Pin thiết bị điện tử giá rẻ - 'quả bom' nổ chậm trong nhà

Hiện nay đa số các gia đình thường dùng thiết bị điện tử như đèn pin, vợt bắt muỗi, quạt mini...chạy bằng pin. Tuy nhiên theo các chuyên gia, những thiết bị chạy bằng pin giá rẻ hoặc không rõ nguồn gốc này cũng nguy hiểm khôn lường.

Đã không ít các trường hợp tai nạn liên quan đến đồ điện tử dùng pin sạc không rõ nguồn gốc khác thời gian qua, như quạt điện mini, sạc dự phòng, đồng hồ, đèn ngủ, đèn đọc sách…

Trước đó, tin từ Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cho biết, em Hoàng Minh N (8 tuổi), ngụ tại thôn Tân Phú 2, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh (Lâm Đồng), phải nhập viện trong tình trạng bàn tay phải bị dập nát cả 5 ngón tay. Theo người nhà của N, nhân ngày nghỉ cuối tuần, em được gia đình cho lên nhà người quen ở xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) chơi.

Khoảng 9h30 ngày 24/10, trong lúc N đang ngủ trên giường, cánh tay phải thả lỏng xuống dưới đất. Vị trí bàn tay này cách một cục sạc đèn pin đang cắm vào ổ điện nhưng không gắn pin chừng 80 cm. Bất ngờ cục sạc nổ lớn tạo ra một áp lực rất mạnh khiến cả 5 ngón tay của bàn tay phải của bé trai này bị dập nát, nặng nhất là ngón trỏ.

Pin từ thiết bị điện tử giá rẻ rất dễ cháy nổ. Ảnh minh họa

Pin từ thiết bị điện tử giá rẻ rất dễ cháy nổ. Ảnh minh họa

Ngoài bị thương nặng ở bàn tay phải, N còn bị một số vết thương nhẹ trên mặt.Toàn bộ cục sạc đèn pin nát vụn, nhiều mảnh nhỏ văng khắp nơi. Các bác sĩ đã phẫu thuật, cắt bỏ những phần da thịt bị dập nát và băng bó vết thương cho nạn nhân.

Anh Lê Dũng (34 tuổi, một kỹ sư điện tử) cho biết, hầu hết những thiết bị điện tử giá rẻ sử dụng pin sạc đều tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và chúng chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc. "Loại hàng này thường không được kiểm tra chất lượng, hoặc kiểm tra sơ sài trước khi xuất xưởng để giảm chi phí, nên độ an toàn thấp.

Không chỉ xuất hiện ở trên các thiết bị điện tử quen thuộc, những viên pin sạc không nguồn gốc cũng thường xuất hiện trên đồ chơi trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc và điều này gây lo ngại cho các bậc phụ huynh. Đã có khá nhiều vụ nổ pin đồ chơi điện tử trước đây, điển hình là trường hợp bé Nguyễn Chí Tú (11 tuổi, Ninh Thuận), khiến bé bị tổn thương nặng ở mắt phải và các ngón tay.

Còn theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng Giám đốc công ty CyberPower System Việt Nam, người dùng nếu đã mua những thiết bị trên, khi sử dụng không được sạc lâu. Nếu đèn báo sạc đầy phải rút ra và không được sạc qua đêm. "Hầu hết các thiết bị này không có bộ ngắt sạc khi pin đầy, hoặc có nhưng kém chất lượng, do đó, không nên sạc qua đêm để tránh hiện tượng nóng pin, chập mạch gây cháy nổ", ông Tuấn cảnh báo. Ngoài ra, người dùng cũng không nên ở gần thiết bị khi sạc để tránh thiệt hại nếu có sự cố.

Do đó, tốt nhất người dùng nên chọn mua sản phẩm có nhãn mác, thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng, nơi bán uy tín sẽ giảm bớt nguy cơ cháy nổ hoặc các tai nạn khác. Đồng thời, nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thiết bị, để chúng xa các nơi có nguồn nhiệt cao, tránh va đập mạnh... và nếu có dấu hiệu hư hỏng, tốt nhất là nên loại bỏ.

Ngoài ra, khi sạc các thiết bị này, người dùng cần sạc vừa đủ thời gian cho đầy pin, đừng sạc quá lâu gây nóng pin. Tuy sức sát thương khi nổ của các sản phẩm này không bằng điện thoại di động, nhưng cũng có thể gây nguy hiểm nếu người dùng tiếp cận quá gần lúc thiết bị nổ, nên tốt nhất lúc đang sạc không nên ở quá gần thiết bị và tuyệt đối đừng sử dụng khi đang sạc pin.

An Dương (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/pin-thiet-bi-dien-tu-gia-re---qua-bom-no-cham-trong-nha-d125324.html