Phúc khảo kết quả thi ĐH, CĐ ít được nâng điểm

Giadinh.net - Theo thống kê của một số trường đại học, tỉ lệ bài thi được nâng điểm sau khi chấm phúc khảo rất ít. Mức thay đổi hiếm khi quá 1 điểm. Vì vậy, thí sinh (TS) nên cân nhắc kỹ trước khi nộp đơn kẻo tự làm giảm cơ hội trúng tuyển.

> 82 trường ĐH, CĐ công bố điểm thi Tăng, giảm trung bình chỉ 0,25 điểm Nhiều năm nay, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tổ chức chấm thi toàn bộ thí sinh dự thi khối A, B vào ĐH Quốc gia Hà Nội. PGS.TS Bùi Duy Cam-Hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên cho biết, sau kỳ tuyển sinh hàng năm trường vẫn nhận được một số đơn yêu cầu chấm phúc khảo. Tuy nhiên, số lượng bài thi được nâng điểm rất ít. Các môn trắc nghiệm hầu như không có sai sót vì trường kiểm tra rất kỹ. Hơn nữa, bài thi trắc nghiệm chấm bằng máy, nếu có sai sót sẽ xảy ra hàng loạt nên rất dễ phát hiện. Chỉ có một số bài thi tự luận sau khi chấm phúc khảo có thay đổi điểm. Nhưng rất ít bài được nâng điểm. “Nếu được tăng khoảng 1 điểm là đã rất nhiều rồi”- PGS Bùi Duy Cam khẳng định. Tình hình cũng diễn ra tương tự tại 4 trường đại học, 2 trường cao đẳng thành viên, 1 khoa trực thuộc và một cơ sở 2 tại Kon Tum của ĐH Đà Nẵng. Ông Nguyễn Hoàng Việt-Trưởng ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng cho biết: Chưa có thống kê chính thức nhưng nhìn chung có rất ít bài thi được nâng điểm sau phúc khảo. Nếu có, mức tăng giảm trung bình chỉ 0,25 điểm. Những bài thi được nâng điểm nguyên nhân chủ yếu do cán bộ bỏ sót một ý nào đó khi cộng điểm thành phần các câu trong bài làm. Nhiều trường hợp bài thi bị giảm điểm, vì tâm lý chung của cán bộ chấm thi là cố gắng vận dụng hướng dẫn chấm, ba rem để tính điểm cho TS. Nhưng khi phúc khảo thì chấm rất chặt nên nhiều ý hơi “non” đang có điểm thành mất điểm. Thí sinh tại kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2009. (Ảnh: Chí Cường) Ông Trần Văn Nghĩa-Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng đào tạo (Bộ GD&ĐT) cũng khẳng định, quy trình chấm bài thi đại học chặt nên rất ít sai sót. Trước khi chấm, Hội đồng tuyển sinh các trường sẽ tổ chức chấm thử và thảo luận kỹ phương án chấm dựa trên đáp án và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Các bài thi được tổ chức chấm 2 vòng độc lập tại 2 phòng chấm riêng biệt. Thang điểm chấm thi là thang điểm 10 và được tính đến 0,25 điểm. Hơn nữa quy chế của Bộ GD&ĐT cũng quy định các hình thức xử lý trách nhiệm đối với cán bộ chấm thi. Nếu bài thi của TS sau khi chấm phúc khảo mà có sự thay đổi lớn về điểm thì cán bộ chấm bài thi đó sẽ phải chịu kỷ luật. Quy trình chấm phúc khảo lại còn chặt hơn với ba cán bộ chấm độc lập. Phải trừ hao kết quả tự chấm Dù chưa có thống kê chính thức, nhưng một số trường đại học cho biết, từ khi Bộ GD&ĐT thực hiện việc công khai đáp án và ba rem điểm ngay sau các đợt thi lượng TS xin phúc khảo cũng tăng lên. Vì với những dữ liệu này, TS có thể tự “chấm” bài làm của mình và so sánh ngay khi trường công bố điểm. Tuy nhiên, TS nên cân nhắc kỹ vì thông thường mức điểm do các TS tự chấm cho mình sẽ “lạc quan” hơn thực tế khá nhiều. Kể cả khi “khách quan”, TS cũng không thể tự phát hiện cái sai của mình. Đặc biệt, phần diễn đạt, trình bày bài thi hầu như mọi TS đều không “chấm”. Vì vậy, TS chỉ nên đề nghị phúc khảo khi điểm thi giữa điểm tự chấm và điểm trường công bố có cách biệt lớn. TS không nên vội vàng làm đơn phúc khảo ngay khi trường vừa công bố. Trước khi Bộ GD&ĐT công bố chính thức điểm sàn (dự kiến trong khoảng 8-10/8) sẽ chưa có trường nào công bố điểm chuẩn. Mức điểm chuẩn trên các phương tiện thông tin đại chúng chỉ là dự kiến và rất nhiều khả năng thay đổi. Đặc biệt, những TS có mức điểm “mấp mé” điểm chuẩn dự kiến không nên gửi đơn phúc khảo vội, dễ “đỗ thành trượt”. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, TS có quyền gửi đơn phúc khảo sau 15 ngày kể từ ngày trường công bố kết quả thi. Khoảng thời gian được tính theo dấu bưu điện nên TS có thể chờ đến khi trường công bố danh sách trúng tuyển chính thức. TS có mức điểm trên điểm sàn của Bộ GD&ĐT những năm trước cũng nên cân nhắc. Nếu phúc khảo bị hạ điểm, TS sẽ tự làm hẹp cơ hội được xét tuyển NV2,3. Thực tế qua các năm tuyển sinh, tỉ lệ TS trúng tuyển theo NV1 chỉ chiếm khoảng 2/3 còn lại theo NV2, NV3. Ví dụ, năm 2007 có 63,5% theo NV1, 31% theo NV2 và 5,5% theo NV3). Theo thông lệ, số TS có điểm trên điểm sàn gấp 2-2,5 lần tổng chi tiêu tuyển sinh. Như vậy, tỷ lệ đỗ theo NV2,3 của những TS có điểm trên điểm sàn rất lớn khi tỉ lệ chọi “dễ thở” hơn nhiều lần khi đăng ký dự thi. Hằng Lê

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/home/20090729085422558p0c1000/phuc-khao-ket-qua-thi-dh-cd-it-duoc-nang-diem.htm