Phục dựng lễ hội: Hài hòa giữa truyền thống và hiện đại

Gần đây, có nhiều ý kiến nói lễ hội truyền thống trong xã hội đương đại đang vận hành một cách hỗn loạn theo chiều hướng tiêu cực bị biến dạng, mất đi bản sắc và vì thế kém hấp dẫn.

Là người có nhiều năm tham gia nghiên cứu và phục dựng lễ hội truyền thống, PGS.TS Bùi Quang Thắng - Chuyên gia của Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam - đã chia sẻ quan điểm trong sự dịch chuyển của lễ hội truyền thống để phù hợp với tâm thế của con người hiện đại.

Kết hợp truyền thống và hiện đại

PGS. TS Bùi Quang Thắng cho biết, ông đã nghiên cứu và phục dựng nhiều lễ hội truyền thống như Lễ hội Xuân Phả (Thanh Hóa), Lễ hội Lam Kinh (Thanh Hóa), Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), Lễ hội Tịch điền (Hà Nam)...

Từ những nghiên cứu thực nghiệm trên, ông nói rằng, việc phục dựng lễ hội phải dựa vào cấu trúc của lễ hội đó, nếu sai cấu trúc thì sẽ không thành lễ hội. Những nghi lễ và diễn xướng phải giữ vững tinh thần của dân gian nhưng truyền tải bằng ngôn ngữ đương đại.

Lễ hội rất quan trọng đối với văn hóa. Lễ hội là để kết nối cộng đồng và biểu thị sự sáng tạo văn hóa của cộng đồng đó. Đến với một lễ hội là để hòa mình vào không khí của cộng đồng trong lễ hội đó.

Những nghi lễ cổ xưa, những diễn xướng và trò chơi dân gian gắn bó như một sinh hoạt tất nhiên của đời sống tín ngưỡng và văn hóa người Việt.

PGS.TS Bùi Quang Thắng cũng cho rằng, với sự phát triển kinh tế xã hội ngày nay, với nhu cầu văn hóa, du lịch ngày càng tăng của các tầng lớp nhân dân, bên cạnh việc bảo tồn nguyên gốc những lễ hội truyền thống kinh điển thì việc phát triển những lễ hội truyền thống có tiềm năng là một mô hình bảo tồn tích cực để mang lại lợi ích cho các cộng đồng.

Cần sự sáng tạo văn hóa

Theo PGS.TS Bùi Quang Thắng, điều đặc biệt quan trọng trong mỗi lễ hội là diễn xướng. Vì thế, khi tổ chức một lễ hội truyền thống nào đó, chúng ta phải lưu ý đến khả năng có thể tái dựng hoặc sáng tạo thêm những trò diễn, diễn xướng độc đáo để nó trở nên khác biệt với những lễ hội khác.

Những sáng tạo này có thể theo thể thức và ngôn ngữ dân gian, nhưng cũng có thể là những sáng tạo dựa trên thể thức dân gian với nhưng ngôn ngữ của nghệ thuật đương đại.

Khi tổ chức các lễ hội khác nhau, chúng tôi đã sử dụng cả hai phương thức sáng tạo trên và chúng đều mang lại hiệu quả về tính độc đáo.

Lễ hội không chỉ là tấm gương phản chiếu nền văn hóa dân tộc, mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy nền văn hóa dân tộc ấy. Việc phục dựng tràn lan cũng là một trong những nguyên nhân gây biến tướng giá trị nhân văn vốn có của lễ hội dân gian.

Truyền thống nói chung (và di sản nói riêng) cũng giống như bất cứ một hiện tượng xã hội nào khác, nó có sự vận động. Sự vận động ấy là khách quan nếu nó phù hợp với ý nguyện và lợi ích của cộng đồng.

“Văn hóa không cần sự chính xác, không được đòi hỏi văn hóa phải có tính chân thực lịch sử. Chúng ta có vốn văn hóa thì phải sáng tạo và phát huy thành vốn kinh tế.

Đó không phải là sai lệch văn hóa, sáng tạo không làm hại đến ai mà chỉ có lợi cho cộng đồng là việc đáng động viên. Văn hóa không phải chỉ có tiền nhân mới có quyền sáng tạo.

Trong thời đại chúng ta phải sáng tạo thêm chứ! Tại sao cứ trông chờ mãi vào tiền nhân? Nếu chỉ trông chờ vào tiền nhân thì ta thấy có một vài lễ hội tốt thôi” - PGS.TS Bùi Quang Thắng chia sẻ.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/phuc-dung-le-hoi-hai-hoa-giua-truyen-thong-va-hien-dai-2943800-l.html