Phu nhân Thủ tướng Nhật Bản bị mang tiếng vì vụ bê bối đất công

Bà Akie, vợ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phải từ chức “hiệu trưởng danh dự” của một trường tư nhân sau vụ tranh cãi về chuyện trường này mua được đất công với giá rẻ.

Vợ chồng Thủ tướng Abe - Nguồn AP

Theo hãng tin AP, ông Abe đã báo cáo Quốc hội Nhật hôm 24.2 rằng vợ ông đã rút khỏi chức danh trên. Lời xác nhận của ông đến sau sự ủng hộ của bà Akie được rút khỏi trang web của trường.

Nhưng ông Abe nói ông biết vợ giữ một chức danh của trường. Ông bà đã nói chuyện với nhau “sau những diễn biến xung quanh vụ việc”, và ông gởi lời phản đối việc trường đã sử dụng tên tuổi của ông trong một đơn tặng, bất chấp việc ông đã liên tục khẳng định không chấp nhận việc này.

Dạy trẻ mầm non hận thù

Ngôi trường “Đất Lúa” (Mizuho no Kuni) ở tỉnh Osaka, có số diện tích 8.770 mét vuông được bán hồi tháng 6.2016 với giá 134 triệu yen (1,2 triệu USD). Lô đất được định giá 956 triệu yen và một lô đất kế cận có diện tích tương đương được bán giá 1,4 tỉ yen hồi năm 2010.

Ông Abe nói ông và vợ đều không hề tác động về vụ mua đất này. Ông báo cáo với Quốc hội Nhật rằng ông sẵn sàng từ chức thủ tướng và chức nghị sĩ, nếu như có chứng cứ vợ chồng ông có liên quan vụ mua đất.

Chủ tịch của trường này là Yasunori Kagoike, một người có quan điểm dân tộc chủ nghĩa cực đoan, rất ủng hộ những quan điểm chính trị của ông Abe.

Điều hành trường là Công ty giáo dục tư nhân Moritomo Gakuen. Công ty này cũng mở nhà trẻ Tsukamoto với một chương trình giảng dạy giống như thời Nhật trước Thế chiến 2, tức là truyền bá tinh thần yêu nước cho các cháu mầm non từ 3 đến 5 tuổi. Thế hệ được khuyến khích “hãy can đảm hy sinh cho đất nước”.

Công ty cũng tính mở chương trình giảng dạy tương tự ở trường “Đất Lúa” vốn dự tính đi vào hoạt động từ tháng 4 tới, nếu có sự cho phép của chính quyền tỉnh Osaka.

Trường “Đất Lúa” cùng ông Kagoike cũng bị chú ý, vì một thông điệp gởi đến phụ huynh các cháu mầm non, mang nội dung chỉ trích, chê bai người Hàn Quốc và Trung Quốc đang sống ở Nhật. Những thông điệp bài bác tương tự cũng được đưa lên trang web của nhà trẻ.

Hồi tháng 1.2016, các quan chức chính quyền Osaka đã phải yêu cầu trường giải trình vì có những tư tưởng kích động hận thù này, sau đó ban giám hiệu xin lỗi.

Ngày 20.2, ông Kagoike trả lời phỏng vấn của kênh radio TBS, nói ông chẳng làm gì sai phạm: “Tôi cho rằng giới truyền thông không bảo thủ và thế lực chính trị thù địch đang toan tính bóp nát kế hoạch của trường là đề cao sự tôn trọng truyền thống, lịch sử”.

Bà Abe đồng ý trở thành “hiệu trưởng danh dự” của trường sau một chuyến thăm nhà trẻ Tsukamoto được truyền hình trực tiếp hồi tháng 5.2015. Tại nhà trẻ, bà nói với phụ huynh các cháu: “Chồng tôi cũng nghĩ chủ trương giáo dục ở đây tuyệt vời”.

Trong một thông điệp viết trên trang web của trường, bà Abe khẳng định bà rất ấn tượng với “đam mê giáo dục” của ông Kagoike, và tinh thần giáo dục của trường nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc cũng như tính kỷ luật mạnh mẽ của trẻ em. Thông điệp này cùng ảnh bà đã được rút hôm 23.2.

Đệ nhất phu nhân thành “biển quảng cáo”

Vụ tai tiếng mua đất giá rẻ bùng nổ ở kỳ họp Quốc hội Nhật, các nghị sĩ phe đối lập đã triệu tập các quan chức Bộ Giáo dục và Bộ Tài chính để yêu cầu họ giải trình vì sao trường được mua đất giá rẻ.

Nghị sĩ Masato Imai (đảng Dân chủ, đối lập) nói với các nhà báo rằng vụ mua bán đất này phải bị điều tra làm rõ, vì đó là dân đóng thuế. Bà nói: “Với chức danh hiệu trưởng danh dự, bà Abe là “biển quảng cáo” cho một ngôi trường có nhiều vấn đề. Chúng tôi xác định bà ấy ít ra gánh một phần trách nhiệm gián tiếp, nếu không là trực tiếp”.

Nobutaka Sagawa, một quan chức Bộ Tài chính phụ trách giám sát mua bán đất công, đã báo cáo Quốc hội Nhật rằng đã phát hiện rác thải công nghiệp trên khu đất, sau khi định giá bán và đã khấu trừ chi phí làm sạch. Ông nói không hề có sự can thiệp chính trị vào tiến trình mua-bán.

Các quan chức nói việc dọn dẹp rác thải không phải là bắt buộc, và họ không thể xác định trường đã tiến hành dọn dẹp rác thải hay chưa.

Trong một tuyên bố, ban giám hiệu trường nói họ chẳng hưởng sự ưu ái nào, và phải chi hàng triệu yen để dọn dẹp rác rưởi khỏi lô đất.

Chờ xem thái độ của người dân

Dù vụ tai tiếng không đe dọa chính phủ Abe, nhưng một hợp đồng mua bán đất công có vẻ ưu đãi công ty giáo dục Morimoto Gagkuen (nơi bị chỉ trích theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan) có thể làm ông Abe mất uy tín.

Ông Abe từng đột ngột từ chức Thủ tướng Nhật (2006-2007) với lý do bị bệnh, nhưng cũng vì chính phủ của ông vướng nhiều tai tiếng.

Ở lần thứ hai làm Thủ tướng Nhật, ông Abe đã giảm bớt sự thể hiện tinh thần dân tộc chủ nghĩa, nỗ lực hướng sự chú ý vào kinh tế.

Nhà phân tích chính trị Matatoshi Honda, cũng là giáo sư đại học Kinjo, nói: “Đấy là tai tiếng đầu tiên đụng đến cá nhân ông Abe trong 4 năm qua. Đó sẽ là một thách thức lớn. Do ông ấy có liên quan với trường. Vấn đề chính là người dân sẽ cảm nhận thế nào về vụ này”.

Ông Abe hiện có tỉ lệ được tín nhiệm cao 58% trong các cuộc thăm dò dư luận, điều cực hiếm xảy ra với một lãnh đạo Nhật sau 4 năm giữ chức.

Một điều giúp ông Abe được tín nhiệm cao là ông tránh có những tuyên bố thể hiện dân tộc chủ nghĩa vốn từng gây rắc rối cho ông hồi trước đây.

Ví dụ từ năm 2013, ông Abe tránh viếng Đền Yasukuni, nơi tưởng niệm các tội phạm chiến tranh. Nhưng quan điểm bảo thủ của ông, cùng vụ vợ làm “hiệu trưởng danh dự” là một ví dụ cho thấy ông tiếp tục phát tín hiệu ủng hộ chủ trương giáo dục của công ty Moritomo.

Kim Hương (theo AP, Financial Times)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/phu-nhan-thu-tuong-nhat-ban-bi-mang-tieng-vi-vu-be-boi-dat-cong-57360.html