Phú Thọ: Nan giải nước sạch nông thôn và hiệu quả vốn vay World Bank

Hộ gia đình nông thôn hiện nay chiếm 67% cơ cấu dân số Việt Nam đang phải hứng chịu ô nhiễm môi trường nhiều cấp độ khác nhau. Trong đó ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt là nan đề khó giải nhất. Vấn nạn ô nhiễm nguồn nước đã gây bất ổn tinh thần sức khỏe người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí Hoàng Dân Mạc - Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ kiểm tra các dự án thủy lợi và nước sạch nông thôn.

Mỗi năm Việt Nam có hơn 9.000 người bị tử vong do nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém và gần 200.000 trường hợp mắc bệnh ung thư mới phát hiện, mà một trong những nguyên nhân chính bắt nguồn từ ô nhiễm môi trường nước. Bởi vậy, bảo đảm nước sạch và môi trường sạch cho người dân nông thôn là việc làm khẩn thiết hiện nay. Hệ lụy đa chiều tích tụ nhiều thập kỷ từ công tác quy hoạch, mất rừng, cạn kiệt nguồn nước sinh dưỡng tuần hoàn tự nhiên, gia tăng dân số cơ học ở các cụm điểm dân cư có lợi thế thương mại, tồn dư các chất bảo vệ thực vật trong trồng trọt chăn nuôi, sản xuất công nghiệp, nguồn xả thải từ làng nghề và các khu đô thị giáp ranh dẫn đến ô nhiễm vi sinh, ô nhiễm kim loại nặng nghiêm trọng…

Phú Thọ là một tỉnh trung du - miền núi nhưng trong đề án Quy hoạch cấp nước sinh hoạt nông thôn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020 đã đặt mục tiêu đầy tham vọng. Năm 2015: Đạt 95% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp lý cho sinh hoạt, trong đó 40% được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia từ công trình cấp nước tập trung. Đến năm 2020: Đạt 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 65% được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia từ công trình cấp nước tập trung. Tiêu chuẩn lượng nước cấp là 60 lít/người/ngđ với các tiêu chuẩn về nước sạch và nước hợp vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế.

Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn triển khai từ năm 2012 trên toàn quốc, nhưng trước đó các Chương trình (CT) 135 năm 1997, CT 134 từ năm 2004 ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Trong đó hạng mục xây dựng công trình cấp nước sạch sinh hoạt cho cộng đồng luôn chú trọng xây dựng hàng đầu. Sau những rầm rộ đua tranh triển khai, trên thực tế hầu như các công trình cung cấp nước sạch cho các đối tượng thụ hưởng từ CT 134, CT 135 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ không phát huy được hiệu quả. Ngay cả công trình nước sạch nông thôn của các tổ chức thiện nguyện phi Chính phủ, của ngân hàng chính sách tài trợ cũng không thiếu các công trình èo uột, ngắc ngoải.

Đơn cử riêng Yên Lập xây 49 công trình nước sạch bơm dẫn tự chảy, nhưng có tới 17 công trình tê liệt, số còn lại vận hành ậm ạch hụt công suất, nhỏ giọt, cầm chừng. Một số công trình mới thi công chưa đạt được 50% khối lượng xây dựng đã nằm… phủ bụi với nhiều cơn cớ khác nhau, trong đó có lý do về vốn hoặc năng lực nhà thầu. Tương tự nếu như kiểm đếm trên các địa bàn Tam Nông, Thanh Thủy, Đoan Hùng… cũng không thiếu các công trình cung cấp nước nông thôn dù tự chảy, giếng khoan, hồ đập đều chôn vùi đường ống, máy bơm trong bùn cát và cỏ dại.

Mục tiêu đầu tư tốt đẹp thế tại sao lại đổ vỡ? Trước hết là do thiếu một cơ quan có chuyên môn về cấp nước làm nhạc trưởng, dẫn đến sai lầm ngay từ khâu nghiên cứu khảo sát thực địa và thiết kế kỹ thuật từng công trình. Sau đến năng lực quản lý phân bổ nguồn vốn. Cơ chế xin cho từ Ban dân tộc, huyện, xã, đều có cơ hội làm chủ đầu tư dự án cấp nước nông thôn, với tâm lý miễn là có dự án…

Công trình cấp nước sạch cụm xã Trung Nghĩa đang được thi công.

Hơn nữa rào cản thủ tục hành chính là qui trình làm thủ tục đầu tư kéo dài, khó khăn về vốn, trượt giá, và không gian sinh sống của người dân nông thôn phân tán, thu nhập hạn chế. Suất đầu tư lớn, khả năng huy động đóng góp thấp nên công trình phải đầu tư chắp vá, không đồng bộ. Cơ sở thụ hưởng theo mô hình “chìa khóa trao tay”, người dân không mấy khi được huấn luyện đào tạo vận hành, bảo trì nên công trình đưa vào khai thác thường nhanh xuống cấp, khi hư hỏng không có kinh phí tái đầu tư, tu sửa chống xuống cấp và ý thức bảo vệ, giữ gìn công trình của người dân kém.

Hiện thời Sở NN&PTNT Phú Thọ chịu trách nhiệm các dự án chính của chương trình nước sạch nông thôn. Tham gia thụ động có thêm Cty CP Cấp nước Phú Thọ. Từ năm 2014, Cty đã có trên 86.000 khách hàng chủ yếu ở TP Việt Trì, TX Phú Thọ và một số thị trấn Cẩm Khê, Lâm Thao, Thanh Thủy, Tam Nông, Phù Ninh... với sản lượng nước sản xuất và cung cấp trên 130 nghìn m3/ngđ, tăng bình quân từ 10-14%/năm. Cty đạt doanh thu trên 148 tỷ đồng, tăng 79% so với trước cổ phần hóa; lợi nhuận trước thuế đạt 5,5 tỷ đồng; nộp ngân sách gần 9 tỷ đồng; giá trị cổ tức đạt 14%; thu nhập bình quân lao động hiện nay khoảng 6,5 triệu đ/người/tháng.

Nổi tiếng trong cả nước bởi sự chuyên nghiệp, có hậu thuẫn tài chính dồi dào, hiện là nhà cung cấp nước chính của tỉnh, nhưng Cty CP Cấp nước Phú Thọ cũng không dám mạo hiểm đầu tư vào khu vực nông thôn khó khăn chứ chưa nói đến vùng sâu vùng xa của địa phương.

Trong vài năm trở lại, Sở NN&PTNT Phú Thọ với trách nhiệm chủ công Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã nghiên cứu thực tế, vận dụng sáng tạo tận dụng các nhà máy nước đầu mối sẵn có của Cty CP Cấp nước Phú Thọ để kết nối cấp nước sạch cho người dân vùng ô nhiễm. Sở NN&PTNT Phú Thọ chịu trách nhiệm điều tra khảo sát, kết hợp tuyên truyền nhu cầu sử dụng nước sạch đến từng hộ dân, để người dân tự nguyện đăng ký sử dụng rồi mới lập kế hoạch vay vốn, đầu tư công trình.

Điển hình của sự sáng tạo đó là thành quả công trình cấp nước sạch cụm các xã: Tình Cương, Hiền Đa, Cát Trù (Cẩm Khê) được khởi công năm 2009, do Sở NN&PTNT Phú Thọ làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 18 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia. Công trình này có công suất thiết kế 1.400m3/ngđ kết nối với nhà máy nước Cẩm Khê của Cty CP Cấp nước Phú Thọ cấp nước cho hơn 9 nghìn dân đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2011.

Hệ thống cấp nước sinh hoạt các xã: Tạ Xá, Hương Lung, Sơn Tình huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Khởi công tháng 11/2013, dự kiến hoàn thành năm 2017. Xây dựng hệ thống xử lý nước sạch 3.550m3/ngđ để cung cấp cho 5.565 hộ dân thuộc địa phận 3 xã Hương Lung, Tạ Xá, Sơn Tình, huyện Cẩm Khê. Với nguồn kinh phí 86.032,135 đồng. Xây dựng 1 trạm xử lý nước mặt bao gồm: Cụm xử lý; bể chứa nước sạch; trạm bơm nước sạch; nhà quản lý; các hạng mục phụ trợ; hệ thống tuyến ống truyền tải, phân phối, dịch vụ; trạm biến áp cấp điện cho công trình.

Công trình cấp nước sinh hoạt xã An Đạo (huyện Phù Ninh) được khởi công năm 2013 với tổng kinh phí hơn 138 tỷ đồng. Công trình có công suất thiết kế 10.000m3/ngđ cấp nước sinh hoạt cho 45 nghìn dân của 7.300 hộ dân trong vùng dự án thuộc các xã: An Đạo, Bình Bộ, Tử Đà, Tiên Du, Hạ Giáp, Vĩnh Phú và một phần xã Trị Quận và kết nối với hệ thống cấp nước xã Phú Nham (huyện Phù Ninh). Do có sẵn trạm cấp nước của Cty CP Cấp nước Phú Thọ nên các dự án không phải xây dựng công trình đầu mối mà chỉ xây dựng hệ thống cấp nước cho các đối tượng thụ hưởng. Hiện nay cả hai hệ thống đường dẫn nước của các dự án đã được Sở NN&PTNT Phú Thọ bàn giao cho Cty CP Cấp nước Phú Thọ tiếp nhận, bảo trì khai thác.

Cán bộ dự án nước sạch của Sở NN&PTNT Phú Thọ kiểm tra chất lượng nước.

Phương thức này trước mắt giúp tiết kiệm đầu tư chung: Nhà nước, người dân và DN đều được hưởng lợi nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ như: Năm 2015, lần đầu tiên Sở NN&PTNT Phú Thọ triển khai dự án nước sạch nông thôn đồng bộ từ nhà máy đến vòi nước từng hộ gia đình, hệ thống cấp nước sạch tại xã Trung Nghĩa, mạn Tây Bắc huyện Thanh Thủy với ngân khoản hơn 122 tỷ đồng từ vốn vay Ngân hàng Thế giới (World Bank). Công trình dự kiến hoàn thành năm 2017 được đầu tư đồng bộ, tiêu chuẩn kỹ thuật và thiết bị kỹ thuật của Đức: Trạm bơm nước thô, trạm xử lý, mạng ống truyền tải đấu nối đến tận hộ gia đình, trạm biến áp 250KVA - 22(10)0,4KV và các công trình phụ trợ, nhà điều hành, nhà bảo vệ, kho, xưởng, sân, cổng, tường rào, cây xanh. Cấp 7.200m3 nước sinh hoạt/ngđ cho 5.673 hộ dân của các xã: Trung Nghĩa, Đồng Luận, Đoan Hạ, Hoàng Xá, Bảo Yên thuộc mạn Tả ngạn sông Đà.

Để có thể triển khai công trình này, Sở NN&PTNT Phú Thọ đã đầu tư đội ngũ cán bộ của dự án có trình độ chuyên môn tốt, đủ về số lượng, bảo đảm năng lực lập kế hoạch và quản lý; kỹ năng tư vấn và truyền thông; đánh giá toàn diện các dự án kể cả nghiên cứu khả thi; kỹ năng đánh giá nguồn nước và chuyển giao công nghệ… Song song với chú trọng đội ngũ cán bộ dự án, Sở NN&PTNT Phú Thọ đẩy mạnh truyền thông và giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường làm nền tảng.

Khuyến khích người dân tăng nhu cầu sử dụng nước sạch; hố xí hợp vệ sinh; sử dụng các giải pháp xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi, bao bì đựng hóa chất bảo vệ thực vật. Nâng cao nhận thức về nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn và sức khỏe, để tăng đầu tư xây dựng và đóng góp cho lĩnh vực cấp nước sạch và vệ sinh môi trường.

Đến năm 2017 dự án cấp nước cụm xã Trung Nghĩa sẽ hoàn thành và một đề toán mới cần lời giải: Theo tiền lệ, công trình sẽ được Sở NN&PTNT bàn giao cho Cty CP Cấp nước Phú Thọ quản lý và khai thác. Tình thế này dẫn đến 3 vấn đề cần giải quyết: 1 - Liệu Cty CP Cấp nước lúc đó có tiếp nhận công trình với bảo đảm trách nhiệm tài chính trả cho ngân hàng? 2 - Nếu họ tiếp nhận, thì trên địa bàn Phú Thọ chỉ có duy nhất họ là nhà cung cấp nước sạch. Là Cty CP Cấp nước, tránh sao được sự độc quyền? Nguy cơ thua thiệt ụp xuống đầu người dân là một hiện thực. 3 - Giữ công trình để Sở NN&PTNT quản lý vận hành thì quá nhiều bất cập với một cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chỉ 15 nhân viên quản lý dự án.

Hình thức đấu thầu quản lý các dự án nước sạch nông thôn sau khi hoàn thành đã từng được Phú Thọ tổ chức, nhưng tham gia sân chơi gập ghềnh vẫn đơn độc cầu thủ Cty CP Cấp nước Phú Thọ. Mà cầu thủ đội CP chắc thắng thì mới chơi.

Đã đến thời điểm Phú Thọ cần khai mở cơ chế dạng hóa thành phần đầu tư vào lĩnh vực nước sạch nông thôn. Hiện nay cả nước không có mô hình tối ưu nào thuộc lĩnh vực này để có thể làm hình mẫu áp dụng đại trà. Dù áp dụng cơ chế nào thì vẫn phải nhắm đến cái đích cuối: Mặt hàng nước sạch phải tuân theo quy luật thị trường, Nhà nước giữ vai trò quản lý. Mô hình nào cũng phải thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đảm bảo đúng định hướng của Chương trình mục tiêu quốc gia và chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Hiện tại Sở NN&PTNT Phú Thọ chủ động phối hợp các ngành hữu quan, đề xuất xây dựng các chính sách, cơ chế hoạt động phù hợp với đặc điểm tự nhiên về kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm đạt mục tiêu và hiệu quả cao nhất cả nước và vệ sinh môi trường nông thôn. Sở NN & PTNT quản lý các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước để lập dự án nhằm tranh thủ sự giúp đỡ, tài trợ cho lĩnh vực cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Tham gia thực hiện, phối hợp chương trình, dự án cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn do UNICEF, World Bank, các tổ chức quốc tế khác tài trợ với các chương trình kinh tế - xã hội ở địa phương. Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, lựa chọn các giải pháp kỹ thuật cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn phù hợp để áp dụng và phổ biến rộng rãi cho từng địa bàn nông thôn.

Phú Thọ minh bạch trong đấu thầu, đã quản lý căn cơ, vốn vay của World Bank đầu tư hiệu quả, bền vững vào các công trình cấp nước sạch cho khu vực nông thôn, góp phần không nhỏ thay đổi đời sống người dân nông thôn, sức khỏe bảo đảm, nếp sống văn minh ở một số khu vực thụ hưởng. Cơ quan chức năng, đã tham mưu chiến lược trong việc không sửa chữa các công trình nước sạch nông thôn bị sai lệch từ khâu thiết kế đến vị trí công trình. Chấp nhận “đau một lần” để có các công trình bền vững, không bị lãng phí tương lai.

Vai trò của Sở NN&PTNT giữ nhịp phấn đấu nâng tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 93,5% trong năm 2016. Thực hiện tốt các hoạt động truyền thông, giám sát đánh giá về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại 13 huyện, thành, thị. Chuẩn bị các dự án cấp nước mới chuẩn bị cho Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả tại 21 tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung bộ vay vốn World Bank.

Sở NN&PTNT đang thực hiện rất tốt quản lý và xây dựng các dự án Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Nhưng về chiến lược, Phú Thọ vẫn phải có cơ chế thỏa đáng xã hội hóa các dự án cấp nước ở khu vực đô thị cũng như nông thôn thì mới bảo đảm lợi ích lâu dài của người dân.

Nhưng với các xã vùng sâu vùng xa của Phú Thọ, để có nước sạch phục vụ người dân, tiền đề cho việc xây dựng nông thôn mới trách nhiệm Sở NN&PTNT ngày càng nặng nề, quyết liệt trong Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thì mới đặng thực thi được mục tiêu nước sạch hóa nông thôn 2020.

Tham Thiện

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/phu-tho-nan-giai-nuoc-sach-nong-thon-va-hieu-qua-von-vay-world-bank.html