Phú Thọ: Hệ lụy từ dự án 'treo'

Trong quá trình thực hiện đô thị hóa và phát triển kinh tế, tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy, đô thị… Tuy nhiên, nhiều dự án sau khi được cấp phép lại “để đó” hoặc bị thu hồi, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sinh hoạt của người dân xung quanh. Khu đô thị mới Bắc Việt Trì là một trong những dự án như thế.

Những ngôi nhà bị bỏ hoang tại khu dự án.

Dự án này được UBND tỉnh Phú Thọ triển khai thực hiện từ năm 2004 trên diện tích hơn 60ha của 100 hộ dân thuộc phường Vân Phú, thành phố Việt Trì. Mặc dù được người dân đồng thuận bàn giao đất song đến nay, dự án đã không tiếp tục được triển khai. Việc làm này đã gây rất nhiều khó khăn cho các hộ dân trong vùng dự án.

Trước hết, cần phải nói rằng Vân Phú xưa nay vốn là một xã nghèo, người dân sinh sống chủ yếu dựa vào hoạt động canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2003 tỉnh Phú Thọ đã thu hồi hơn 610.000m2 diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và giao đất cho Công ty CP Đầu tư xây dựng kỹ thuật Gia Bách xây dựng khu đô thị mới Bắc Việt Trì.

Nhờ công tác vận động tốt của chính quyền và ước mơ của người dân về một khu đô thị với không gian và môi trường sống lý tưởng, hiện đại, người dân nơi đây đã nhiệt tình ủng hộ. Chỉ 1 năm sau khi triển khai, người dân đã cơ bản bàn xong đất xong. UBND tỉnh Phú Thọ giao cho Công ty CP Đầu tư xây dựng kỹ thuật Gia Bách có trách nhiệm bồi thường và tổ chức giải phóng mặt bằng theo đúng tiến độ đầu tư, đúng quy hoạch dự án. Thế nhưng khi công tác bồi thường giải phóng mặt bằng mới chỉ thực hiện được một phần thì dự án ngừng hoạt động do thiếu vốn.

Năm 2012, sau gần chục năm “treo” dự án, UBND tỉnh đã thu hồi lại dự án bất động sản này. Việc dự án chấm dứt và bị thu hồi đồng nghĩa với việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư… đều dang dở.

Việc dự án bị thu hồi khiến hàng trăm hộ dân nơi đây rơi vào cảnh khốn khó. Họ không nhận được tiền đền bù, nhà cửa và đất đai cũng bị thu hồi. Không còn đất canh tác, nhiều gia đình muốn cho con đi xuất khẩu lao động nhưng cũng không thể thế chấp nhà cửa để vay vốn bởi… đã bị thu hồi cho dự án. Họ không thể xây cất, cải tạo nhà cửa đã xuống cấp, cũng không thể chuyển đến khu tái định cư mới. Tất cả chỉ vì cái dự án trên giấy.

Người dân nơi đây tỏ ra rất bức xúc khi họ sống trên đất của mình nhưng lại không phải là của mình về mặt pháp lý. Không còn quyền sử dụng đất của cha ông để lại. Nhiều nhà cửa được xây dựng từ lâu, có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, song cũng không thể sửa sang hay xây dựng lại dẫn đến tình trạng nhà bị bỏ hoang, sập sệ hoặc dột nát. Nhiều hộ đã phải di cư đến nơi khác, đi ở nhờ nhà anh em hoặc đi thuê trọ.

Chưa kể, ngày ngày nhìn đồng ruộng bỏ hoang, trong khi dân không có việc làm, cái nghèo cái đói bủa vây lại càng thêm xót xa. Hình ảnh về những ngày mùa tất bật tiếng máy cày, máy tuốt lúa, tiếng người dân trò chuyện khi đi làm đồng về hay những đồi sắn bội thu đã không còn có thể tìm thấy ở vùng đất này nữa.

Có thể thấy, hệ lụy từ những dự án “treo” và những dự án bị thu hồi là rất lớn. Nó không chỉ làm trì trệ quá trình phát triển của tỉnh, làm lãng phí diện tích đất nông nghiệp mà còn tác động xấu đến môi trường. Đồng thời khiến cho đời sống của người dân gặp vô vàn khó khăn. Thiết nghĩ, đầu tư xây dựng là việc làm không thể thiết trong quá trình phát triển, tuy nhiên đầu tư cần được chọn lọc và thực hiện có hiệu quả mới có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và nâng cao chất lượng đời sống người dân trong khu vực.

Nguyễn Nhung

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/hoi-_-dap/phu-tho-he-luy-tu-du-an-treo.html