Phương pháp mới giúp giảm 17% triệu chứng tự kỷ nghiêm trọng

Lần đầu tiên các nhà khoa học ở Anh tìm ra giải pháp giúp tăng cường giao tiếp xã hội và giảm các hành vi lặp lại ở trẻ mắc bệnh tự kỷ. Điều đặc biệt là phương pháp mới giúp hiệu quả điều trị được duy trì trong thời gian dài.

Cứ 100 trẻ thì có một trẻ tự kỷ - chứng bệnh rối loạn phát triển nghiêm trọng. Trẻ mắc tự kỷ phải đối mặt với những khó khăn khi giao tiếp và hành vi trong thường ngày, gây ảnh hưởng lớn đến quá trình trưởng thành. Dù có nhiều nghiên cứu chữa tự kỷ, nhưng đến nay chưa có phương pháp nào thành công, cải thiện được những triệu chứng bệnh trong thời gian dài. Đó là động lực thôi thúc các nhà khoa học ở Anh tìm ra giải pháp mới để chữa trị căn bệnh này.

Theo đó, phương pháp mới được tiến hành trên quy mô lớn nhất và lâu nhất từ trước đến nay, được kiểm tra ngẫu nhiên bởi 3 nhóm nghiên cứu ở Anh cho thấy: Việc sớm hướng dẫn cha mẹ giao tiếp với những đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ từ khi còn rất nhỏ giúp giảm thiểu đáng kể mức độ nghiêm trọng của chứng bệnh này. Kết quả là tạo ra những tác động tích cực trong 6 năm tiếp theo từ khi kết thúc liệu trình điều trị.

Do đó, phương pháp mới tập trung vào việc huấn luyện, nâng cao nhận thức và phản ứng cho các phụ huynh để họ nắm được những kiểu giao tiếp không bình thường của trẻ bị tự kỷ. Các nhà khoa học cho rằng đây là phương pháp điều trị chưa từng có và có thể “cải thiện cuộc sống cho hàng nghìn trẻ em mắc chứng tự kỷ”.

Lần đầu tiên trên thế giới có phương pháp chứng minh được tính “cải thiện liên tục, bền vững” trong điều trị bệnh tự kỷ. Nghiên cứu được thực hiện bởi Trường Đại học Manchester (King College London) và Đại học Newcastle. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, trẻ em mắc chứng tự kỷ được cha mẹ nhận biết và can thiệp từ sớm (2-4 tuổi) thì ít gặp những triệu chứng tự kỷ nghiêm trọng hơn, cải thiện được khả năng giao tiếp và giảm thiểu sự lặp lại của hành vi.

Giáo sư Jonathan Green đến từ Trường Đại học Manchester và Bệnh viện trẻ em Royal Manchester, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Sớm can thiệp, hướng dẫn các bậc phụ huynh nhằm mục đích cải thiện tình trạng giao tiếp giữa cha mẹ - con cái ở nhà của họ. Ưu điểm của phương pháp này là can thiệp vào trị liệu trực tiếp, có khả năng tác động lớn đến cuộc sống hàng ngày của trẻ. Phát hiện này rất đáng khích lệ vì nó tượng trưng cho sự tiến bộ khi tìm ra triệu chứng cốt lõi của bệnh tự kỷ, trước đây vẫn nghĩ là rất khó để thay đổi. Đây không phải “phương thuốc” vì trẻ em tự kỳ dù có sự cải thiện rõ rệt, nhưng vẫn còn một số triệu chứng với mức độ biểu hiện khác nhau. Vấn đề chính là quan tâm, tăng cường tương tác giữa cha mẹ - con cái có thể cải thiện các triệu chứng bệnh trong thời gian dài”. GS Jonathan Green nói thêm: “Nghiên cứu này hứa hẹn sẽ cải thiện cuộc sống cho hàng nghìn trẻ mắc bệnh tự kỷ”.

Ảnh: Getty

Nghiên cứu được tiến hành cụ thể như sau: Cha mẹ xem video quay lại cảnh họ cố gắng vượt qua thử thách giao tiếp với đứa con mắc bệnh tự kỷ, sau đó nhận phản hồi từ các bác sĩ chuyên khoa. Nhờ những lời khuyên và chỉ bảo chuyên môn, các ông bố, bà mẹ có khả năng nâng cao nhận thức và trách nhiệm khi tham gia thực hiện những kiểu giao tiếp không bình thường với con mình. Làm theo cách này họ dễ dàng hiểu con trẻ và đưa ra những “tín hiệu” giao tiếp thích ứng hơn. Các phụ huynh cũng tham gia 12 buổi trị liệu và những buổi hỗ trợ trị liệu trong 6 tháng tiếp theo và dành 30 phút mỗi ngày để giao tiếp và chơi cùng đứa con bị tự kỷ của họ theo như những gì đã lên kế hoạch.

Theo GS Green, khi xem những video này cùng các bác sĩ chuyên khoa, cha mẹ sẽ hiểu được những cách giao tiếp không bình thường của trẻ tự kỷ, để thấy rằng: Đằng sau sự bất thường, những gì trẻ tự kỷ muốn thực sự là giao tiếp giống như bao đứa trẻ khác. Chúng tôi tin rằng sự thay đổi trong hiểu biết và giao tiếp của cha mẹ để phản ứng lại với những “thông báo” của trẻ tự kỷ sẽ giúp trẻ nâng cao nhận thức và dễ dàng hòa nhập với xã hội”.

Ảnh: Getty

Đồng thời, nghiên cứu cũng đánh giá “Thử thách giao tiếp với trẻ tự kỷ trước tuổi đi học” (PACT), thực hiện trên 152 trẻ tự kỷ trong khoảng 2-4 tuổi xem kết quả tích cực có được duy trì trong thời gian dài hay không. Trong số 121 trường hợp đã thực hiện PACT được 6 năm có 59 trường hợp thừa nhận hiệu quả của liệu pháp điều trị này. Theo đó, các triệu chứng bệnh đã giảm đáng kể, khả năng giao tiếp của trẻ tự kỷ được cải thiện rõ.

Mức độ nghiêm trọng của bệnh tự kỷ được đánh giá đựa trên khả năng giao tiếp và hành vi theo thang điểm 10. Kết quả nghiên cứu sau 6 năm đã chỉ ra rằng: Nếu được can thiệp sớm, tỷ lệ trẻ tự kỷ ở nhóm mắc các triệu chứng bệnh nghiêm trọng giảm 17%.

Giáo sư Tony Charman - Trưởng khoa tâm lý học lâm sàng trẻ em (Đại học King’s London) - cho biết: “Phát hiện của chúng tôi chỉ ra nếu được can thiệp sớm. Những thay đổi về mức độ biểu hiện bệnh tự kỷ có thể được duy trì lâu dài - điều mà trước đây bị cho là khó đạt được. Chúng tôi cũng không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào về mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của trẻ như: lo lắng, rối loạn hành vi… khi được can thiệp từ sớm. Điều đó cho thấy phương pháp mới này là cần thiết để giải quyết những khó khăn trong quá trình trưởng thành của trẻ ở những độ tuổi sau này. Khi lớn lên, những đứa trẻ sẽ tiếp tục cần đến sự hỗ trợ ở nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống. Hiện tại, chúng tôi đang làm việc để tăng cường sự can thiệp để điều trị tự kỷ”.

Tiến sĩ Judith Brown (Hội tự kỷ quốc gia Anh), hoan nghênh những phát hiện mới này. Bà nói: “Nghiên cứu này chứng tỏ can thiệp sớm, tập trung vào việc giúp các bậc phụ huynh giao tiếp với con cái bị tự kỷ của họ sẽ tạo ra sự thay đổi tích cực cho những trẻ tự kỷ từ độ tuổi 7-11. Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy cải thiện bền vững được chứng bệnh này. Các gia đình thường không biết cách hỗ trợ tốt nhất cho trẻ mắc chứng tự kỷ. Nghiên cứu khẳng định: Cha mẹ cần được giúp đỡ để hiểu đứa con bị tự kỷ. Chúng tôi cũng có những khóa học tương tự được xây dựng trên quan điểm này như chương trình EarlyBird. Nhờ đó, phụ huynh có thể đưa ra những quyết định đúng đắn để hỗ trợ, can thiệp sớm cho trẻ bị tự kỷ”.

Theo phân tích kinh tế, chi phí để điều trị tự kỷ ở Anh là 32 tỷ Euro mỗi năm, nhiều hơn bất kỳ chứng bệnh nào khác, thậm chí tốn kém hơn chữa ung thư, đột quỵ và các bệnh tim mạch. Khi được hỏi làm thế nào để phương pháp có thể sớm triển khai phương pháp này trên Dịch vụ y tế quốc dân (NHS), GS Charman nói: “Chúng tôi sẽ sớm tiến hành phân tích riêng về chi phí, lợi ích để đưa ra mức giá hợp lý nhất”.

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/doi-song-suc-khoe/phuong-phap-moi-giup-giam-17-trieu-chung-tu-ky-nghiem-trong