Phước Long, 35 mùa xuân chiến thắng

ND - Không biết xa xưa, tự khi nào, ông cha ta đã đặt cho vùng đất ba-dan màu mỡ này cái tên Phước Long - Bù Gia Mập, có ngọn núi Bà Rá, "che bộ đội, vây quân thù". Đây là nơi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đặt nhà tù giam cầm, tra tấn dã man biết bao chiến sĩ cách mạng. Phước Long quật khởi, hôm nay trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Bình Phước anh hùng.

Một thời oanh liệt Xuân 2010 này đối với Phước Long thật nhiều ý nghĩa. Nhớ mùa xuân 1975, giữa thế trận "trúc chẻ tro bay" của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ở nơi cuối con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại với dòng thác Mơ kỳ vĩ, Phước Long chính là nơi đặt mốc son trận đánh trinh sát chiến lược góp phần quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử giải phóng hoàn toàn miền nam thống nhất đất nước. Về Phước Long hôm nay, đường nhựa đã trải dài. Hai bên đường rừng cao-su, vườn điều, tiêu, cây ăn trái... xanh ngút tầm mắt. Cảnh vật hữu tình đưa con người liên tưởng tới quá khứ xa xưa. Đâu đây như còn vang vọng tiếng chày giã gạo nuôi quân trên sóc Bom Bo. Từ bạt ngàn núi rừng Phước Long trùng trùng, điệp điệp, những đoàn dân công, bộ đội nối nhau ra tiền tuyến mà chiến công của họ còn tạc ghi trên những tấm bia kỷ niệm khắp các địa danh, nẻo đường: Vĩnh Phước, Phú Riềng, Phước Long, Thuận Lợi... Nhờ những chiến công đó mà hôm nay giữa tứ bề gió ngàn, dưới tán rừng bằng lăng tím nở đầy hoa rực rỡ, chúng ta được yên ổn làm ăn, nhớ kỷ niệm xưa: Đêm 12 rạng sáng 13-12-1974, trận mở màn đánh chiếm chi khu Đức Phong, Bù Đăng, Bù Đốp. Tiếp đó chi khu Bà Nà được giải phóng mở hành lang thông thoáng cho vùng giải phóng đông nam Phước Long và Nam Bà Rá. Ngày 26-12-1974, cứ điểm Đồng Xoài của địch bị ta quét sạch, tỉnh lỵ Phước Long được địch coi là cánh cửa Đông Nam Bộ bị cô lập hoàn toàn. Ngày 31-12-1974, quân ta ào ạt tiến công tiêu diệt chi khu Phước Bình, mở chiến dịch giải phóng Phước Long. Ngày 1-1-1975, cao điểm Bà Rá "mắt thần" của địch bị bộ đội đặc công diệt gọn... Và sau 25 ngày đêm tiến công đều khắp, ngày 6-1-1975 thị xã cùng toàn tỉnh Phước Long hoàn toàn giải phóng, mở toang cánh cửa miền Đông Nam Bộ nối với Tây Nguyên, xuống Đồng Tháp Mười, Tây Nam Bộ... Ngược dòng lịch sử, giữa trung tâm vòng xoay quốc lộ đi Phước Long, gần sát Công ty cao-su Phú Riềng, vẫn còn đó một khối bê-tông sùi lên cái mầu u ám. Đó là "mả ba thằng Tây" cai đồn điền ác ôn bị công nhân cao-su Phú Riềng rượt đuổi chém chết trong một cuộc biểu tình năm 1930. Áp bức là ngòi nổ của đấu tranh, chân lý đó chính là "thần khí" của người Phước Long - Phú Riềng Đỏ, sản sinh ra Công hội Đỏ, Chi bộ Đảng đầu tiên của miền Đông Nam Bộ. Đốm lửa kiên trung đó từ những cánh rừng cao-su nghèo kiệt bùng cháy thắp sáng, soi đường cuộc đấu tranh bền bỉ của toàn dân suốt nửa thế kỷ dông bão, đến hôm nay vẫn là ngọn đuốc soi đường đưa Phước Long đi vào công cuộc đổi mới. Sức sống vươn cao Thực tế đổi thay của Phước Long - Bù Gia Mập hôm nay rất đỗi ngỡ ngàng. Vết thương chiến tranh gần như đã lành, những bãi mìn, dây thép gai, trận địa pháo... ngày xưa và những con đường lầy lội, hố sâu do bom cày, đạn xối thuở nào đã nhường chỗ cho những con đường trải nhựa thênh thang và những phố lầu, làng công nhân cao-su, vườn cây, ao cá..., đâu đâu cũng nhà cao cửa rộng, cột ăng-ten truyền hình nhấp nhô. Thị trấn Phước Long nay đã lên thị xã liên hoàn với thị trấn Thác Mơ như một trung tâm công nghiệp, một thành phố tương lai. Ông chủ quán ăn nơi chúng tôi ghé lại thưởng thức món cá năng hồ Thác Mơ nấu canh măng chua, trong câu chuyện tâm tình tự tin quảng bá tương lai Phước Long: rằng, rồi đây Phước Long sẽ là điểm du lịch nổi tiếng vì có di tích lịch sử - văn hóa Bà Rá, nơi nhiều năm tỉnh Sông Bé trước kia và tỉnh Bình Phước bây giờ tổ chức chạy việt dã về nguồn "chinh phục đỉnh cao Bà Rá" với hàng nghìn vận động viên cả nước tham gia. Du khách còn được đi cáp treo thăm lại nhà tù Bà Rá, lên đỉnh núi thăm tháp truyền hình phủ sóng vùng Đông Nam Bộ, ngắm cảnh hồ Thác Mơ sơn thủy hữu tình, đến thăm rừng nguyên sinh Bù Gia Mập quanh hồ Thác Mơ rộng 13.000 ha, tạo nên môi trường du lịch sinh thái "non xanh nước biếc" cuốn hút nhà đầu tư đến dựng nghiệp, kinh doanh... Được sự khuyến khích của chính quyền các cấp, nhiều gia đình đã nhận đất kinh doanh nông, lâm nghiệp, đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi, thiết lập vườn rừng, điền trang cao-su, điều, vườn cây ăn trái. Nhiều trang trại, hộ nông dân biết cách làm ăn, ứng dụng KHKT vào sản xuất mà đất rừng được phủ kín cây công nghiệp. "Thủ phủ" cây cao-su Phú Riềng nổi lên không thua kém gì thị xã, cũng nhà cao cửa rộng, đường phố khang trang, nhà hàng, khách sạn thoáng rộng đầy đủ tiện nghi, còn hơn cả nơi phố phường "đất hẹp người đông". Người Phước Long - Bù Gia Mập đa số sống nhờ trồng cao-su và điều. Đối với họ, "mủ cao-su trắng trong, chắt lọc tụ khí bầu trời, trả ơn anh công nhân vun trồng cạo mủ. Hạt điều vàng óng ánh, tích cóp tinh hoa lòng đất, thưởng chị nông dân tách hạt chăm cây". Cái tên Phú Riềng Đỏ luôn nhắc nhở các lớp người làm cao-su một thời "đi dễ khó về", "kiếp phu đổ lắm máu đào"... Chính lẽ đó mà người Phước Long hôm nay luôn ý thức tự hoàn chỉnh tri thức cho mình bằng một tinh thần say mê học tập: học văn hóa, chính trị, học quản lý, KHKT... Dù còn mưa nắng dãi dầu, từ cái nơi rừng xanh trên đất Phước Long đã nổi lên không ít khu vui chơi văn hóa như Khu du lịch lịch sử - văn hóa núi Bà Rá - hồ Thác Mơ, khu công viên văn hóa Mỹ Lệ. Thị trấn Phú Riềng, thị xã Phước Long có đền thờ Đức Tổ Hùng Vương và Chủ tịch Hồ Chí Minh uy nghi tráng lệ, nhiều sân ten-nít, hồ bơi, sân bóng đá, bóng chuyền, nhà truyền thống, sân khấu trong nhà, ngoài trời... đáp ứng đầy đủ nhu cầu về giải trí, nâng cao thể lực cho người lao động. 35 năm chưa phải là dài để Phước Long - Bù Gia Mập xóa hết thương tích chiến tranh, nhưng cũng là quãng thời gian có ý nghĩa để đảng bộ, nhân dân nơi đây biến vùng đất bom cày, đạn xới thành những bản làng trù phú. Tôi đã "mục sở thị" khu trù mật Bù Gia Phúc, Bù Gia Mập năm xưa, nay đã là mô hình khu dân cư kết hợp kinh tế với quốc phòng, một buôn làng trù phú của người X'tiêng. Những căn nhà lợp mái tôn có hàng rào, vườn cây, ao cá, với hàng bằng lăng tím đầy hoa, hai bên lối đi thẳng tắp đủ nói cái điều: Người X'tiêng quen sống du canh, du cư bao đời với tập quán làm nương, đốt rẫy nay đã "chịu dừng chân" làm lúa nước, con cháu làm công nhân cao-su, tiếp cận với văn minh; có nước sạch, trường học, trạm y tế. Đặc biệt là "khi ông mặt trời xuống núi đi ngủ" đã có điện Thác Mơ thắp sáng cho con trẻ học bài. Thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, bằng nội lực, nhiều năm qua Phước Long đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, đưa đường giao thông, điện lưới quốc gia về tận buôn làng. Nếu trước kia nạn mù chữ là nỗi lo, thì nay tất cả trẻ em của Phước Long - Bù Gia Mập được cắp sách tới trường. Thị xã Phước Long, thị trấn Phước Bình, Thác Mơ, Phú Riềng đạt chuẩn giáo dục trung học cơ sở. Dân số Phước Long (cũ) khoảng ba trăm nghìn người chịu thương, chịu khó, nhanh nhạy ứng dụng KHKT vào sản xuất, sáng tạo trong kinh doanh. Công ty cao-su Phú Riềng với công nghệ cao được cấp chứng chỉ ISO - 9002 cùng sản phẩm của Công ty chế biến hạt điều xuất khẩu Mỹ Lệ được ưa chuộng ở thị trường châu Á, châu Âu..., là những cầu nối tin cậy để hàng hóa của Phước Long hội nhập thị trường quốc tế và thu hút nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến với Phước Long. Đồng chí Nguyễn Tấn Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước nói tại Lễ thành lập thị xã Phước Long: Có thể coi tất cả hình ảnh của Phước Long đổi mới và hội nhập, những gì Phước Long đã và đang làm tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa chính là niềm tin của đảng bộ, nhân dân Phước Long với CNXH, với sự nghiệp đổi mới đất nước... Giã từ thị xã Phước Long, xe tôi chạy bon bon trên đường nhựa giữa rừng cao-su mùa thay lá, nhưng đầu cành đã phớt nở nụ non hồng. Ngọn tháp truyền hình trên đỉnh Bà Rá như cố vẫy hẹn tôi trở lại. Phước Long hôm nay còn như cô gái thôn quê mới lớn tràn đầy sức sống với bao điều ước vọng. TRỌNG ĐẠT

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=173114&sub=130&top=37