Phú Yên đề nghị hỗ trợ 1.100 tấn gạo cứu đói sau lũ

Sau đợt lũ vừa qua, tổng thiệt hại ban đầu tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên là 590,538 tỉ đồng. Trong đó, Quảng Bình: 55 tỉ đồng, Quảng Trị: 95 tỉ đồng, Phú Yên: 311,5 tỉ đồng, Khánh Hòa: 124 tỉ đồng, Kon Tum: 5,038 tỉ đồng.

Ngày 7-11, Chi cục Phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung-Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng) phát đi cảnh báo hiện nay lũ trên sông Sêrêpốk đang lên theo sự điều tiết xả lũ của hồ thủy điện.

Đến 5 giờ 30 ngày 7-11, có sáu hồ chứa thủy điện vừa và lớn trong khu vực đang vận hành xả lũ với tổng lượng xả trên 200 m 3 /giây, trong đó có ba hồ xả với lưu lượng lớn là thủy điện Sông Ba Hạ có tổng lượng xả Q=700 m 3 /giây; thủy điện Buôn Kuốp có tổng lượng xả Q=1.444 m 3 /giây; thủy điện Sêrêpốk 3 có tổng lượng xả Q=1.400 m 3 /giây.

Ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên (bìa trái), thăm hỏi, động viên bà Nguyễn Thị Tám (xã Xuân Xuân Bắc, huyện Đồng Xuân) bị thiệt hại do lũ. Ảnh: TẤN LỘC

Về thiệt hại, tại tỉnh Bình Định: Không còn ngập lụt trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên tuyến đường Vĩnh Kim - Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) bị sạt lở, hiện vẫn còn bị chia cắt giao thông; huyện Hoài Ân bị chia cắt giao thông ở các tuyến đường liên xã do cầu bị hư hỏng.

Tỉnh Phú Yên: Mực nước các sông đang giảm chậm và duy trì ở mức cao, đến 17 giờ ngày 6-11 còn khoảng 800 nhà của 19 thôn/sáu xã bị ngập nước (ba xã thuộc huyện Tuy An và ba xã thuộc huyện Tây Hòa). Tình hình giao thông trên địa bàn tỉnh cơ bản đã thông suốt.

Tỉnh Khánh Hòa: Tuyến đường đèo Khánh Lê (huyện Khánh Vĩnh) từ Nha Trang đi Đà Lạt bị sạt lở tại bốn điểm (Km 39, Km 43, Km 46, Km 60). Khoảng 30.000 m 3 đất đá bị sạt lở, hiện chưa thông tuyến.

Tỉnh Đắk Lắk:Mực nước lũ trên các sông đang xuống, tình trạng ngập lụt giảm dần; riêng sông Krông Ana tại Giang Sơn vẫn còn trên báo động 3 nên khu vực hạ lưu vẫn còn bị ngập, còn khoảng 150 hộ dân thuộc huyện Krông Ana bị ngập. VPTT Đắk Lắk đang tiếp tục cập nhật.

Tỉnh Đắk Nông: Tại xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, đường giao thông liên thôn bị ngập trên 1 m, dẫn đến nhiều thôn bị cô lập như Bình Giang, Nam Tiến, Thanh Sơn.

Theo báo cáo nhanh của các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, thống kê tình hình thiệt hại ban đầu, tính đến 7 giờ ngày 7-11 đã có 15 người chết, sáu người mất tích và 20 người bị thương do mưa lũ. 225 nhà dân thiệt hại hoàn toàn (trên 70%)...

Tổng thiệt hại ban đầu: 590,538 tỉ đồng (Quảng Bình: 55 tỉ đồng; Quảng Trị: 95 tỉ đồng; Phú Yên: 311,5 tỉ đồng; Khánh Hòa: 124 tỉ đồng; Kon Tum: 5,038 tỉ đồng). Các tỉnh khác đang tiếp tục cập nhật.

Ngoài ra, tỉnh Phú Yên đề nghị hỗ trợ 1.100 tấn gạo cứu đói (hỗ trợ cho 11.200 hộ/33.600 nhân khẩu); 1.000 kg Cloramine B; 30.000 viên Aquatabs; 500 lít Permethrin; 10 máy phun ULV; chín xuồng cao su gắn máy. Đề nghị triển khai sớm phương án khắc phục hư hỏng mặt đường quốc lộ 1, nhất là đoạn qua tuyến dốc Vườn Xoài.

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/phu-yen-de-nghi-ho-tro-1100-tan-gao-cuu-doi-sau-lu-663606.html