Phút trải lòng của người đàn ông bị anh rể cắm sừng

Trong lòng luôn ôm cục tức vì bắt quả tang anh rể tòm tem vợ mình, nhưng Quách Văn Mậu, SN 1968, trú tại huyện Thạch Thành, Thanh Hóa vẫn muốn giữ thể diện gia đình nên chỉ kể với chị gái. Thế nhưng người anh rể không biết điều lại đem cái sự ô nhục ấy khoe trước bàn dân thiên hạ khiến Mậu không kìm nén được...

Mậu may mắn sống sót với vết thủng lớn trên gương mặt. Bị kết án, Mậu về trại giam Thanh Phong cải tạo với mức án 12 năm tù về tội giết người.

Người anh rể lăng nhăng

Trở lại trại giam Thanh Phong chúng tôi được Thiếu tá Ngô Minh Giang, cán bộ giáo dục phân trại 2 thông báo về Mậu, phạm nhân được quản giáo và bạn tù đặc biệt quan tâm. Thiếu tá Giang còn kể sơ qua về diện mạo của Mậu nhưng khi gặp phạm nhân, tôi không khỏi giật mình. Phát súng do anh ta tự gây nên để lại vết thương khá nặng, tạo ra một cái hốc to tướng giữa mặt, làm bay mất hàm trên và mũi khiến Mậu nói năng, ăn uống thật khó khăn. Mậu bảo thời gian đầu thật chật vật, Mậu không ăn uống gì được, tất cả thức ăn đều quy đổi thành nước nhưng đưa được vào bụng cũng là quá trình vất vả. Tập mãi rồi Mậu cũng có thể ăn cơm được cho dù chỉ là nhấm từng hạt cơm song “thế vẫn còn có cảm giác được ăn”.

Sinh ra ở vùng sâu vùng xa của tỉnh Thanh Hóa, gia đình không có điều kiện, học chưa hết cấp một Mậu nghỉ học ở nhà làm ruộng phụ giúp bố mẹ. Năm tháng cứ thế trôi theo lẽ tự nhiên đến tuổi trưởng thành, Mậu gặp rồi thương yêu cô gái trong vùng và lấy làm vợ. Cuộc sống của Mậu cứ bình lặng trôi qua với cảnh vợ chồng ra đồng cấy hái lại xuống sông mò cua bắt ốc. Mậu bằng lòng với cuộc sống ấy.

Cuộc sống bình dị ấy của Mậu chưa được bao lâu lại bị người anh rể làm đảo lộn. Vì chị gái Mậu lấy chồng gần chợ lại có nghề bán cá nên những khi nhà Mậu có cá bán, vợ anh ta lại mang ra chỗ chị chồng ngồi nhờ. Sự qua lại tưởng như rất bình thường ấy cuối cùng lại sinh ra chuyện mà nguyên nhân bắt nguồn từ người anh rể có tính lăng nhăng Nguyễn Văn Hội.

Những câu rì rầm nhỏ to của dân làng rồi cũng đến tai Mậu. Anh ta không tin và cho rằng “tôi với Hội chơi với nhau từ nhỏ, tôi biết hắn có tính lăng nhăng từ ngày thanh niên nhưng cứ nghĩ anh em chơi với nhau, lại người một nhà, hắn làm bậy ở đâu chứ ai lại…”. Chính vì nghĩ như thế nên dù thiên hạ nói gì, Mậu cũng không tin, cho đến một ngày… “Hôm đó tôi ra sông canh bè cá, mờ sáng mang lồng cá về tính cho vợ đi chợ sớm thì bắt gặp”, Mậu nhớ lại.

Đứng như trời trồng trước cảnh vợ và anh rể quấn lấy nhau, Mậu chưa biết xử trí thế nào thì gã anh rể vùng chạy còn vợ Mậu quỳ lạy chồng như tế sao. Lúc đó Mậu điên lắm, muốn đập phá nhưng rồi nghĩ đến chị gái, đến 2 đứa con mình và hai đứa cháu nhỏ dại nên nuốt cục tức vào trong. Đem chuyện của vợ với anh rể kể cho chị gái và anh em bên nhà Hội, Mậu đề nghị có cuộc họp gia đình nhưng ai cũng lảng tránh.

Anh rể trốn biệt, hơn tháng sau mới trở về. Mấy lần Mậu gọi anh rể vào nhà tính nói chuyện phải trái nhưng Hội luôn kiếm cớ tránh mặt. Một buổi sáng đi săn về ngang qua chợ, Mậu nghe thấy tiếng anh rể đang khoác lác trong một quán rượu nên rẽ vào. Vừa nhìn thấy Mậu, người anh này đã bô bô chuyện lang chạ của mình ra nói trước đám đông. Anh ta cho rằng vợ Mậu là người không đoan chính, chủ động gạ gẫm anh ta nên anh ta đùa cợt tý cho vui. Những lời nói không đúng lúc, đúng chỗ của Hội khiến Mậu tối tăm mặt mũi. Mậu cố gạt đi thì Hội càng nói. Sự lố bịch của anh rể và những lời chọc ngoáy, cười cợt của những kẻ cùng bàn nhậu khiến Mậu không còn giữ được bình tĩnh. Mậu vồ lấy khẩu súng săn, nhằm anh rể bóp cò. Tiếng súng nổ kéo người đi chợ xô lại trong đó có cả chị gái Mậu. Nhìn thấy chồng đổ gục, người đàn bà này ngất xỉu.

Phạm nhân Quách Văn Mậu trong trại giam. Ảnh: N. Vũ

Nỗi ân hận muộn

Từ ngày vào trại đến giờ Mậu chưa gặp vợ một lần nào, chắc vì vợ xấu hổ nên bỏ vào Nam làm ăn, vài tháng lại gửi tiền về nuôi con. Mỗi năm một lần, vào dịp Tết, chỉ có các con đèo nhau lên thăm bố. Mậu bảo anh không trách vợ, vì chưa một lần lên thăm, có lẽ vì xấu hổ và mặc cảm nhưng cái cách chị ta chọn để kiếm tiền nuôi con cũng khiến Mậu bớt lo lắng và nguôi ngoai phần nào.

Hỏi Mậu tại sao ngày đó bắn chết anh rể rồi lại tự sát, có phải vì sợ bị đi tù không, Mậu lắc đầu. “Bắn anh ấy xong, tôi còn đứng như trời trồng thì hai đứa cháu nhào tới. Chúng nó giật áo tôi, khóc mếu đòi bố. Nhìn hai cháu nhỏ dại mếu máo, tôi chợt nghĩ đến con mình mà thấy xót xa. Vừa thương cháu vừa thấy cực thân mình, tôi chỉ nghĩ được rằng thà mình cũng chết đi cho nhẹ nợ, thế là kê luôn mũi súng vào dưới cằm mình, bóp cò”, Mậu nhớ lại.

Nhát súng làm bay mất mũi của Mậu, để lại một hố sâu lớn trên gương mặt nhưng lại không cướp đi mạng sống của anh ta. Sau gần một tháng nằm viện điều trị lành vết thương, từ BV Mậu được đưa thẳng về trại tạm giam để lấy lời khai. Những ngày chờ hầu tòa với Mậu dài dằng dặc. Vừa nhục nhã vừa bi quan, nhất là những lúc đến bữa ăn, thèm mà không ăn nổi, nhiều lần Mậu nảy sinh ý định tự sát. “Ở trại giam chứ đâu phải ở nhà mà đói lúc nào ăn lúc đấy, đã thế mồm miệng tôi lại thế này nên cứ đưa cơm vào miệng lại chảy ra đằng mũi”, Mậu tâm sự.

Thấy Mậu ăn uống khổ sở, bạn tù thương tình nên có hộp sữa nào đều nhường cho anh ta nhưng do không quen nên đêm đến cái bụng anh nông dân này cứ réo ầm ầm. Thấy sống còn cực hơn chết, một đêm Mậu vào nhà vệ sinh, tự dìm mình xuống bể chứa nước nhưng được bạn tù kéo ra. Được bạn tù động viên, chia sẻ, quản giáo nhắc nhở, khuyên răn, Mậu đỡ dần mặc cảm, tự ti. Anh ta bảo thời gian đầu không chỉ người khác mà ngay cả anh ta mỗi khi soi gương cũng giật mình kinh hãi nhưng rồi nhìn mãi cũng quen. Mậu không buồn khi thấy bạn tù không dám nằm cạnh mà anh ta chỉ buồn vì không biết sau này ra trại, với gương mặt đầy khiếm khuyết ấy, liệu có đủ tự tin để đi làm hay không.

“Tôi về đây cải tạo từ năm 2005, đến nay đã được 3 lần xét giảm, tính ra còn ít thời gian nữa là mãn hạn nhưng nỗi đau trong lòng thì chẳng thể nguôi ngoai. Được phân công về đội khâu bóng, công việc cũng không mấy vất vả, phù hợp với sức khỏe của tôi. Giờ tôi đang băn khoăn, lo lắng còn ít thời gian nữa thôi là tôi hết hạn tù nên phải tính chuyện kiếm việc làm từ bây giờ nhưng nghĩ mãi chưa ra. Mặt mũi tôi thế này đi làm đồng chắc không sao chứ có đi quăng chài, kéo cá chắc chẳng dám ra chợ bán. Nhưng cũng phải kiếm một việc gì đó để sống chứ có ai ngồi chịu chết đói bao giờ”, Mậu nói.

Nhắc đến các con, Mậu không thể kìm được nỗi lòng. Mỗi tháng được một lần gọi điện thoại về nhà, thời gian chỉ có 5 phút song cũng đủ để bố con Mậu trao đổi với nhau. Qua đó, Mậu biết con trai lớn đã vào Nam cùng hai người con của chị gái. Mậu mừng, cảm thấy thoải mái hơn vì sau biến cố xảy ra giữa hai gia đình, bốn đứa trẻ đã không quay lưng lại với nhau. Chúng đùm bọc yêu thương nhau như anh em một nhà. “Mừng lắm khi thấy con cháu mình yêu thương nhau nhưng tôi lại càng thấy mình không phải. Giá như ngày đó tôi bình tĩnh hơn, đại lượng hơn có lẽ…”, Mậu bỏ lửng câu nói.

Hương Vũ – Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/phap-luat/phut-trai-long-cua-nguoi-dan-ong-bi-anh-re-cam-sung-119804