Phú Yên đâu chỉ có “hoa vàng” với “cỏ xanh”

Phú Yên bừng sáng sau bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của Victor Vũ và trở thành một trong những địa điểm “hút” khách du lịch của dải đất miền Trung. Nhưng đừng vội tập trung đi tìm “hoa vàng” hay “cỏ xanh” vì ở đây còn nhiều điều thú vị đáng được mong chờ hơn thế.

Những vùng biển vắng người

Những bãi biển tại Phú Yên có đến 80% là hoang sơ và may mắn thay chưa được khai thác ồ ạt cho du lịch. Chính vì thế, không ngạc nhiên khi đến đây, du khách sẽ được thả hồn vào làn nước trong veo xanh ngắt mà xung quanh chỉ “còn ta với nồng nàn”.

Phú Yên có rất nhiều bãi tắm như Bãi Xép, Bãi Môn, Bãi Long Thủy, Bãi Bầu, Bãi biển Tuy Hòa, Vịnh Vũng Rô, Bãi Bàng,… Trong đó hầu như chỉ có Bãi Long Thủy và Bãi biển Tuy Hòa là đông người đến tắm hơn cả, những bãi biển còn lại vô cùng vắng người. Biển ở Phú Yên nếu nói là đông đúc thì cũng chẳng bao giờ có thể ken kín người bằng những bãi biển du lịch tại Nha Trang hay Phú Quốc, bởi không gian ở đây vẫn thoáng đãng, nước vẫn trong vắt một màu xanh ngọc bích.

Bãi Xép – một địa điểm quen thuộc cho những ai tò mò về vùng đất “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (Bãi Xép nằm ngay Gành Ông – phân cảnh quay Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh) là một trong những bãi biển đẹp của Phú Yên. Nơi đây cũng được du lịch hóa bởi một resort nhưng không hề mất đi vẻ hoang sơ. Bãi Xép có thể ví như “Sầm Sơn “sạch” của Phú Yên” vì những đợt sóng tạt vào bờ vô cùng mạnh. Bãi sâu nên mang đến cảm giác “đã” vô cùng cho những người yêu biển.

Bãi Môn lại toát lên vẻ đẹp khác khi nước biển trong xanh cứ có ánh nắng chiếu vào là hiện lên những màu lóng lánh như ngọc bích. Trên đường tới Mũi Điện – Hải Đăng tại Phú Yên, nhìn xuống Bãi Môn như một bờ biển hoang sơ đẹp đến nao lòng. Xa xa là những con tàu đánh cá và thấp thoáng cạnh bờ là những chiếc thuyền mủng của ngư dân.

Một bãi lặn san hô hoang vắng tại Vịnh Vũng Rô

Với những người thích lặn biển ngắm san hô thì Vũng Rô chắc chắn sẽ là lựa chọn không thể bỏ qua. Vịnh Vũng Rô hoang sơ và hầu như chưa khai thác du lịch. Gần bờ là những ngôi nhà nổi “kiêm” luôn nhà hàng và dịch vụ lặn biển. 800 nghìn/một cano 16 người là đã có một chuyến lặn biển thoải mái tại những bãi lặn trên Vịnh. Những rặng san hô tại đây không sâu nên du khách có thể thoải mái “đi” trên những nhánh san hô mềm như thạch ấy. Sau vài giờ lặn biển ngắm san hô, quay trở lại những nhà hàng nổi ấy, các món đặc sản biển đã đặt sẵn trên bàn. Chính vẻ bình dân "không chuyên" của những nhà hàng này đã mang lại những món ăn đậm chất người miền biển Phú Yên.

Nhum (Cầu Gai)

Bữa ăn trên những ngôi nhà nổi

Những món ăn được nấu đơn giản, “cay” đúng kiểu người Phú Yên, nghĩa là tê tê đầu lưỡi từ đĩa hàu, nhum nước mỡ hành cho đến nồi cháo cá Bớp.

Những ô cửa xanh và những giàn hoa giấy hồng rực

Điều lạ lùng khi tới Phú Yên là “hình như” những người dân miền biển ở đây yêu màu xanh nước biển tới lạ kỳ. Từ hàng rào, cửa gỗ, những ô cửa sổ đều mang một màu của đại dương. Tới cả những hàng thuyền xếp dọc trên Đầm Ô Loan cũng cùng chung một màu xanh của biển trời nơi ấy.

Hoa giấy là đặc sản của Phú Yên

Trò chuyện với một người đàn ông chạy xe điện dọc tuyến resort Núi Thơm tới Bãi Xếp, khi được hỏi rằng tại sao người dân nơi đây lại thích sơn cửa xanh và trồng hoa giấy tới vậy, anh nói: “Phú Yên lúc nào cũng nắng, Gió Lào thì nắng rát, gió thổi mang theo cát ngoài biển vào nên đất trong khu dân cư cũng toàn là cát. Ít cây cỏ sống được. Hoa giấy là một trong những loài cây phù hợp để trồng. Còn chuyện sơn cửa màu xanh “thìa” thói quen “thâu”. ” Lý do đơn giản là vậy nhưng lại vô tình tạo nên khung cảnh nên thơ của những hàng rào xanh và những giàn hoa giấy hồng.

Phú Yên và những câu chuyện cổ tích

Đến Phú Yên, mỗi địa danh lại có một câu chuyện riêng được truyền miệng từ những người dân xứ Nẫu.

Gợi chuyện khéo léo một anh chàng hướng dẫn viên du lịch là đã có một vài câu chuyện làm quà. Anh kể, phân cảnh quay Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được quay trên đồi Gành Ông nhưng mọi người không để ý rằng chỉ cần đưa mắt ra xa, xa hơn về phía Bãi Xép là sẽ nhìn thấy Gành Bà. Ngày xưa, Ông và Bà thương nhau cùng nhau vác đá xây núi làm nhà. Nhưng Bà đi đến một đoạn thì chết nên chỗ đó gọi là Gành Bà. Ông đi sau Bà chưa kịp tới chỗ Bà thì mất. Người ta gọi đó là Gành Ông.

Ghềnh Đá Đĩa

Rồi những câu chuyện về Bãi Xép rằng người dân xưa đi trên bãi biển cứ nghe thấy âm thanh lạ “Xép! Xép!” vậy là đặt tên cho bãi thành Bãi Xép luôn. Chuyện về Ghềnh Đá Đĩa lại chẳng phải là câu chuyện núi lửa phun trào kỳ vĩ mà chỉ là câu chuyện về một ông vua cho đội quân của mình dựng đá chống giặc. Kỳ lạ rằng, người dân Phú Yên gần gũi tới nỗi chỉ cần hỏi một câu là hai, ba, bốn câu chuyện sẽ tự động được kể ra.

Đến Phú Yên, người ta còn trải nghiệm một sân bay Tuy Hòa nhỏ bé giữa khung cảnh hoang sơ, một thành phố Tuy Hòa yên ắng, thậm chí có nguyên một cánh đồng lộng gió ngay giữa trung tâm,… Phú Yên – vậy nên, đến đây chỉ để tìm “hoa vàng cỏ xanh” là chưa đủ!

Hải Yến

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/doi-song-du-lich/phu-yen-dau-chi-co-%e2%80%9choa-vang%e2%80%9d-voi-%e2%80%9cco-xanh%e2%80%9d