Phượt thủ nổi tiếng nói gì về việc dân phượt xả rác bừa bãi?

Những ngày gần đây, hình ảnh những “bãi rác” còn lại sau mỗi chuyến cắm trại, “phượt” khiến cho hình ảnh của cộng đồng phượt trở nên xấu đi trong mắt mọi người.

Chuyện bảo vệ môi trường, cảnh quan ở những danh lam thắng cảnh không còn là chuyện mới, nhưng chưa bao giờ là đề tài hết “hot”. Hình ảnh những điểm du lịch từ mới, hoang sơ tới quen thuộc ngập tràn rác sau khi nhóm phượt đi qua không hề hiếm gặp.

Status của một người dân sống ở Tam Đảo tố các "phượt thủ" vứt rác bừa bãi và vặt trộm susu của người dân. Ảnh chụp màn hình.

Những ngày gần đây, mạng xã hội đang lan truyền status của một Facebooker tố cáo các phượt thủ ý thức kém khi đến Tam Đảo, xả rác và vặt trộm ngọn su su gây ảnh hưởng đời sống của người dân.

"Bãi rác" còn lại sau cuộc vui của các nhóm phượt trên núi Hàm Lợn (Sóc Sơn) hôm 29/10 vừa qua. Ảnh: T.Nga

Trước đó, những hình ảnh được một cư dân mạng chia sẻ về “bãi rác” được chụp ở núi Hàm Lợn (Sóc Sơn, Hà Nội) cũng khiến nhiều người phải suy ngẫm. Trong hình ảnh được đăng tải, nhiều người thấy sững sờ với cả “núi rác” gồm thùng xốp, bao nilong, vỏ chai, cốc giấy… bỏ lại trên bãi đất sau cuộc vui của các nhóm phượt cắm trại, ngủ qua đêm tại đây.

Người đăng tải hình ảnh này cho biết: “Tôi cảm thấy thất vọng với ý thức bảo vệ môi trường của đa số người Việt. Tôi liên tục thấy cảnh mọi người thản nhiên vứt rác ra đường. Nhiều người ngồi ăn phở thì vứt giấy ăn xuống sàn nhà, ngồi trong ôtô thì hạ kính ném rác ra ngoài..."

Trần Năm Thương (biệt danh Mèo Già), một "phượt thủ" có tiếng trong cộng đồng xê dịch. Ảnh NVCC

Chia sẻ với Emdep.vn, anh Trần Năm Thương (Mèo Già), một trong những “phượt thủ” có tiếng trong cộng đồng xê dịch cho biết bản thân anh hay bất kỳ ai khi nhìn những tấm ảnh này đều có chút bức xúc về ý thức bảo vệ môi trường của dân phượt. Anh chia sẻ quan điểm của mình rằng dường như nhiều bạn trẻ hiện nay đang đi “phượt” theo “phong trào” chứ không phải là đi để khám phá và trải nghiệm. Anh nói: “Đến mỗi vùng đất các bạn ấy chưa dành nhiều thời gian để trò chuyện với con người hay tìm hiểu văn hóa nơi đó để hiểu họ và có những hành xử đúng đắn. Điều này làm cho hình ảnh của cộng đồng phượt xấu đi rất nhiều trong mắt người dân".

Có cơ hội đi nhiều và có kinh nghiệm trong những chuyến phượt ở nhiều vùng khác nhau, anh chia sẻ về việc xử lý rác thải sau mỗi chuyến đi của mình. Anh cho biết bình thường rác sẽ được thu gọn và đốt nếu có thể ở những nơi không gây nguy hiểm hay dễ cháy. Nếu không thì sẽ phải gom và cho vào túi mang tới những điểm thu gom đúng quy định, tránh làm ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan ở khu vực đó.

So sánh với một số nước Đông Nam Á, anh Trần Năm Thương cho biết du khách ở các nước đó hầu hết đều có ý thức tốt, kể cả những người du lịch “bụi”. Anh lý giải điều này bởi đơn giản là họ thường chọn kiểu Dorm (phòng tập thể) để qua đêm là nơi có những người du lịch của nhiều quốc gia, nên ý thức của họ phải tốt để không ảnh hưởng đến những người khác.

Moon

Mọi ý kiến đóng góp, bài vở, hình ảnh, clip đồng hành cùng Chiến dịch “Chống thực phẩm bẩn” xin quý vị vui lòng gửi về địa chỉ:

Tòa soạn Emdep.vn

Địa chỉ: Tầng 3 - Tòa nhà Đại Phát - Ngõ 82 Duy Tân - Hà Nội

Điện thoại: 0437959783

Email: toasoan@emdep.vn, banbientap@i-com.vn

Hotline: 0914926900

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/xem-choi/phuot-thu-noi-tieng-noi-gi-ve-viec-dan-phuot-xa-rac-bua-bai-20161108114702418.htm