Phụ nữ châu Á chung tay vì bình đẳng giới đúng nghĩa

Hội nghị "Giới và Quyền công dân của phụ nữ Châu Á" thảo luận cách để tiến tới bình đẳng giới thực chất.

Sáng 1/12, tại Trường Đại học Thăng Long, Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (INGAD), Trung tâm hỗ trợ phát triển vì phụ nữ và trẻ em phối hợp với Hiệp hội Nghiên cứu Phụ nữ Châu Á (AAWS), Trường Đại học Thăng Long, Quỹ Văn hiến Việt Nam và một số cơ quan trong nước và quốc tế tổ chức Hội nghị Khoa học Quốc tế lần thứ 4: "Giới và Quyền công dân của phụ nữ Châu Á".

Phát biểu tại Hội nghị, bà Grace Javier Alfonso, Chủ tịch Hiệp hội AAWS cho biết, có những câu chuyện và bằng chứng dựa trên những thực tiễn thường bị thay đổi, ruồng bỏ hay đôi khi là che giấu trong im lặng đã được ghi nhận lại và gửi đi vì những nỗ lực nhân văn.

Bà Grace Alfonso phát biểu tại Hội nghị.

Hội nghị Giới và Quyền công dân châu Á lần này đưa ra các ý tưởng cần được phát triển, dịch chuyển nhiều hơn nữa, sự tiếp cận của phụ nữ đang được mở rộng và tạo thêm nhiều không gian cho phụ nữ, thông qua hình thức đối thoại văn hóa trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng.

Theo GS.TS. Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và Phát triển (INGAD) khẳng định đây là sự kiện vô cùng quan trọng, đánh dấu bước phát triển của không chỉ các nhà khoa học ở lĩnh vực phụ nữ, mà còn là hành động của phụ nữ châu Á trong tiến trình đấu tranh cho bình đẳng giới.

"Hiện nay, câu chuyện bất bình đẳng giới vẫn diễn ra ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, ở các mức độ khác nhau. Điều này đã ngăn cản chúng ta tiến tới xây dựng một xã hội văn minh, phát triển và công bằng" - GS.TS. Lê Thị Quý nhấn mạnh.

GS.TS. Quý cho rằng, hội nghị sẽ tạo điều kiện để khẳng định quyền lợi, tiếng nói chính đáng và hợp pháp cho phụ nữ, gắn kết và gia tăng các cuộc đối thoại văn hóa của họ trong việc cải thiện chính sách, xóa bỏ các phong tục lạc hậu đang đè nặng lên cuộc đời họ để tiến tới bình đẳng giới thực chất.

Hội nghị Khoa học Quốc tế năm nay có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, học giả, nhà tổ chức, thành viên quản lý và học viên từ các nước Hàn Quốc, Philippines, Malaysia, Mỹ, Ấn Độ, Indonesia, Đài Loan, Thái Lan, Netherlands, Bangladeh, Lào, Myanmar, Pakistan và Việt Nam.

Một trong những sự kiện của Hội nghị lần này là việc trình bày các dự án hợp tác nghiên cứu giữa các nhà nghiên cứu của Hàn Quốc và 10 quốc gia thành viên ASEAN thông qua Hợp tác ASEAN- Hàn Quóc về Giáo dục và Chương trình Trao đổi cho các Học giả trẻ trong nghiên cứu về phụ nữ, gọi tắt là KACP.

INGAD là tổ chức phi chính phủ, thực hiện các hoạt động và nghiên cứu vì bình đẳng giới thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học- Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). INGAD là nơi hội tụ của rất nhiều các nhà nghiên cứu tích cực và quyền lợi của Phụ nữ Việt Nam nhằm đóng góp vào sự phát triển của các chính sách, luật lệ và cải thiện đời sống của phụ nữ theo hướng bình đẳng giới.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/gia-dinh/phu-nu-chau-a-chung-tay-vi-binh-dang-gioi-dung-nghia-3324142/