Phương Tây mong Triều Tiên thành công?

Trả lời phỏng vấn của Đất Việt về cuộc phóng tên lửa sắp tới của Triều Tiên, Jim Walsh nói: "Thật hài hước là tôi mong muốn lần phóng này sẽ diễn ra thành công! Vì sao ư?"

Bảo bối an ninh quốc gia Triều Tiên

>> Kỳ 1: Những ngả đường bí mật của tên lửa Triều Tiên
>> Kỳ 2: Khám phá kho tên lửa của Triều Tiên

GS Jim Walsh.

Chuyên gia David Wright.

Trao đổi với Đất Việt qua thư điện tử, GS Jim Walsh, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên, Chương trình nghiên cứu an ninh Học viện Kỹ thuật Massachusetts (Mỹ) và ông David Wright, đồng Giám đốc và chuyên gia Chương trình An ninh toàn cầu thuộc Liên hiệp các nhà khoa học, có trụ sở đặt tại Mỹ, đều cho rằng khó có thể xác định mục tiêu của Triều Tiên trong vụ phóng tên lửa lần này nhưng chắc chắn sẽ để lại nhiều hệ lụy phức tạp.

- Mục tiêu nào thúc đẩy Triều Tiên phóng tên lửa trong thời điểm nhạy cảm này?

- GS Jim Walsh: Trước tiên, chúng ta không thể chắc chắn bất kỳ vấn đề nào có liên quan đến Triều Tiên. Tất cả các nhà phân tích thường chọn thái độ khiêm nhường và cẩn trọng trong tất cả các nhận định của mình.

Tôi đoán rằng mỗi người đều có vài lý do cho riêng mình. Như với ông Kim Jong-un và ông Jang Song-taek (Phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia và là chú rể của tân lãnh đạo CHDCND Triều Tiên - PV), lần phóng tên lửa này thể hiện sức mạnh và sự kế tục những chính sách cũ trong giai đoạn chuyển giao và củng cố quyền lực.

Điều này luôn quan trọng nhưng đặc biệt quan trọng trong năm 2012, kỉ niệm 100 năm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Il-sung - năm mà giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng đã hứa với quốc dân sẽ là một năm thịnh vượng và tuyệt vời. Chính phủ mới đang muốn lập mối liên hệ trực tiếp giữa Kim Il-sung và Kim Jong-un với người dân thường Triều Tiên như một phần của chiến lược giao thiệp rộng mở.

Ở đây cũng có thể có yếu tố quân sự. Triều Tiên là một xã hội ưu tiên quân sự. Do đó, giới quân sự muốn phóng tên lửa vì muốn khẳng định rằng vai trò của họ sẽ không thể bị xem nhẹ. Trong trường hợp này, khi chính quyền mới chuyển giao, bất kỳ một chính phủ nào cũng sẽ ưu tiên lợi ích quốc gia hơn là quan tâm đến ý kiến ngoại quốc.

- Chuyên gia David Wright: Chẳng ai ở phương Tây biết rõ được mục đích của lần phóng này. Tuy nhiên có một điều chắc chắn là quyết định phóng lần này đã được cố lãnh đạo Kim Jong Il đưa ra trước khi qua đời nhằm tưởng niệm lãnh tụ Kim Il-sung và vì thế, không gì có thể rút lại được quyết định này.

Mối quan ngại của cộng đồng quốc tế xuất phát từ thực tế là nếu lần phóng thử này thành công, dù vì bất cứ lý do gì, thì Triều Tiên cũng nắm được công nghệ để sử dụng trong việc chế tạo tên lửa đạn đạo.

- Thành công hoặc thất bại của lần phóng tên lửa này ảnh hưởng thế nào đến thế giới?

- GS Jim Walsh: Thật hài hước là tôi mong muốn lần phóng này sẽ diễn ra thành công! Vì sao ư? Nếu tên lửa mà gặp vấn đề như 2 lần bắn thử gần đây nhất, nó bị đổi hướng và lệch khỏi quỹ đạo vạch sẵn hoặc bị nổ thì Nhật Bản hoặc Hàn Quốc có thể sẽ bắn hạ tên lửa đó. Khi đó, vị lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên có thể thấy cần có hành động đáp trả. Điều này sẽ dẫn đến sự leo thang mâu thuẫn và dẫn tới xung đột - kết quả không ai mong muốn.

Thế nhưng, nếu lần phóng này "thành công" dù với nghĩa nào đi nữa nào, sẽ không sớm có đàm phán 6 bên, không có đàm phán song phương Mỹ - Triều, Hàn - Triều nào diễn ra cho đến tận năm 2013, vì cả Mỹ và Hàn Quốc đều đang bước vào thời kỳ bầu cử và họ không muốn bị nhìn nhận là kẻ thua cuộc trước Triều Tiên. Điều này cũng ẩn chứa nhiều rủi ro bởi càng để lâu, vấn đề Triều Tiên không đàm phán thì càng có nhiều cơ hội cho những chuyện không hay xảy ra.

Nói tóm lại, sẽ chẳng có nhiều viễn cảnh tích cực với vấn đề Triều Tiên, ít nhất là trong thời gian sắp tới.

- Chuyên gia David Wright: Nếu lần bắn này thành công thì Mỹ và các nước khác khó có thể nối lại chuyển hàng viện trợ tới cho Triều Tiên. Việc các nước quay trở lại bàn đàm phán trong thời gian tới cũng sẽ gặp trở ngại. Lần phóng này chắc chắn cũng làm trì hoãn những nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Trong viễn cảnh tiêu cực hơn, nếu có thêm một lệnh cấm vận mới được áp dụng, Bình Nhưỡng thậm chí có thể phớt lờ để tiến hành một vụ thử hạt nhân khác.

Ngay cả khi thành công, lần phóng này cũng được xem là hành động vi phạm nghị quyết của LHQ và sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cuộc đàm phán song phương giữa Mỹ và Triều Tiên. Thậm chí kể cả thất bại thì nó vẫn làm chậm lại quá trình tiến tới một thỏa thuận với Triều Tiên. Nếu không thành công trong lần phóng này, việc Mỹ và các bên liên quan quay trở lại bàn đàm phán có thể sẽ dễ dàng hơn so với khi nó thành công.

Ngày 10/4, CHDCND Triều Tiên thông báo các kỹ sư nước này đang hoàn tất việc lắp vệ tinh vào tên lửa đẩy và dự kiến hoàn tất cùng ngày. Triều Tiên khẳng định việc phóng vệ tinh của sẽ không gây nguy hiểm cho bất kỳ quốc gia láng giềng nào vì "hai tầng đầu tiên của tên lửa đẩy, có nhiệm vụ mang vệ tinh Kwangmysong-3, sẽ rơi xuống khu vực nằm trong quỹ đạo đã được xác định".

Triều Tiên đã mời hàng chục phóng viên các hãng thông tấn, báo chí nhiều quốc gia tới Trung tâm Vũ trụ Tongchang-ri để tận mắt chứng kiến tên lửa Unha-3 từ khoảng cách chừng 50m, mà theo phía Triều Tiên thì đó không phải là tên lửa đạn đạo như cáo buộc của Mỹ và một số nước khác.

Trong trường hợp có vấn đề gì xảy ra với hành trình này phòng điều khiển dưới mặt đất sẽ kích hoạt để tên lửa sẽ tự hủy. Tên lửa Unha-3 sẽ đẩy vệ tinh Kwangmyongsong-3 nặng 100kg vào quỹ đạo nhằm thu thập dữ liệu về rừng và tài nguyên thiên nhiên trên lãnh thổ của mình dự kiến từ 12-16.4.

Hiền Thảo

Nguồn Đất Việt: http://quocphong.baodatviet.vn/home/qpcn/phuong-tay-mong-trieu-tien-thanh-cong/20124/203608.datviet