Phương án cứu vãn bê bối 'bạn thân' Tổng thống Hàn Quốc

Sự kiện "bạn thân Tổng thống" Park Geun-hye lần này tác động nghiêm trọng đến toàn bộ chính trường và các trụ cột kinh tế của Hàn Quốc.

Hàn Quốc vốn không xa lạ với những vụ bê bối liên quan đến quan trường. Hầu như mỗi đời Tổng thống đều “dính líu” tới ít nhất một vụ việc. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, sự kiện "bạn thân Tổng thống" lần này tác động nghiêm trọng đến toàn bộ chính trường và các trụ cột kinh tế của xứ sở Kim chi.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye

Theo GS Shin Yool, Đại học Myongji, trong lịch sử chính trường Hàn Quốc luôn xảy ra các vụ bê bối nhưng chỉ dính líu đến người thân gia đình hoặc trợ lý thân cận của Tổng thống, không trực tiếp liên quan đến Tổng thống. Lần này, người bạn lâu năm của Tổng thống - bà Choi Soon-sil bị cáo buộc “rút ruột” 2 quỹ lớn, sở hữu khoản tiền lên tới 70 triệu USD từ Hiệp hội các ngành công nghiệp Hàn Quốc, được các tập đoàn “khủng” như Samsung và Hyundai rót tiền. Đây còn là vệt dầu loang tới cả uy tín của một loạt định chế tài chính, DN Hàn Quốc. Bà Choi bị tình nghi nhận ưu đãi từ các ngân hàng trong nước để thực hiện việc vay vốn và những giao dịch tài chính. Samsung cùng một tập đoàn khác cũng bị "sờ gáy” do đổ hàng tỷ Won vào tài khoản các công ty do bà Choi thành lập. Đáng nói là, vụ bê bối của Tổng thống Park diễn ra chỉ chưa đầy một tháng sau khi Chính phủ thông qua dự luật mới nhằm triệt hạ nạn tham nhũng và những ảnh hưởng bất hợp pháp trong nền chính trị nước này.

Việc các tập đoàn hàng đầu quốc gia "qua lại” với chính trị gia để trục lợi, và ngược lại giới chức Hàn Quốc tiếp nhận các khoản tài chính từ giới doanh nhân để củng cố vị thế không còn xa lạ. Nhưng vụ bê bối lần này đã khiến "giọt nước tràn ly” khi người dân Hàn Quốc không còn niềm tin vào nữ Tổng thống. Hình tượng bà Park Geun-hye - một nữ lãnh đạo vững vàng, bình tĩnh, mạnh mẽ và độc lập với biệt danh "Thatcher Hàn Quốc" đã sụp đổ. Trước đó, các nhà quan sát cho rằng, bà Park nên thay thế một Thủ tướng trung lập và để nhân vật này chọn ra các thành viên nội các mới, trong khi chờ đợi cuộc bê bối lắng xuống. Tuy nhiên, phương án này tỏ ra không hiệu quả sau khi hành động "thay tướng” đồng loạt của Tổng thống Park hôm 2/11 ngay lập tức bị phe đối lập phản đối vì không có sự tham vấn trước. Hiện, đảng Saenuri cầm quyền đang bị chia rẽ bởi cuộc cải tổ nội các được thực hiện sớm hơn dự kiến, trong khi đề xuất xây dựng chính phủ liên minh cũng không có tương lai. Thị trưởng Seoul, TP hơn 10 triệu dân - ông Park Won-soon đã kêu gọi bà Park từ chức. Đây được coi là động thái chính trị hiếm có từ người đứng đầu Thủ đô Seoul từ trước tới nay. Ông cũng khẳng định, mọi động thái thay đổi bộ máy chính quyền nhằm cứu vãn cuộc bê bối sẽ chỉ khiến tình hình tồi tệ hơn.

Theo các chuyên gia, bà Park hiện chỉ còn một con đường là cam kết sẽ từ chức sau khi thông qua thay đổi trong Hiến pháp, cho phép Tổng thống nhường lại quyền lực. Dù đã đưa ra lời xin lỗi về vụ việc, sự im lặng của bà Park trước một loạt nghi vấn xung quanh bê bối này khiến người dân không khỏi phẫn nộ. Việc Nhà Xanh phản đối lệnh khám xét cũng làm dấy lên nghi ngờ rằng, Tổng thống Park chưa lường hết sức nặng của bê bối và sẵn sàng giải quyết tận gốc vấn đề. Hợp tác với cơ quan điều tra để minh bạch hóa vụ việc là cơ hội cuối để bà Park cứu vãn niềm tin rạn vỡ của người dân, dù cho cánh cửa chính trường với bà đã gần đóng sập.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/phuong-an-cuu-van-be-boi-ban-than-tong-thong-han-quoc-271958.html