Phường Kiến Hưng, Hà Đông: Chính quyền quan liêu, phát sinh khiếu kiện

Những ngày này với thái độ rất bức xúc, ông Lê Văn Yến sinh năm 1952, trú tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông TP Hà Nội cùng các em họ của ông đồng đứng đơn khởi kiện bà cô ruột của mình là bà Bùi Thị Tiếp về việc chia tài sản thừa kế. Vì sao lại có chuyện nội bộ gia đình 'đáo tụng đình' tương tàn vậy?

Sự việc tóm tắt như sau: Cụ Bùi Văn Chỉnh và cụ Lê Thị Gấm trú tại phường Kiến Hưng sinh được 2 người con gái là bà Bùi Thị Thào và bà Bùi Thị Loan. (bà Thào là mẹ đẻ ông Yến). Sau khi cụ bà Gấm mất, cụ ông Bùi Văn Chỉnh lấy thêm một người vợ là cụ bà Nguyễn Thị Bình nhưng hai cụ không đẻ được và có nhận một người con nuôi là bà Bùi Thị Tiếp. Năm 1977 sau khi cụ Chỉnh chết, cụ bà Nguyễn Thị Bình ở cùng với cô con nuôi là bà Bùi Thị Tiếp.

Ngày 3/3/1999, trước sự chứng kiến của hai họ nội, ngoại cùng toàn thể con cháu nội ngoại, cụ Bình cùng các con là bà Bùi Thị Thào, Bùi Thị Loan, Bùi Thị Tiếp họp bàn phân chia tài sản thừa kế. Nội dung phân thư chia cụ thể như sau: Chia cho hai bà Bùi Thị Thào và Bùi Thị Loan được thừa hưởng 4 gian nhà trên diện tích đất sử dụng. Mảnh đất này được ghi rõ là làm nơi thờ cúng sau này. Bà Bùi Thị Tiếp được 5 gian nhà ngang trên diện tích đất sử dụng. Hai họ đã nhất trí với nội dung phân thư trên của cụ Nguyễn Thị Bình. Nội dung di chúc được lập thành 2 bản. Bà Bùi Thị Thào giữ 1 bản, cụ Bình giữ 1 bản. Sau đó cụ Bình và bà Tiếp vẫn sinh sống bình thường trên mảnh đất đó và gia đình con cháu vẫn thường xuyên chăm lo giỗ tết cùng cụ Bình.

Năm 2006 bà Thào mất, chúc thư được giao lại cho con trường Lê Văn Yến người có trách nhiệm trông nom, thờ tự. Năm 2007 bà Loan mất. Cuối năm 2008 cụ Nguyễn Thị Bình mất.

Xuất hiện bản di chúc bí ẩn

Sự việc rắc rối sẽ không xảy ra nếu như các bên thực hiện nghiêm theo chúc thư đã phân chia thừa kế nêu trên. Cuối năm 2012 anh em ông Lê Văn Yến muốn nhận tài sản thừa kế được chia theo chúc thư cụ Bình và hai họ để lại để xây dựng nhà thờ, nhưng thật bất ngờ, bà Tiếp xuất trình một bản di chúc mà đến khi đó cả họ tộc mới biết. Tờ di chúc được đánh máy và có vết điểm chỉ ngón tay trỏ phải và được ghi chú thích bên dưới điểm chỉ là của cụ Bình?! Việc lập di chúc này cả hai họ đều không được biết nhưng vẫn được chính quyền địa phương chứng kiến. Nghi vấn đầu tiên là có đoạn bản di chúc viết: “…từ lúc chồng tôi còn sống cũng nhất trí sau này chết đi để lại cho cô con út là Bùi Thị Tiếp…” nội dung này hoàn toàn trái ngược với bản chúc thư phân chia tài sản trước đó được cả hai họ nội ngoại chứng nhận và ký tên, bởi ý chí của cụ Chỉnh trước khi mất đã thể hiện trong chúc thư lập với sự chứng kiến của họ tộc. Nghi vấn thứ hai là bản di chúc này hoàn toàn chia tài sản cho bà Tiếp trong khi Chủ tịch xã Kiến Hưng ngày ấy là ông Lê Vũ Giang ký xác nhận vào bản di chúc khi ông biết chắc chắn cụ Chỉnh và cụ Gấm còn có 2 cô con đẻ, và bà Tiếp là con nuôi, đồng thời ông cũng phải biết những quy định tối thiểu về việc lập di chúc thừa kế tài người để lại di sản không thể viết di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có tối thiểu 2 người làm chứng và phải kí hay điểm chỉ vào di chúc trước mặt 2 người làm chứng, sau đó 2 người làm chứng sẽ kí xác nhận vào di chúc. Bà Bình không biết chữ đương nhiên là phải nhờ người viết hộ nhưng tờ di chúc trên không có một người làm chứng ký tên ngoài ông chủ tịch xã xác nhận?

Có bản di chúc trong tay, bà Tiếp quay ngoắt lại trước nội dung chúc thư thống nhất phân chia tài sản của bà Bình và họ tộc. Không hợp tác với họ tộc cùng các cháu con của hai người chị của mình và quyết chiếm toàn bộ tài sản thừa kế bằng việc làm sổ đỏ đứng tên riêng mình.

Đến sự quan liêu của phường Kiên Hưng khi cấp sổ đỏ.

Đáng ngạc nhiên là Hội đồng xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của phường Kiến Hưng biết rõ đây là đất thừa kế, (vì thửa đất này trước đây đứng tên bà Bùi Thị Thào sau đó mới đứng tên cụ Bình). Tháng 12/2012 khi phường thông báo lên loa về việc làm sổ đỏ cho bà Tiếp, gia đình ông Yến được biết và có làm đơn đề nghị UBND phường đình chỉ việc cấp sổ đỏ cho bà Tiếp vì đất tranh chấp, nhưng khi đó “sự đã rồi”, sổ đỏ đã được cấp và đã giao cho bà Tiếp.

Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ luật Phùng Trung Tập, Trường Đại học Luật Hà Nội thì việc bà Bình viết di chúc giao toàn bộ tài sản cho người con nuôi Bùi Thị Tiếp là không đúng với Pháp lệnh Thừa kế trước đây và Luật Thừa kế hiện nay. Bởi bà Bình chỉ được sở hữu một phần nhỏ trong khối tài sản chung của người chồng là cụ Bùi Văn Chỉnh và vợ là cụ Lê Thị Gấm.

Trước sự việc tráo trở và có biểu hiện gian lận của bà Tiếp, đồng thời bức xúc vì mảnh đất tổ tiên ngang nhiên bị bà Tiếp chiếm đoạt, các con cháu ruột của cụ Bùi Văn Chỉnh và cụ Lê Thị Gấm đành phải làm đơn khởi kiện bà Bùi Thị Tiếp lên Tòa án Nhân dân Quận Hà Đông phân xử thừa kế theo pháp luật.

Báo Điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

LK

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/phap-luat/phuong-kien-hung-ha-dong-chinh-quyen-quan-lieu-phat-sinh-khieu-kien.html