Phục dựng ghe Cà Hâu góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa

Từ nhiều năm nay, ở Sóc Trăng, chiếc ghe Kề-Hâu (nay thường gọi là Cà Hâu) ít được nói đến và cũng đã vắng bóng trong các dịp đua ghe Ngo của đồng bào Khmer vào dịp rằm tháng 10 âm lịch hàng năm.

Khi xã hội phát triển, điều kiện phục vụ những cuộc đua thay đổi đã làm cho chiếc Cà Hâu giảm đi vai trò của mình, từ đó, Cà Hâu hầu như cũng không còn được các chùa lưu giữ.

Theo Đại đức Danh Thanh Dũng, trụ trì chùa Trà Tim Giữa, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng: Trước kia, đến ngày lễ hội Oóc om bok - Đua ghe ngo của đồng bào Khmer Sóc Trăng thì người dân thường nhắc đến chiếc ghe Kề - Hâu (Cà Hâu).

Mỗi chùa, mỗi đội ghe đua đều có Cà Hâu đi kèm, giữ vai trò như ghe chỉ huy, chở ban quản trị chùa và chức sắc của chùa, kiêm làm nhiệm vụ như ghe hậu cần để tiếp tế cho đội ghe đua. Nguồn gốc ghe Kề - Hâu được cho là có từ thời chiến xa xưa được dùng để chở vua chúa và cũng làm nhiệm vụ chỉ huy, tiếp tế cho các ghe Ngo (là ghe để đánh giặc, cho quân sĩ chiến đấu)…

Cũng theo lời kể của những người lớn tuổi trong đồng bào Khmer Sóc Trăng, trước đây, mỗi chiếc ghe Ngo đi thi đấu phải có một chiếc Cà Hâu đi kèm. Đây là chiếc ghe dành cho Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, người uy tín ngồi và chỉ đạo các đội ghe sau một vòng bơi. Ngoài ra, ghe Cà Hâu còn dùng để chuyên chở lương thực, nước uống, dàn nhạc… phục vụ cho đội ghe Ngo.

Thượng tọa Dương Nê, trụ trì chùa Prêktrokuône, xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên, cho biết: Cà Hâu được trang trí rất đẹp nên trước đây, chỉ dành cho người uy tín ngồi và chở lương thực phục vụ đội đội ghe ngo, đó cũng được xem là chiếc ghe truyền thống độc đáo của đồng bào Khmer.

Năm 2016, khi được tỉnh quan tâm tổ chức phục dựng lại và tổ chức hội thi ngay lễ hội Oóc om bok - đua ghe ngo của đồng bào Khmer nên sư rất vui. Vì nếu bỏ quên vài năm nữa thì việc phục hồi ghe lại rất khó. Hiện trong chùa vẫn còn lưu giữ chiếc ghe Cà Hâu được bảo quản hàng trăm năm nay, vẫn con nguyên vẹn.

Ghe Cà Hâu nguyên bản là ghe độc mộc (làm từ một cây gỗ lớn), thường có chiều dài gần 25 m, chiều rộng 1,9 m (gần giống với ghe Ngo), có dầm để chèo, có sức chứa trên 20 người. Ghe được trang trí đẹp, những hoa văn được khắc rất tinh xảo nên có thể nói những người từ 40 tuổi trở xuống chưa bao giờ biết ghe Cà Hâu.

Việc tỉnh khôi phục ghe Cà Hâu đúng là điều rất mừng, có như vậy thế hệ trẻ mới biết đến ghe Cà Hâu và cùng nhau giữ gìn cho một loại ghe truyền thống, nét văn hóa đặc sắc này.

Cũng nhờ có chiếc ghe Cà Hâu “cổ” những dịp gần tới đua ghe như hiện nay, tại chùa Prêktrokuône luôn có người ra vào thường xuyên để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ghe Cà Hâu. Thân hình của ghe được nghệ nhân vẽ những con rồng dài, phần tay lái được nghệ nhân khắc hình rất đẹp và khéo léo. Còn phần trang trí bên trên ghe là những hoa văn được điêu khắc từng khuôn nhỏ với những loại hoa khác nhau, được lưu giữ từ trước đến nay.

Bà con Khmer thường quý ghe Ngo và ghe Cà Hâu như là một vị thần bảo vệ sự bình yên và bảo vệ phum sóc nên đã lưu giữ rất kỹ. Những ngôi chùa Khmer trong tỉnh Sóc Trăng còn lưu giữ các chiếc ghe có giá trị văn hóa như ghe Cà Hâu không còn nhiều.

Ông Lý Bình Cang, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, Phó Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng 2016 thông tin thêm: Việc phục dựng ghe Cà Hâu chính là góp phần rất lớn trong việc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer Nam Bộ, đồng thời, thông qua hội thi sẽ giúp thế hệ trẻ biết được ngoài ghe Ngo thì ghe Cà Hâu cũng là chiếc ghe truyền thống mang đậm giá trị văn hóa tinh thần cần phải phát huy gìn giữ để bảo tồn.

Trung Hiếu

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/tay-bac-tay-nguyen-tay-nam-bo/phuc-dung-ghe-ca-hau-gop-phan-giu-gin-ban-sac-van-hoa-20161124174543959.htm