Pique và chính trị trong bóng đá: Hãy để con tim mình chơi bóng

Gerard Pique trở thành "hố đen" tiếp theo thu hút những tranh cãi bất tận về mối liên hệ giữa bóng đá với chính trị. FIFA luôn chủ trương tách biệt bóng đá khỏi chính trị nhưng họ chẳng bao giờ làm được như thế.

1. "Các người thành công rồi đấy, các người đã giết chết sự đam mê của tôi" - Gerard Pique thốt lên như thế khi đứng trong tâm bão chỉ trích vì việc cắt ống tay áo. Còn chưa kịp ăn mừng chiến thắng khi đánh bại Albania, Pique cười cay đắng tuyên bố giã từ đội tuyển Tây Ban Nha sau World Cup 2018 vì hành động cắt ống tay áo. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu phần tay áo đó không mang ý nghĩa đại diện cho quốc kỳ Tây Ban Nha.

Cắt tay áo, Pique dính nghi án kích động phong trào ly khai.

Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha bảo vệ Pique bằng tuyên bố trung vệ 29 tuổi chỉ muốn thoải mái hơn khi thi đấu. Một phần đồng tình, một phần không. Người ta tin rằng Pique cố ý làm như vậy để cổ vũ phong trào độc lập cho xứ Catalan luôn âm ỉ cháy đòi ly khai Tây Ban Nha.

Những người trung lập bảo trì ý kiến Pique không cố ý nhưng người Tây Ban Nha không nghĩ thế. Phe đòi Catalan ly khai tuyên bố ủng hộ hành động của Pique. Phe bảo hoàng chỉ trích Pique thậm tệ. Cuộc tranh cãi đó vẫn chẳng đi đến đâu nhưng hệ lụy là Pique tuyên bố giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế ở tuổi 30. Không quá trẻ nhưng cũng chẳng đến mức già.

2. FIFA luôn muốn tách bạch chuyện chính trị khỏi bóng đá nhưng đó vẫn là câu chuyện viễn tưởng. Ngay từ thập niên 30, bàn tay lớn của chính trị đã phủ xuống bóng đá. Nền bóng đá Italia được chế độ độc tài Mussolini nâng đỡ trước và trong thế chiến thứ hai, bóng đá trở thành môn thể thao quốc dân dưới thời Hoxha sau thế chiến thứ hai tại Albania,...

Chẳng nói đâu xa, bóng đá Trung Quốc đang phát triển mạnh nhờ được sự nâng đỡ của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tại vòng loại Euro 2016, đám đông cổ động viên quá khích Serbia hô vang: "Xử hết đám Albania đó đi". FIFA sẽ cố tình tách Serbia với Kosovo hoặc Albania tại vòng loại của những giải đấu lớn sau này cũng bởi vấn đề chính trị.

Nhưng có lẽ những "quyết tâm" của FIFA sẽ chẳng đến đâu khi chính tổ chức mang tính đại diện của nền bóng đá thế giới cũng chịu ảnh hưởng của chính trị. Cựu chủ tịch FIFA, Sepp Blatter bị cáo buộc tham nhũng để giúp Qatar giành suất đăng cai World Cup 2022. Đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm trong những phán quyết của FIFA.

Pele gây ấn tượng trong bộ phim Escape to Victory với câu nói "hãy để con tim mình chơi bóng".

3. Bộ phim "Escape to Victory" (tựa Việt là "chiến thắng để tự do") với sự xuất hiện của "vua bóng đá" Pele từng đề cập đến giá trị nhân văn vượt qua những âm mưu chính trị của bóng đá. Nhân vật Luis Fernandez do Pele thủ vai đã cùng với các đồng đội là những người bị tù giam đá với lính Đức quốc xã để giành lấy tự do.

Câu nói đáng nhớ nhất của Pele với các đồng đội cũng là điểm nhấn của bộ phim: "Đừng dùng đôi chân, đừng dùng cái đầu mà hãy để con tim mình chơi bóng". Trong một thế giới vẫn còn tồn tại những sự kỳ thị, chia rẽ vì lý do sắc tộc, giới tính,... bóng đá có lẽ là nơi đủ sức gắn bó tất cả.

Tại một quốc gia bị chia rẽ thành ba cộng đồng như Bỉ, bóng đá là giá trị duy nhất đủ sức gắn kết một quốc gia. Khi sự phân biệt chủng tộc vẫn đầy rẫy ngoài kia thì ở trong những sân vận động, người ta được chứng kiến các cầu thủ mang màu da khác nhau, quốc tịch khác nhau, tôn giáo khác nhau,... cùng vui, cùng buồn vì một bàn thắng.

Đó là giá trị đẹp mà bóng đá mang lại. Có thể bóng đá mãi mãi không bao giờ tách biệt khỏi chính trị cũng như chẳng bao giờ có xã hội nào hoàn hảo thực sự công bằng, giá trị của túc cầu vẫn là thứ người ta hướng đến.

Hãy để con tim mình chơi bóng!

Như Đạt

Nguồn Bóng Đá 24H: http://www.bongda24h.vn/bong-da-chau-au/pique-va-chinh-tri-trong-bong-da-hay-de-con-tim-minh-choi-bong-184-145201.html