Phụ nữ đừng níu kéo một cuộc hôn nhân như thế này

Những kiểu hôn nhân sau đây thật sự không đáng để bạn phải níu kéo, bởi vì có cố gắng mấy cũng khó bền vững.

Ảnh minh họa.

Hôn nhân không tình yêu

Rất nhiều phụ nữ đã sai lầm khi cho mình chấp nhận ở lại bên chồng dù đã hết yêu chồng, tất cả là vì tương lai của con cái. Có lẽ phái yếu là người sống tình cảm nên họ rất sợ để con trẻ bị tổn thương về tình cảm (thiếu vắng tình thương của cha hoặc của mẹ), không có đầy đủ điều kiện để phát triển. Nhưng thực tế là trẻ em đủ nhạy cảm để nhận ra cha mẹ chúng không hạnh phúc với nhau.

Thay vì tiếp tục cuộc hôn nhân không tình yêu, bạn cần chia sẻ thẳng thắn tình trạng hôn nhân của mình với con. Chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên trước sự hiểu biết và khả năng thích nghi cũng như sự trưởng thành của chúng trong điều kiện thiếu hụt tình cảm và sự chăm sóc của cha hoặc mẹ.

Cuộc hôn nhân đầy bạo lực

Đàn ông khi theo đuổi cô gái mà anh ta nhắm đến luôn thể hiện những ưu điểm và sự nhẫn nại ghê gớm. Tuy nhiên, khi đã là vợ là chồng, rất nhiều anh chàng sẽ biến thành một con người khác.

Anh ta luôn cư xử với vợ như mình là một kẻ chiến thắng, đã chinh phục và sở hữu “con mồi”. Lúc này, những quan điểm bất đồng hoặc vài tính khí ở người vợ hoàn toàn có thể trở thành cái cớ để kích động sự phẫn nộ và thói bạo lực của người chồng.

Đàn ông không ít người bản chất rất giả tạo, anh ta vốn là kẻ ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân là trên hết nên khi đã kết hôn thường sẵn sàng tổn thương người phụ nữ của mình cả tinh thần lẫn thể xác. Kỳ thực, đây là kiểu hôn nhân không đáng để phụ nữ phải hy sinh và níu kéo.

Cuộc hôn nhân vì sĩ diện

Tình yêu và hôn nhân giống như đôi giày, chỉ có bản thân người trong cuộc mới biết rõ có phù hợp hay không.

Rất nhiều phụ nữ lại xem tình yêu như sĩ diện của chính mình, là một “tấm gương” để người khác nhìn vào phải ngưỡng mộ, bất kể thực sự họ có hạnh phúc với tình yêu và hôn nhân đó hay không.

Khi bạn cố gắng duy trì cuộc hôn nhân như cách để tăng thêm cái tôi của mình thì cũng đồng nghĩa bạn không có trách nhiệm với bản thân. Thậm chí, khi người chồng lạnh nhạt và đề nghị chia tay, bạn vẫn cố bám víu cuộc hôn nhân đau khổ này vì không muốn mất thể diện.

Hôn nhân vì sợ dư luận

Bạn không thể sống cả đời chỉ để lo lắng về dư luận. Một trong những lý do phổ biến khiến phụ nữ duy trì cuộc hôn nhân này là bởi họ quá lo lắng về điều tiếng mà mọi người sẽ nói về mình. Điều này xảy ra chủ yếu trong trường hợp các cặp vợ chồng vốn được coi là "cặp đôi hoàn hảo" trong mắt người khác. Bạn nghĩ mọi người xung quanh sẽ rất sốc nếu vợ chồng bạn chia tay và điều đó khiến bạn xấu hổ.

Các chuyên gia tâm lý cảnh báo, nếu bạn cứ mãi lo lắng về dư luận xung quanh cuộc hôn nhân của mình, bạn sẽ không bao giờ thoát ra được. Bạn sống là cho chính mình, hạnh phúc hay đau khổ thì bố mẹ bạn cũng không được hưởng thay bạn. Đừng vì những lời lẽ của người ngoài mà sống gượng ép hoặc cố duy trì cuộc sống không như mong đợi. Muốn giải thoát mình và tìm thấy hạnh phúc, cách duy nhất là mạnh dạn chấm dứt cuộc hôn nhân này.

Cuộc hôn nhân 'ngoại tình'

Tình yêu và hôn nhân rất tự tư, lại cũng rất vô tư. Tự tư là người này luôn đòi hỏi người kia phải nhất mực thủy chung, thậm chí có người còn kiểm soát quá mức đối phương. Vô tư là chỉ một người có thể vì nửa kia mà sẵn sàng cho đi, sẵn sàng hy sinh mà không hề có toan tính hay cần phải nhận về điều gì.

Song, cho dù là tự tư hay vô tư thì trong cuộc sống vợ chồng cũng không cho phép sự phản bội. Ở đây không có nghĩa là bạn sống mà không hề có lòng bao dung, tha thứ khi đối phương phạm sai lầm. Tuy nhiên, bạn cần sáng suốt để biết lúc nào có thể thứ tha, lúc nào nên lựa chọn chia tay.

Đàn ông có thể vì nhiều lý do mà có mối quan hệ ngoài luồng, nếu anh ta kịp thời nhận sai và có thiện chí sửa đổi thì cũng đáng để bạn khoan dung và gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Nhưng nếu người chồng vẫn “ngựa quen đường cũ”, thậm chí là công khai đi lại với người phụ nữ khác thì sự nhẫn nhục và chịu đựng của bạn không hề có ý nghĩa gì. Nếu bạn vẫn cố níu giữ thì chính anh ta sớm muộn cũng chủ động đề nghị ly hôn.

Cuộc hôn nhân không có hy vọng

Hôn nhân thường được ví như sinh mệnh thứ hai của con người. Ngoài chức năng “nối dõi tông đường” còn có ý nghĩa quan trọng hơn, đó là nâng cao chất lượng và ý nghĩa cuộc sống.

Trong hôn nhân, hy vọng của cá nhân luôn có liên hệ chặt chẽ với hy vọng của cả một tổ ấm. Bất luận là người chồng hay người vợ đều phải nỗ lực phấn đấu vì bản thân và gia đình mình. Đặc biệt là người đàn ông đương nhiên phải đóng vai trò chính trong chuyện chăm lo cuộc sống gia đình.

Sự chân thành, nhiệt tình và nhẫn nại của người đàn ông là tiền đề khắc phục những khó khăn, áp lực trong hôn nhân. Nếu anh ta không hề cố gắng hoặc “phó thác” mọi gánh nặng cho người vợ thì cuộc sống gia đình sẽ trở nên khập khiễng, không có tương lai mong đợi.

Yên Hoa (tổng hợp)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/phai-dep-c-86/gia-dinh-thoi--c-151/phu-nu-dung-niu-keo-mot-cuoc-hon-nhan-nhu-the-nay-59534.html