Phụ nữ và bình đẳng giới

ND - Quyền bình đẳng giới của nước ta hiện đã có những tiến bộ vượt bậc, nhất là khi Luật Bình đẳng giới được đưa vào đời sống. Sự thể hiện rõ nhất về bình đẳng giới và cũng là điều đáng mừng nhất là trong giới doanh nhân ngày càng có nhiều nữ làm chủ doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực hoạt động khác nhau. Trong nhiều gia đình hiện đại và trí thức hiện nay, phụ nữ có quyền bình đẳng thật sự. Họ có điều kiện phát triển hết năng lực sở trường và được chia sẻ công việc gia đình.

Bản chất của bình đẳng giới được hiểu là sự tôn trọng, tạo điều kiện cho cả nam và nữ cùng phát triển, cùng nhau cống hiến nhiều nhất cho xã hội và đáp ứng các nhu cầu của cá nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, khái niệm về bình đẳng giới không phải ai cũng hiểu rõ. PGS, TS tâm lý học Nguyễn Hồi Loan cho rằng: Thật ra "bình đẳng giới" không có nghĩa là "nam nữ như nhau". Đó là một nhận thức sai lầm bởi mọi người quên rằng bản thân nam và nữ là hai chủ thể hoàn toàn khác nhau. Quan điểm "như nhau" vô tình "phủ nhận sạch trơn" giới tính mà giới tính vốn là tự nhiên, quyết định thiên chức. Thiên chức người nam khác người nữ. Chúng ta tạo bình đẳng không có nghĩa là không thừa nhận giới tính trong công việc gia đình và xã hội". Không thể phủ nhận sự tiến bộ trong nhận thức bình quyền, bình đẳng giữa nam và nữ trong xã hội hiện đại giúp phụ nữ tiến thân, làm chủ cuộc sống của mình. Cùng với sự tiến bộ của xã hội, phụ nữ ngày nay không còn là những người chỉ quanh quẩn với góc nhà, mảnh vườn. Họ có cơ hội học hành và tiến thân ngang với nam giới, có cơ hội bộc lộ hết năng lực của mình. Thực tế cho thấy, trên tất cả mọi lĩnh vực, phụ nữ đều có thể tham gia, thậm chí ở một số lĩnh vực, phụ nữ thực hiện tốt công việc hơn cả phái mạnh. Quyền được phát triển, phát huy năng lực nơi công sở của nữ giới là việc hoàn toàn đúng đắn. Mối quan hệ vợ chồng muốn bền vững và tốt đẹp, ngoài tình yêu còn cần một sự công nhận - bao gồm đánh giá đúng và tạo điều kiện phát huy - năng lực của nhau. Bình đẳng giới không phải đề cao lối sống thực dụng "tiền anh, anh tiêu, tiền tôi, tôi tiêu", đề cao chủ nghĩa cá nhân, chối bỏ các chuẩn mực tốt đẹp của gia đình trong bối cảnh nền kinh tế thị trường. Điều này dẫn tới tình trạng đời sống gia đình hiện nay luôn tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn với mức độ ngày càng phức tạp và diễn biến dưới nhiều hình thức.Tình trạng ngoại tình, kết hôn bất hợp pháp, bạo lực gia đình, ly thân, ly hôn đang có chiều hướng gia tăng. Các kiểu sống gia đình không bình thường so với lối sống truyền thống đang nảy sinh và trở thành vấn đề xã hội nan giải như sống chung không kết hôn, không muốn sinh con, lối sống thử, sống độc thân hoặc kết hôn đồng tính mà hậu quả của nó để lại nhiều tiêu cực cho xã hội. Nhưng cho đến hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu lại đưa ra những bằng chứng cho rằng người phương Tây đang muốn "du nhập" những ưu thế của mô hình gia đình truyền thống của người phương Đông. Điều đó chứng tỏ rằng mỗi kiểu gia đình có những ưu điểm nhất định. Theo truyền thống phương Đông, người phụ nữ là "cái sân sau" của người đàn ông, là ngọn lửa giữ gìn mái ấm gia đình, là người "nâng khăn, sửa túi" cho chồng. Đức hy sinh là một trong những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Trải qua bao đời nay, người phụ nữ Việt Nam dường như đã quen với việc hy sinh cho người khác lấy sự thành đạt của chồng, con là hạnh phúc của mình. Sự hy sinh ấy là sự tự nguyện, lâu dần thành nếp nghĩ của cả hai giới. Ngày nay, vai trò của phụ nữ thay đổi nhiều. Người phụ nữ hiện đại "nặng gánh hai vai", vừa phải làm tốt các công việc xã hội, vừa đảm nhiệm vai trò làm vợ, làm mẹ. Do đó, càng phải nỗ lực và hy sinh bản thân mình. Theo PGS, TS Lê Ngọc Văn (Viện Gia đình và giới): " Bất bình đẳng giới trong gia đình Việt Nam không quá căng thẳng và quyết liệt phải đấu tranh "một mất một còn". Ở nước ta cả hai giới giải quyết mâu thuẫn theo phương thức "thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn".

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=154909&sub=127&top=39