên. Từ Nhơn Trạch tới Bến xe Miền Đông thì đặt số 603 lên để người ta rước khách cho dễ”.

Một số cá nhân công khai "lập tuyến" hợp đồng giống bus thật.

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng Đồng Nai, hiện xe bus giả ở tỉnh này đã giảm rất nhiều so với năm 2015, nhưng dù dưới hình thức này hay hình thức khác, xe bus giả, bus nhái vẫn tồn tại khiến doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng. Trong khi đó, đơn vị quản lý là trung tâm này lại không có chức năng, quyền hạn xử lý, chỉ nắm bắt thông tin báo cáo Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh nên việc xử lý các xe vi phạm tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức./.

CTV Ngôn Chi/VOV – TP HCM

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/qua-mat-co-quan-quan-ly-xe-bus-gia-van-hoat-dong-o-dong-nai-557862.vov