Phú Xuyên 'giữ lửa' nghề thủ công

Để khẳng định vai trò, vị trí nghề thủ công truyền thống, năm nay, UBND huyện Phú Xuyên tổ chức khai mạc lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống lần thứ V - 2016 tại xã Phú Túc từ ngày 28 - 30/10.

Mục đích của lễ hội nhằm tạo ra những sản phẩm tốt, có sức cạnh tranh, lan tỏa để sản phẩm làng nghề ngày một bay xa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị .

Quảng bá sản phẩm

Phú Xuyên là huyện có nhiều làng nghề được hình thành từ hàng trăm năm qua, như: Đan cỏ tế xã Phú Túc, khảm trai xã Chuyên Mỹ, nặn tò he xã Phượng Dực... Những năm gần đây, các làng nghề đã tạo ra sản phẩm, mẫu mã đa dạng, mang đậm nét văn hóa riêng biệt, tìm được thị trường rộng lớn ở TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng… Một số sản phẩm mây giang đan đã được xuất khẩu sang các nước trên thế giới, như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật bản… Phát huy thế mạnh là huyện có nhiều làng nghề để quảng bá giới thiệu sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và phát triển bền vững. Thực hiện nghị quyết Đảng bộ huyện khóa XXIII (nhiệm kỳ 2010 - 2015), Huyện ủy Phú Xuyên đã ban hành Chương trình số 09-CTr/HU về xây dựng và phát triển làng nghề truyền thống giai đoạn 2011 - 2015, lấy ngày 26/10 hàng năm là ngày vinh danh làng nghề. Đến nay, lễ hội vinh danh làng nghề đã được tổ chức qua 4 năm (2 năm quy mô cấp huyện, 2 năm cấp xã).

Sản xuất thủ công nghiệp tại Phú Xuyên. Ảnh: Bá Hoạt

Tính đến nay, toàn huyện Phú Xuyên có 156/156 làng, cụm dân cư làm nghề, chiếm 100%, có 78 làng nghề được duy trì và phát triển (năm 2014 có 72 làng). Trong đó, có 9 làng khảm trai, 10 làng đan cỏ tế, 10 làng sản xuất (SX) đồ mộc, 12 làng may mặc và làm giày… đã có 40 thôn được TP công nhận làng nghề. Hiện, toàn huyện có 22.547 hộ SX tiểu thủ công nghiệp (TTCN), chiếm 38%. Số lao động SX TTCN năm 2015 có 39.439 lao động, chiếm 36,3% (năm 2014 là 38.853, chiếm 35,8%). Giá trị SX TTCN làng nghề năm 2015 ước đạt 2.850,02 tỷ đồng, tăng 5,3% so với năm 2014 (năm 2014 đạt 2.699,5 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng 66,1% tổng giá trị SX; tạo ra giá trị gia tăng 983,360 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 56,6% giá trị gia tăng của huyện. Hoạt động SX, kinh doanh của các DN, làng nghề ngày một phát triển, góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội trên địa bàn, tạo thu nhập bình quân của lao động làm nghề năm 2015 là 45 triệu đồng/năm/lao động.

Phát triển chuỗi du lịch làng nghề

Ông Nguyễn Văn Hỏi ở xã Chuyên Mỹ chia sẻ: “Trong lúc nền kinh tế đang trong giai đoạn hồi phục, mặt hàng chúng tôi SX ra tiêu thụ còn rất hạn chế. Qua lễ hội, chúng tôi hy vọng, không những sản phẩm của thôn, xã mà của cả huyện và TP được giới thiệu rộng rãi hơn, góp phần phát triển kinh tế cho địa phương”.

Chủ tịch UBND xã Phú Túc Bùi Hồng Luyến phấn khởi cho biết: “Đến nay, công tác tổ chức chuẩn bị cho ngày hội đã được hoàn tất. Đến với lễ hội năm nay sẽ có gần 100 công ty, DN, trong đó có DN của xã, huyện, TP và các tỉnh, như Thái Nguyên, Lạng Sơn… tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm làng nghề truyền thống ở 140 gian hàng nằm trong khuôn viên gần 2.000m2. Cùng với đó, sẽ có khoảng 2.000 người tham dự...”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Hữu Bảo khẳng định: “Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống của huyện là dịp để người dân tri ân các bậc tiền nhân, các vị tổ nghề đã có công tạo nghề và truyền nghề cho người dân. Đến với lễ hội năm nay, du khách sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng nét tài hoa từ tay nghề của những nghệ nhân làng nghề truyền thống, được tự tay thực hiện các sản phẩm dưới sự hướng dẫn tận tình của các nghệ nhân. Du khách sẽ được trải nghiệm mua sắm những sản phẩm làng nghề truyền thống tinh tế, những món quà lưu niệm độc đáo được làm bằng bàn tay của những người thợ tài hoa”.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/phu-xuyen-giu-lua-nghe-thu-cong-258279.html