Phúc Thọ với phong trào 'ba sạch'

Thời gian qua, mặc dù đạt nhiều kết quả trong xây dựng nông thôn mới, nhưng vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao thu nhập cho nông dân, giải quyết ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm… ở huyện Phúc Thọ vẫn chưa được giải quyết một cách căn cơ. Để tạo ra những chuyển biến toàn diện, Phúc Thọ đang phấn đấu xây dựng thương hiệu “ba sạch”, gồm: đội ngũ cán bộ trong sạch hết lòng vì công việc, môi trường trong sạch và thực phẩm sạch, an toàn.

Năm 2014, huyện Phúc Thọ là đơn vị đầu tiên của Hà Nội tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Bí thư Huyện ủy với đại diện nhân dân 23 xã, thị trấn. Năm 2015, huyện tiếp tục tổ chức đối thoại giữa Bí thư, Chủ tịch UBND huyện với đại diện nhân dân; đồng thời chỉ đạo toàn bộ các địa phương tổ chức đối thoại giữa Bí thư đảng ủy, Chủ tịch UBND xã với người dân trong xã. Sau đối thoại, nhiều vấn đề vướng mắc, tồn đọng đã được giải quyết dứt điểm, được người dân ghi nhận, đánh giá cao. Vì thế, buổi đối thoại năm nay giữa đồng chí Bí thư Huyện ủy với đại diện nhân dân 23 xã, thị trấn tổ chức vào ngày 27-10 tại xã Vân Phúc và ngày 4-11 tại xã Trạch Mỹ Lộc được người dân trong huyện rất mong đợi.

Ông Giang Duy Phú ở xã Liên Hiệp, địa bàn từng là điểm nóng về vi phạm quản lý đất đai, mất an ninh trật tự cho biết, sau buổi đối thoại năm 2015, gần như toàn bộ các kiến nghị của nhân dân trong xã đã được huyện và địa phương giải quyết. Từng người dân đều cảm nhận được sự thay đổi lớn lao này và rất tin tưởng, ủng hộ chính quyền. Dù đi sau các địa phương khác trong xây dựng nông thôn mới nhưng chỉ trong thời gian ngắn, xã Liên Hiệp đã đạt nhiều kết quả và đang phấn đấu được công nhận là xã nông thôn mới vào cuối năm nay. Tuy nhiên, người dân vẫn thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật và vốn đầu tư để mở rộng sản xuất; chưa tìm được cây trồng, vật nuôi phù hợp hay nghề nghiệp mới để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Cùng chia sẻ băn khoăn, lo lắng này, ông Tống Xuân Phúc ở xã Tích Giang cho biết, Tích Giang là xã nông thôn mới nhưng hệ thống mương máng thủy lợi vẫn chưa được đầu tư đồng bộ; đường giao thông nội đồng đi lại khó khăn. Diện tích đất sản xuất ngoài đê sông Tích hơn 40 ha nhưng chưa có trạm bơm tiêu dẫn đến xảy ra úng ngập. Sau dồn điền đổi thửa, ruộng đất đã được quy hoạch lại, nhưng chưa có mô hình phát triển phù hợp. Tiến độ cấp sổ đỏ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi chậm. Nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả do đất trũng, thường xuyên ngập úng chưa được chuyển đổi. Phương thức sản xuất lạc hậu, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Ngoài ra, người dân các xã còn phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là tại các khu dân cư do hoạt động chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm thủ công và sản xuất các nghề thủ công; tình trạng thiếu nước sạch, việc cấp điện sinh hoạt không ổn định…

Ghi nhận các ý kiến này, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cho biết, trong mười tháng qua, huyện đã tổ chức năm buổi tọa đàm, hội thảo về sản xuất nông nghiệp giúp nông dân có điều kiện tiếp cận khoa học công nghệ; thẩm định, phê duyệt gần 50 dự án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Mời gọi thành công doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến trứng gia cầm sạch và dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ đầu năm 2017. Huyện tập trung đầu tư và đến nay cơ bản hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới ở các xã: Liên Hiệp, Long Xuyên và Tam Thuấn… Đáng chú ý, sau buổi đối thoại giữa Bí thư, Chủ tịch UBND huyện với nhân dân năm 2015, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, các địa phương giải quyết nhiều kiến nghị của nhân dân trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, đơn thư khiếu nại, tố cáo. Các kiến nghị liên quan đến cải tạo, xây dựng kênh mương, nhà văn hóa khu dân cư… đang được giải quyết. Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện Phúc Thọ cũng thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế như: các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn còn ít, quy mô nhỏ; việc liên kết phát triển kinh tế trong nhân dân và liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp bằng hình thức góp đất còn hạn chế; nông dân chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất. Công tác thẩm định, phê duyệt các dự án phát triển kinh tế, cấp sổ đỏ đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa chậm, vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế…

Về phương hướng hành động trong thời gian tới, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn khẳng định, với tinh thần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, nhất là rõ trách nhiệm của người đứng đầu, lãnh đạo huyện mong muốn nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng, góp sức của nhân dân. Đến nay huyện đã có 20 xã cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới và năm 2017 sẽ phấn đấu hoàn thành ở hai xã còn lại Xuân Phú, Thượng Cốc. Tuy nhiên, đây chỉ là những kết quả bước đầu, chưa thật sự bền vững. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân chưa rõ nét. Nguồn lực xây dựng nông thôn mới còn thiếu và chủ yếu dựa vào nguồn thu từ đất. Vì thế, các xã phải tự tìm ra tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong sản xuất nông nghiệp, theo hướng nông nghiệp sạch, chất lượng cao để tập trung đầu tư phát triển trở thành trọng tâm, trọng điểm. Mở rộng các ngành nghề mới, có giá trị gia tăng cao. Huyện khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển từ đất trồng lúa thường xuyên ngập úng, kém năng suất sang làm trang trại, phát triển chăn nuôi nhưng phải có dự án và bảo đảm các tiêu chí vệ sinh môi trường. Phúc Thọ phấn đấu xây dựng thương hiệu “ba sạch”, gồm đội ngũ cán bộ trong sạch với tinh thần phục vụ công việc, thực hiện nhiệm vụ; môi trường trong sạch và thực phẩm sạch, an toàn. Trước mắt, trong thời gian từ nay đến cuối năm, huyện phấn đấu hoàn thành cấp sổ đỏ đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa cho người dân; thực hiện nghiêm túc nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/hanoi/item/31198902-phuc-tho-voi-phong-trao-%e2%80%9cba-sach%e2%80%9d.html