Phóng viên 'chiến trường'ở AFF Cup

Ở bất cứ giải đấu nào, phóng viên Việt Nam cũng góp mặt với lực lượng hùng hậu và rất tinh nhuệ. Nói như dân trong nghề, thì họ đều là những “chiến tướng” ra trận. Tại AFF Cup năm nay, những phóng viên chiến trường đã phải lăn lộn, vất vả, đổ mồ hôi, sôi nước mắt chẳng kém gì các cầu thủ. Họ vẫn đang từng ngày có mặt ở bất cứ điểm nóng nào để gửi những thông tin nóng hổi nhất về đội tuyển Việt Nam.

Có mặt ở mọi điểm nóng.

Tác nghiệp nước ngoài sợ nhất điều gì?

Tại AFF Cup năm nay, theo thông báo của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, đã có khoảng hơn 100 phóng viên đăng ký làm thẻ tác nghiệp. Tuy nhiên, thực tế thì chỉ có khoảng 50-60 phóng viên Việt Nam theo chân ĐTVN tại vòng bảng AFF Cup (Myanmar) và khoảng 20 phóng viên sang Indonesia để theo đội tuyển trận bán kết lượt đi.

Dù không lên đường với số lượng như đăng ký thẻ tác nghiệp, nhưng lực lượng phóng viên Việt Nam thuộc dạng “khủng” ở AFF Cup 2016. Thậm chi giới truyền thông Việt Nam còn áp đảo về số lượng với các đồng nghiệp nước chủ nhà Myanmar, còn với Malaysia và Campuchia thì hơn nhiều lần.

Với rất nhiều tờ báo thể thao, nhiều báo điện tử, các đài truyền hình, đài phát thanh, trang tin… có thể dễ hiểu vì sao phóng viên Việt Nam lại đông đảo như vậy. Đông nhưng cũng rất tinh, cánh “săn tin” đều là những tay bút thiện chiến, cực năng động, bản lĩnh để sẵn sàng đối phó với mọi sự cố khi đi tác nghiệp ở nơi đất khách quê người.

Tất nhiên, dù đều là những Nhà báo, phóng viên có nhiều kinh nghiệm, trải qua hàng chục chuyến công tác nước ngoài, nhưng khi được hỏi rằng họ sợ nhất điều gì khi xa nhà, hầu như ai cũng có câu trả lời chung: Tắc đường, internet, khách sạn và nhiều vấn đề khác.

Nói đến tắc đường, một đồng nghiệp của chúng tôi đã phải “lắc đầu lè nưỡi” khi kể lại những chuyến tác nghiệp tại Jakarta (Indonesia) hay Bangkok (Thái Lan). Tại hai thành phố này, nạn tắc đường thực sự đáng sợ. Vì thế, mỗi khi ra sân hay theo đội tuyển tới các địa điểm tập luyện, các phóng viên thường phải di chuyển sớm trước 1-2 tiếng.

Còn tại Yangon – cố đô của Myanmar, tắc đường cũng đang dần trở thành “đặc sản”. Yangon không có những con đường to, rộng và cầu trên cao như ở Bangkok, nhưng xe ô tô lại tăng một cách chóng mặt. Thành phố này cấm xe máy trong phạm vi bán kính 20km từ trung tâm, nhưng tắc đường vẫn thường xuyên xảy ra, nhất là vào những khung giờ cao điểm.

Phóng viên bị đội Malaysia từ chối tác nghiệp.

ĐTVN khi còn ở Yangon mỗi khi di chuyển luôn cần xe cảnh sát dẫn đường, nhưng có những hôm vẫn bị tắc đường tới cả tiếng đồng hồ. Còn với các phóng viên, họ giải quyết nỗi sợ kẹt xe bằng cách thuê khách sạn ở gần địa điểm thi đấu hay gần khách sạn đội tuyển, để dễ tác nghiệp và theo bám thông tin.

Tuy nhiên, vấn đề thuê khách sạn không hề đơn giản giống như ở Việt Nam. Khó khăn lớn nhất vẫn là mức giá khá “chát”, lên tới 70-80 USD/ngày. Đắt đã đành, khi ĐTVN di chuyển gần 400km từ Yangon xuống thủ đô mới Nay Pyi Taw, cánh phóng viên Việt Nam còn không thuê được khách sạn gần sân, mà chấp nhận ở rất xa, lên tới vài chục km.

Một nỗi “ác mộng” nữa của các phóng viên là dịch vụ mạng internet. Nếu như ăn khổ, ở đắt, di chuyển xa đều có thể khắc phục và chịu được, thì việc không có wifi hay 3G sẽ là một “thảm họa” thực sự. Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi đã không thể gửi hình ảnh, video, clip hay đơn giản chỉ là những bài viết về nhà, vì internet tại Myanmar không ổn định. Tất nhiên, ai cũng phải mua gói 3G, 4G để “phòng thân”, nhưng đi kèm với sự đầu tư này là một khoản tiền không hề nhỏ.

Cuối cùng, nỗi sợ lớn nhất của phóng viên Việt Nam chính là mất trộm hay gặp cướp trên đường. Thường thì mỗi phóng viên khi đi tác nghiệp thường đeo balo lỉnh kỉnh, đựng máy ảnh, máy tính, thậm chí là cả tiền và giấy tờ. Chỉ cần sơ sểnh là tất cả những thứ giá trị này sẽ “bốc hơi”.

Xe chở ĐTVN cũng thường xuyên bị tắc đường.

Khốn khổ vì chuyện “tập kín”

Trong những ngày ĐTVN không thi đấu, thì những buổi tập của thầy trò HLV Hữu Thắng chính là trọng tâm của một ngày làm việc với giới truyền thông. Tuy nhiên, dù mất nhiều công sức, thời gian bám theo đội tuyển ra sân, nhưng khi đến các phóng viên nhận được thông báo mà ai cũng chán nản: “Báo chí chỉ được phép tác nghiệp trong 15 phút đầu, sau đó ĐTVN sẽ tập kín”.

15 phút đầu của ĐTVN có gì? Đó chỉ là những bài khởi động, chạy chậm và thậm chí là đứng cười đùa với nhau. Trong 15 phút ấy, các phóng viên cũng chẳng khai thác được điều gì, tất cả đành ngồi giữa trời nắng hay ra phía ngoài sân chờ buổi tập kết thúc.

Có những phóng viên thậm chí đã thuê khách sạn gần sân tập, gần nơi đóng quân của đội tuyển để tiện theo dõi thông tin của thầy trò Hữu Thắng. Thế nhưng, việc HLV xứ Nghệ liên tiếp “cấm cửa” đã khiến cho giới truyền thông Việt Nam trên đất Yangon không khỏi… nản lòng.

Khổ nhất là chuyến theo đội tuyển từ Yangon đi Nay Pyi Taw ở trận cuối vòng bảng gặp Campuchia. Từ sáng sớm các phóng viên đã phải ra bến xe để di chuyển gần 400km tới Nay Pyi Taw. Tại đây, sân tập cách xa tới vài chục km và HLV Hữu Thắng lại yêu cầu được tập kín.

Không chỉ HLV Hữu Thắng, các đối thủ của ĐTVN cũng rất “cảnh giác” với giới truyền thông Việt Nam. Chúng tôi còn nhớ ở môt buổi tập của Malaysia, sau khi biết phóng viên Việt Nam theo dõi, HLV Ong Kim Swee của đội tuyển Malaysia đã yêu cầu tất cả phải rời sân. Ở buổi tập sau đó đội bóng này thậm chí còn cử người đứng canh cổng vào sân, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Tất nhiên, dù bị chính đội nhà và các đối thủ cấm tác nghiệp, thì bằng cách này hay cách khác, các phóng viên Việt Nam vẫn có được những thông tin chính xác, hấp dẫn gửi về quê nhà. Đó là kinh nghiệm của những phóng viên chiến trường, là may mắn và trên hết là cái tình của những đồng nghiệp nơi đất khách quê người mà người viết sẽ kể lại dưới đây…

Phóng viên Việt Nam luôn đông đảo.

Tình đồng hương

Sự có mặt của phóng viên ở bất cứ nơi nào đội tuyển đến đã là chuyện rất bình thường, nhưng phóng viên Việt Nam còn tỏa đi khắp các sân để “do thám” đối thủ của ĐTVN, khiến các đồng nghiệp cũng phải nể phục.

Đó là câu chuyện của khoảng hơn 20 phóng viên Việt Nam sang Indonesia tác nghiệp trận bán kết lượt đi giữa đội chủ nhà với ĐTVN. Dù BTC chuyển địa điểm thi đấu về một nơi khá xa, cách thành phố gần 70km, nhưng ngay buổi tập đầu hầu hết các phóng viên Việt Nam đã có mặt.

Trên mạng facebook, những phóng viên tác nghiệp ở AFF đã lập một “hội kín”. Ở đó, những vấn đề công việc, về địa điểm tập luyện, thi đấu… được các phóng viên Việt Nam chia sẻ. Tất cả đều có những thông tin chính xác nhất và bất cứ thành viên nào gặp khó khăn, đều nhận được sự giúp đỡ tích cực.

Anh đồng nghiệp của tôi để quên điện thoại ở trên taxi, thì ngay hôm sau đã được một phóng viên Báo khác cho mượn để tác nghiệp. Rồi một phóng viên quên chiếc mũ ở khách sạn đội tuyển, cũng được thông báo và nhờ người giữ hộ…Ngoài công việc ra, thông tin về địa điểm ăn uống, shopping… cũng được cánh phóng viên Việt chia sẻ nhiệt tình.

Còn với ĐTVN, từ các quan chức VFF, các thành viên Ban huấn luyện, các cầu thủ…đều quá quen thuộc từng gương mặt phóng viên. Ở giải trong nước đã gặp nhau, giờ đi nước ngoài càng gặp nhiều hơn bởi mọi sinh hoạt từ bữa ăn, giấc ngủ…đều có phóng viên bám sát.

Từng bữa ăn, giấc ngủ của cầu thủ đều được phóng viên bám sát.

Bị quan tâm một cách thái quá như vậy, nhưng các cầu thủ ít khi tỏ sự khó chịu. Không phải cầu thủ sợ giới truyền thông, mà tất cả cũng có sự thông cảm, và trên hết là luôn coi nhau như những người anh em trong gia đình. Những phút nghỉ ngơi sau buổi tập căng thẳng, cầu thủ và phóng viên ngồi tâm sự đủ thứ trên đời. Rồi có những phóng viên còn mang đồ ăn từ quê nhà sang cho cầu thủ, thậm chí có người phải đi mua cả… sữa tắm cho các chàng trai áo đỏ.
Những tình cảm dù là rất nhỏ qua cái nhìn, nụ cười hay chỉ là hỏi thăm chấn thương, cũng đủ các cầu thủ ấm lòng. Tất cả dường như không có khoảng cách, bởi cái tình đồng hương luôn được trân trọng ở nơi đất khách quê người.

“Cánh phóng viên Việt Nam không ít lần gây áp lực cho ĐTVN, nhưng đó cũng là chuyện bình thường. Quan trọng là ĐTVN luôn nhận được sự ủng hộ của giới truyền thông. Qua báo chí, cầu thủ cũng biết mình yếu và thiếu chỗ nào”, một thành viên ban huấn luyện ĐTVN chia sẻ.

An Chi

Từ khóa

phóng viên chiến trường AFF Cup

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/phong-vien-chien-truongo-aff-cup/138740