Phương Tây loay hoay về cuộc chiến trừng phạt Nga

EU đang bị chia rẽ về chiến lược với Nga, khi khối này vẫn loay hoay cân nhắc nên chỉ trích Mátxcơva ở mức độ nào, và liệu có căn cứ nào để áp đặt trừng phạt thêm với Nga hay không.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sau cuộc họp ở London hôm 16.10.

Mỹ-Anh-Pháp về một phe

Sau khi các nỗ lực ngoại giao do Mỹ đứng đầu đã thất bại trong các cuộc gặp vào cuối tuần qua, ngoại trưởng các nước EU đã gặp nhau ở Luxembourg để kêu gọi chấm dứt đánh bom thành phố Aleppo ở Syria, hiện đang nằm trong tay phiến quân, nơi có 275.000 người đang bị mắc kẹt.

Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho rằng, phải gây sức ép mạnh với Nga. "EU càng chứng tỏ sự thống nhất và quyết tâm, thì chúng ta càng có khả năng thực thi nghĩa vụ đạo đức là ngăn chặn các vụ thảm sát dân thường ở Aleppo" - ông Ayrault phát biểu với báo giới.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho hay, các cuộc đàm phán với Nga ở Lausane, Thụy Sĩ vào cuối tuần qua đã không thể xua tan "niềm tin sâu sắc" rằng "Nga chỉ đơn giản là đang theo đuổi một giải pháp Grozny ở Aleppo và không sẵn sàng tham gia thực sự vào bất kỳ cách nào, ngoài việc ném bom bừa bãi và khủng bố loài người".

Ông Kerry nói đã cùng người đồng cấp Anh Boris Johnson "rà soát lại một danh sách ý tưởng, đề xuất nhằm gây sức ép ngoại giao và kinh tế" với Nga.

"Chúng tôi có rất nhiều biện pháp để gia tăng trừng phạt với chính quyền Syria và những người ủng hộ họ (Nga), kể cả các biện pháp đưa những người chịu trách nhiệm tra Tòa Hình sự Quốc tế" - ông Johnson nói.

Ngoại trưởng Anh sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Mỹ ở London hôm 16.10, tuyên bố rằng các cuộc ném bom của Nga xuống Aleppo "làm nhục nhân loại" và gọi Nga là "kẻ giật dây" chính quyền Syria.

Anh và Pháp muốn đưa thêm 20 cá nhân Syria vào danh sách cấm đi lại và đóng băng tài sản do nghi ngờ những người này chỉ đạo tấn công dân thường ở Aleppo, bên cạnh danh sách trừng phạt hiện hành của EU, cùng cấm vận dầu và vũ khí.

London và Paris cũng cân nhắc trừng phạt thêm 12 người Nga có liên quan đến cuộc xung đột Syria, bổ sung những người này vào danh sách 200 người nằm bị EU trừng phạt.

EU chưa có tiếng nói chung

Chủ trì cuộc họp ngày 17.10 ở Luxembourg, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini nói rằng, có khả năng các ngoại trưởng EU sẽ đồng ý trừng phạt thêm các cá nhân Syria. Tuy nhiên, đối với Nga, hãng TASS dẫn lời bà Mogherini cho hay, không nước thành viên EU nào đề xuất trừng phạt Nga vì cuộc khủng hoảng Syria.

"Tôi thấy rất nhiều thông tin trên báo chí về việc trừng phạt Nga, nhưng điều này không được bất cứ nước thành viên EU nào đề cập trong tất cả các cuộc họp của chúng tôi" - bà Mogherini được TASS dẫn lời cho hay.

Thậm chí, Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn còn nhấn mạnh, EU sẽ không thể đạt đồng thuận về trừng phạt Nga, vì "đây không phải là thời điểm thích hợp, và điều đó sẽ phản tác dụng". Ông Asselborn nói rằng, còn có những biện pháp khác: "Mỹ và Nga đang nói chuyện lại với nhau. EU không có chiếc nút nhấn nào để tất cả những điều này kết thúc".

Áo cũng phải đối các biện pháp trừng phạt với Nga. Ngoại trưởng Sebastian Kurz tin rằng ý tưởng trừng phạt thêm là "sai lầm". Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho hay, ông không chắc chắn về việc này.

Còn theo Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders, một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria đòi hỏi một cuộc đối thoại rộng và cởi mở với Nga và các bên. Ông Reynders kêu gọi EU "chiến đấu chống lại "bầu không khí vô luật pháp ở Syria", nhưng không nói rõ cuộc chiến nhằm vào ai.

Trên thực tế, Mỹ và EU đã phát động một cuộc chiến tranh không công bố chống lại Nga, Syria và Iran được gọi là "trừng phạt kinh tế". Theo trang voltairenet.org, chiến thuật kinh khủng này đã giết chết hơn 1 triệu người Iraq trong những năm 1990 mà không khơi dậy bất cứ nghi ngờ nào trong dư luận phương Tây. ưVà đến ngày hôm nay, trừng phạt kinh tế vẫn tiếp tục được sử dụng để chống lại bất kỳ nước nào không chịu bị chi phối bởi một trật tự thế giới đơn cực.

Các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất hiện đang tập trung vào Syria. Mặc dù tình hình của người dân Syria không đến mức thảm họa như người Iraq trong những năm 1990, nhưng dù sao đó cũng là một cuộc chiến được tiến hành bởi Mỹ và EU, với phương tiện là các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính.

Vân Anh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/phuong-tay-loay-hoay-ve-cuoc-chien-trung-phat-nga-602154.bld