Phụ nữ trên quê hương núi Đôi giúp nhau phát triển kinh tế

Trong câu chuyện về xây dựng Nông thôn mới, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Quản Bạ, Ngô Thị Minh, hồ hởi giới thiệu về những tấm gương điển hình phụ nữ ở vùng Cao nguyên đá đang phát triển kinh tế gia đình hiệu quả. Từ những đôi bàn tay đảm đang, nhiều mô hình kinh tế, cách làm hay được chị em truyền nhau nhân rộng.

Mô hình chăn nuôi lợn ở xã Thanh Vân (Quản Bạ).

Quản Bạ là một trong những huyện nghèo ở Cao nguyên đá, trước đây, đời sống của phần lớn bà con còn nghèo khó do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế. Thế nhưng, trong vài năm gần đây, đời sống của các hộ đã khá hơn xưa, nhất là trong hội viên, phụ nữ. Đến thăm gia đình chị Giàng Thị Vàng ở thôn Ma Hồng, xã Thanh Vân, là một trong những hộ đi đầu trong việc vay vốn phát triển sản xuất.

Chị Vàng, cho biết: “Từ khi được Hội Phụ nữ vận động vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, tôi đã vay vốn mua lợn giống về chăn nuôi và dần phát triển thành đàn lợn như hiện nay. Hàng năm đều có 3 lứa lợn xuất chuồng, mỗi lứa từ 14 – 17 con. Ngoài ra, nhà tôi còn nuôi bò sinh sản, nuôi bồ câu để tăng thêm thu nhập. Bây giờ nhà tôi đã thoát nghèo, thu nhập trung bình khoảng 100 triệu đồng/năm”. Vui mừng kể cho chúng tôi về thành tích của chị em, chị Mua là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thanh Vân chia sẻ, ở xã có nhiều hội viên thực hiện mô hình chăn nuôi lợn, bò hiệu quả làm tăng thu nhập gia đình.

Chị em phụ nữ ở vùng cao chiếm đến trên 50% lực lượng lao động sản xuất chính. Trong những năm qua, bằng sự đảm đang, tần tảo của mình, các chị đã tích cực áp dụng KHKT vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như: trồng giống lúa mới, ngô lai, đậu lai, dược liệu... Các chị cũng có những đóng góp quan trọng trong khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống là dệt lanh ở xã Lùng Tám, Cán Tỷ, Quản Bạ.

Nhạy bén với thị trường, nhiều hội viên nắm bắt được cơ hội phát triển kinh tế từ kinh doanh dịch vụ nhờ lợi thế là một huyện cửa ngõ nằm trên Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, nơi thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan.

Nhiều loại dịch vụ đang phát triển như: may thêu trang phục dân tộc dao; trồng và sản xuất dược liệu phục vụ khách du lịch thăm quan Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm; bán hàng nông sản, dược liệu, cho thuê trang phục dân tộc phục vụ khách du lịch thăm quan Động Lùng Khúy, Đền Bình An, Miếu Làng Đán, xã Quyết Tiến... Ngoài ra, nhiều chị còn phát triển các mô hình kinh doanh vừa và nhỏ, xây dựng nhà nghỉ, mở cửa hàng dịch vụ ăn uống.

Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện, Ngô Thị Minh, chia sẻ: “Thực hiện Nghị quyết của huyện Hội cũng như của Hội Phụ nữ tỉnh về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Trong những năm qua, Hội Phụ nữ huyện đã bám sát Nghị quyết để xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cấp hội nắm bắt tình hình đời sống của hội viên; giúp đỡ nhau bằng ngày công lao động, cây, con giống...

Ngoài ra, Hội còn tuyên truyền, vận động hộ nghèo mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, xây dựng các mô hình như: Làm phở khô, trồng mía ở xã Đông Hà, trồng rau sạch ở xã Quyết Tiến, thị trấn Tam Sơn, nuôi lợn, nuôi chim bồ câu... Hội tín chấp với Ngân hàng CSXH đứng ra vay vốn cho chị em là hộ nghèo, Hội đang quản lý 52 tổ vay vốn tín dụng với số tiền là 55 tỷ đồng, hơn 1.900 thành viên. Tổng số hội viên được tiếp cận với các nguồn vốn là trên 10 nghìn lượt người. Với 80% hội viên được giúp đỡ thoát nghèo bằng nhiều hình thức; số hộ thoát nghèo bền vững là 166 hộ”.

Có được kết quả như trên là nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự linh hoạt của tổ chức Hội các cấp. Quan trọng nhất là sự nỗ lực làm giàu của hội viên, phụ nữ đã góp phần vào việc nâng cao đời sống, hoàn thành nhiệm vụ, phong trào Hội trong những năm qua.

Theo Lê Hải (Báo Hà Giang)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/phu-nu-tren-que-huong-nui-doi-giup-nhau-phat-trien-kinh-te-721258.html