Ploy Ngọc Bích: 'Viết sách cũng để kiếm tiền'

'Viết sách cũng để kiếm tiền. Nhà văn cũng cần phải sống, sống thì mới kiếm được tiền. Có tiền mới đi đây đi đó để viết. Nhà văn kiếm tiền là chuyện bình thường, đừng mang sĩ diện nghệ sĩ vào công việc của mình', Ploy nói.

Ploy Ngọc Bích: 'Viết sách cũng để kiếm tiền' - Ảnh: NVCC

Như chính những nhân vật trong câu chuyện của chị, Ploy (Trần Lê Ngọc Bích) gây ấn tượng với hình ảnh một cô gái đầy năng lượng, lạc quan và mạnh mẽ. Tác giả 8X khởi đầu bằng việc cộng tác với báo Hoa Học Trò và 2!, sau khi xuất bản “Phía sau một cô gái”, Ploy trở thành một tác giả yêu thích của rất nhiều độc giả trẻ.

Bên cạnh việc cho ra đời nhiều cuốn sách, Ploy còn làm truyền thông cho các công ty lớn. Tác giả 8X này đã dành cho Thanh Niên cuộc phỏng vấn khá thú vị dưới đây:

- Đang thuận lợi ở việc viết báo, tại sao chị lại chuyển hẳn qua viết sách và làm quảng cáo?

Tôi dừng việc làm quảng cáo từ năm 2010. Sau đó tôi làm cho các công ty lớn là Ford ở Thái Lan 3 năm. Rồi chuyển qua Unilever và giờ tôi đang làm ở Nestle. Tôi chỉ làm một vài chiến dịch quảng cáo như “Bánh bèo vô địch” cho Diana. Còn việc viết báo thì tôi muốn nghỉ để muốn dành đất, cơ hội cho đàn em phía sau tôi. (cười)

- Là một tác giả trẻ, chị nghĩ gì về xu hướng “thị trường hóa” trong văn học hiện nay?

Hai năm trước, hội sách đã cháy hàng những cuốn sách thuộc “dòng văn học status”. Tại vì chúng ta đang sống trong thời kì mạng xã hội nên dòng văn học này trở nên nổi bật. Kinh tế có hai khái niệm là cung và cầu. Nếu nhu cầu cao mà lượng cung cấp đang thiếu thì nó sẽ thành trào lưu và ngược lại.

- Điều chị vừa nói có làm ảnh hưởng đến sách của chị?

Nhà xuất bản và các bên làm sách họ đặt vấn đề là muốn một cuốn sách chủ đề này, chủ đề kia. Nếu tôi thấy phù hợp thì tôi sẽ viết.

Tôi không muốn cho ra một cuốn sách để rồi vài năm sau nhìn lại, chính bản thân mình cầm lên cuốn sách đó đọc và tự hỏi tôi đã viết gì đây. Đó là một sự thất bại. Ra một cuốn sách mà mình chưa hài lòng sẽ có lỗi với độc giả và với bản thân mình.

"Tôi không muốn cho ra một cuốn sách để rồi vài năm sau nhìn lại, chính bản thân mình cầm lên cuốn sách đó đọc và tự hỏi tôi đã viết gì đây" - Ảnh: NVCC

- Những cuốn sách của chị gửi đến giới trẻ thông điệp gì?

Khi viết truyện thì ít khi nào tác giả nói “chính tôi là người đang viết và đang gửi đi thông điệp”. Vì họ chỉ viết từ tâm hồn của họ và thể hiện nó ra bằng con chữ.

- Công việc hiện tại của chị có ảnh hưởng gì tới việc viết sách?

Ảnh hưởng nhiều chứ. Khi tiếp xúc với nhiều người có nền tảng khác nhau thì biết được nhiều điều khác nhau, hiểu được góc nhìn của họ. Có những thứ với mình không quan trọng nhưng với người khác lại quan trọng. Tôi là một người rất tham vọng, thích làm, cái gì cũng muốn nhanh và trật tự.

- Tại sao chị quyết định về Việt Nam trong khi công việc ở Thái Lan đang thuận lợi?

Tôi nghĩ làm việc Việt Nam so với ở Thái Lan không có gì khác biệt. Thật sự làm việc ở đây có nhiều cơ hội hơn. Mỗi người có tham vọng trong cuộc sống khác nhau. Tôi có một số dự định ở Việt Nam nên tôi quyết định về nước.

Tuổi trẻ chỉ có một lần thôi. Chuyện mà mình không làm bây giờ thì sẽ mất cơ hội.

- Chị giải quyết những khó khăn trong công việc như thế nào?

Tôi đã đặt mục đích rồi thì quyết tâm mà làm. Ngoài ra tôi không muốn để tâm đến những người có khả năng ảnh hưởng xấu đến công việc của mình. Có một câu ngạn ngữ rằng: “Con hổ không bao giờ mất ngủ vì tiếng kêu của con cừu”.

- Chị có nghĩ mình viết sách chỉ để kiếm tiền?

Viết sách cũng để kiếm tiền. Trước hết tôi thấy là phải vượt qua cái chữ “sĩ diện”. Nhà văn thì cũng cần phải sống, sống thì mới kiếm được tiền. Có tiền thì nhà văn mới đi đây đi đó để viết các tác phẩm khác. Khi đó mới cảm thấy viết lách là cái nghiệp chứ không phải nghề, nó tự vận vào mình. Vậy nhà văn kiếm tiền là chuyện bình thường, đừng mang tính sĩ diện nghệ sĩ vào công việc của mình.

- Chị đã làm việc với nhiều nhà xuất bản, nhà văn lớn, có bao giờ chị thấy mình nhỏ bé?

Không. Với tôi, không nói chuyện trẻ hay già, mà hãy nói mình làm được cái gì.

"Những thứ cảm xúc buồn bã, không tích cực thì nên bỏ qua" - Ảnh: NVCC

- Cách cân bằng cảm xúc giữa cuộc sống và các tác phẩm của chị?

Tôi chăm tập thể thao. Với tôi, có sức khỏe thì đầu óc mới minh mẫn. Còn những thứ cảm xúc buồn bã, không tích cực thì nên bỏ qua. Tôi luôn muốn học cái mới, nhìn đời bằng con mắt mới. Tôi vẫn đang học tiếng Pháp, học làm bánh, học vẽ, học bất cứ cái gì. Đó là cách cân bằng cảm xúc vì khi mình vận động thì không có thời gian nghĩ quẩn.

- Ba từ nói về bản thân chị?

Rất tham vọng.

- Chị có bao giờ nghĩ tham vọng quá lớn thì thất vọng càng nhiều?

Tôi không từ chối cảm xúc. Kết quả nếu không như mong muốn thì buồn có thể một ngày, một tuần thôi rồi tìm ra nguyên nhân thất bại. Hãy cứ nghĩ giờ này năm sau mình đang ở đâu, mình đã làm được gì và phải đứng dậy mà làm tiếp.

- Xin cám ơn chị.

Tên thật: Trần Lê Ngọc Bích

Nickname: Ploy

Sinh nhật: 7.4.1988

Cựu học sinh chuyên Sinh, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong

Biết các thứ tiếng: Tiếng Anh, tiếng Thái, tiếng Trung

Công việc hiện tại: Digital Brand Manager, Nestle Vietnam

Câu nói yêu thích: “I hate rules” (David Ogilvy)

Lê Thanh - Thu Thương

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/ploy-ngoc-bich-viet-sach-cung-de-kiem-tien-691476.html