Phụ thuộc vào các cơ quan chức năng

Theo thống kê của Bộ Y tế, có tới 70% vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở bếp ăn công nhân do cơ sở cung cấp thức ăn không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), nguồn thực phẩm kém chất lượng, còn lại 30% nguyên nhân là do điều kiện vệ sinh bếp ăn tại chỗ.

Như Lao động Thủ đô đã phản ánh, không chỉ suất ăn ca của công nhân không đủ năng lượng, mà việc mất ATTP cũng đang dóng lên hồi chuông báo động tại các bếp ăn công nhân trên phạm vi cả nước hiện nay.

Ngày 28.12.2015 hơn 1.000 công nhân Cty Regina Mirade (KCN Vsip trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) bị ngộ độc thực phẩm.

Về vấn đề này, trả lời LĐTĐ ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay việc đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể trong các KCN-CX đã có quy trình chặt chẽ từ nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, nước phụ gia… cho đến những quy trình về thủ tục hành chính như bắt buộc các bếp ăn phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP mới được phép cung cấp suất ăn cho công nhân.

Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, phần lớn các sai phạm tại các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn cho các KCN-CX với khoảng 20% không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện AVTP, 16,7% cơ sở không đạt về điều kiện vệ sinh khu chế biến, nhà ăn và trên 10% cơ sở sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc.

Cũng theo ông Phong, qua kiểm tra, Cục ATTP còn phát hiện phần lớn số vụ ngộ độc thực phẩm trong các KCN là do thức ăn nấu ở nơi khác mang đến với nguồn gốc đa dạng, khó kiểm soát, điều kiện vệ sinh khu chế biến thực phẩm không đạt tiêu chuẩn. Trong khi đó, trách nhiệm quản lý của các KCN, chủ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ăn uống còn buông lỏng quản lý, thiếu kiểm soát.

Lo ngại hơn, một số nguyên nhân khiến ngộ độc thực phẩm luôn đe dọa các bếp ăn là việc sử dụng các bữa ăn giá rẻ. Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, chỉ riêng trong quý I/2016, cả nước xảy ra 26 vụ ngộ độc thực phẩm, khiến gần 700 người phải nhập viện và 2 trường hợp tử vong.

Riêng trong năm 2015, tại các bếp ăn tập thể đã xảy ra hơn 30 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm trên 3.000 người phải nhập viện. Điển hình như tháng 4.2015, Công ty TNHH Simone chuyên may túi xách (có trụ sở tại KCN Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đã xảy ra vụ ngộ độc của hơn 300 công nhân.

Nguyên nhân được xác định là do đơn vị cung cấp thức ăn sẵn cho công nhân ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Dù đã xác định được nguyên nhân ban đầu như vậy, nhưng vào ngày 3.6.2016 lại tiếp tục có hơn 60 công nhân Công ty TNHH Simone phải vào bệnh viện cấp cứu vì bị ngộ độc sau khi ăn bữa trưa.

Vụ ngộ độc thực phẩm được cọi là rất nghiêm trọng xảy ra tại KCN Minh Hưng – Hàn Quốc (ở huyện Chơn Thành, tình Bình Phước) với hơn 300 công nhân của 3 công ty ISHENG, XINREN, Sung Ju.

Tình trạng này trở nên nghiêm trọng khi hơn 300 công nhân trên không chỉ có biểu hiện như: Nôn mửa, chóng mặt, tiêu chảy mà không ít trong số đó còn bị ngất xỉu. Qua chăm sóc, điều trị cũng như qua kết quả kiểm nghiệm những mẫu thức ăn mà những công nhân trên đã ăn thì cơ quan chức năng đều kết luận nguyên nhân do đơn vị cung cấp đã nấu sẵn thức ăn không đảm bảo vệ sinh ATTP.

Còn đối với việc công nhân của Công ty TNHH Youngor Smart Shirts Việt Nam (có trụ sở KCN Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) và công nhân Công ty TNHH Giầy Amara Việt Nam (có trụ sở tại huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc sau bữa ăn trưa khi phát hiện thức ăn có dòi, có sinh vật lạ… đã và đang thấy rõ một thực trạng về việc coi thường quy trình từ lựa chọn thực phẩm, chế biến thức ăn và sử dụng thức ăn sẵn.

Vấn đề đặt ra, theo ông Phong, để bữa cơm của công nhân được an toàn, mấu chốt của vấn đề là chế tài xử phạt cũng như sự vào cuộc giám sát của các cấp, ngành, cơ quan có thẩm quyền mà thôi.

THU TRANG

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/phu-thuoc-vao-cac-co-quan-chuc-nang-41527.html