PTL - Hậu quả đã nhìn thấy

Chỉ sau 3 phiên giao dịch, mã PTL của CTCP Đầu tư hạ tầng và đô thị Dầu Khí (Petroland) đã mất đến 30% giá trị, từ 25.000 đồng/CP trong phiên giao dịch chào sàn giảm xuống chỉ còn 18.100 đồng/CP vào phiên giao dịch ngày 24-9. Đây là hậu quả của sự pha loãng CP.

Petroland được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ Ban Quản lý các dự án công trình xây dựng phía Nam thành CTCP từ năm 2007, với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Petroland hoạt động ở 2 mảng chính là kinh doanh bất động sản (BĐS) và tư vấn quản lý dự án, với 6 cổ đông sáng lập là TCTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), TCT Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC), TCT Dầu Việt Nam (PV Oil), CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và CTCP Đầu tư tài chính Công đoàn (PVFI). Đây là những DN lớn, có thương hiệu nổi tiếng, nên góp phần làm tăng sự hấp dẫn của Petroland đối với đối tác. Tuy vậy, trên thực tế Petroland vẫn là doanh nghiệp trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực BĐS. Trong giai đoạn đầu mới thành lập, từ 2007-2009 các dự án Petroland mới được triển khai nên chưa có doanh thu từ BĐS, chỉ có doanh thu từ hoạt động quản lý dự án và hoạt động tài chính. Vì vậy, trong 2 năm 2008-2009, doanh thu và lợi nhuận của Petroland còn khá khiêm tốn so với quy mô vốn và hoạt động của mình. Trong đó, tư vấn quản lý dự án là hoạt động truyền thống của Petroland với doanh thu và lợi nhuận tăng hơn 3 lần trong 2009 và bắt đầu có được lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, doanh thu tư vấn quản lý dự án tăng do các hợp đồng đã ký kết từ trước kết thúc và ghi nhận doanh thu cũng như lợi nhuận trong năm 2009. Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động tài chính chủ yếu phát sinh từ nguồn vốn chưa sử dụng gửi kỳ hạn, hoặc ủy thác đầu tư tại các tổ chức tín dụng. Cũng chính vì lý do này, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, Petroland vẫn chưa thể chi trả cổ tức cho NĐT với lý do giữ lại để bổ sung vốn cho hoạt động. Trong lĩnh vực BĐS, các dự án của Petroland cũng còn khá khiêm tốn, trong đó các dự án triển vọng chỉ đếm trên đầu ngón tay: Trung tâm thương mại dầu khí Phú Mỹ Hưng, cao ốc 16 Trương Định, chung cư Petroland (quận 2), chung cư Mỹ Phú (quận 7) và khu đô thị mới Dầu khí Vũng Tàu. Thế nhưng đa phần các dự án này đều trong giai đoạn đầu triển khai xây dựng, doanh thu và lợi nhuận chỉ có thể thu về kể từ năm 2011. Vì vậy, nếu đưa ra nhận định về triển vọng của Petroland cũng chỉ có thể đánh giá trong dài hạn. Chưa hội đủ sức hấp dẫn và lợi thế cạnh tranh, Petroland lại quyết niêm yết CP trong bối cảnh bội cung, đặc biệt là sự xuất hiện của hàng loạt mã CP BĐS trong khoảng thời gian gần đây. Do vậy về mặt thời điểm khiến cho mong muốn tăng tính thanh khoản và minh bạch cho CP PTL lại có tác dụng ngược. Thực tế, với hàng trăm doanh nghiệp BĐS đang niêm yết trên cả 2 sàn, NĐT có nhiều sự lựa chọn, nhất là những mã CP của các doanh nghiệp BĐS có kinh nghiệm và nền tảng tốt như HAG, TDH, BCI, DXG, ITC… Chính vì vậy với số lượng 100 triệu CP được Petroland đưa lên sàn giao dịch, sẽ khó tránh khỏi hiện tượng pha loãng và bán tháo CP, bản thân Petroland cũng bất lực nhìn giá PTL giảm từng ngày. Đây là điều lãnh đạo Petroland và cả CTCK tư vấn niêm yết đã nhìn thấy được, nên việc định giá PTL hơi bị quá tay. Thực tế, giá PTL trên thị trường OTC trước khi niêm yết chỉ khoảng 16.000 đồng/CP, nhưng mức chào sàn lại lên đến 25.000 đồng/CP. Với mức giá này, khó tránh khỏi hiện tượng NĐT bán tháo chốt lời và dự báo PTL sẽ còn đi xuống trong những phiên giao dịch tới.

Nguồn VietStock: http://www.vietstock.vn/channelid/733/tin-tuc/167628-ptl---hau-qua-da-nhin-thay.aspx