Phòng trừ bọ trĩ hại lúa xuân

Một số tỉnh vùng ĐBSH đang có hiện tượng bọ trĩ phát sinh và gây hại trên các trà lúa xuân cấy sớm. Điều tra của một số đơn vị BVTV ở các tỉnh như Ninh Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương… trên các trà lúa cấy cho thấy hiện bọ trĩ đã xuất hiện với mật số khá cao, từ 500-800 con/m2 và có khả năng bùng phát thành dịch nếu không có các biện pháp phòng trị hữu hiệu và kịp thời.

Đặc điểm nhận dạng: Con trưởng thành có màu đen, thon dài 1,5-2 mm. Con cái thường đẻ trứng rải rác trên nõn lá và bẹ lá. Mỗi con cái trung bình đẻ từ 12-13 quả trứng hình bầu dục, dài 0,23 mm, rộng 0,13 mm. Lúc mới đẻ trứng có màu trắng sữa, sau chuyển thành màu vàng nhạt. Bọ trĩ non rất nhỏ, dài độ 1 mm màu vàng nhạt, hình dáng giống con trưởng thành nhưng chưa có cánh. Triệu chứng và tập quán gây hại: Triệu chứng gây hại của bọ trĩ dễ nhận biết trên đồng ruộng. Khi lá lúa non mới bị bọ trĩ gây hại thường để lại nhiều điểm trắng nhỏ nhưng khi bị nặng thì chóp lá có hiện tượng khô vàng và cuốn quăn lại, dần dần khô cả lá. Khi toàn bộ đám lúa, hoặc mạ bị hại nghiêm trọng thì xuất hiện màu vàng sẫm, đỏ rực tựa như bị lửa đốt. Ngoài cây lúa, bọ trĩ còn gây hại trên nhiều loại cây trồng khác như ngô, rau màu, cây ăn quả… Bọ trĩ trưởng thành và con non có thể hút nhựa trên lá, trên hoa làm cho cây kém sinh trưởng dẫn đến cằn cỗi, khô héo tóp lại; hoa bị hại không thụ phấn được tạo nên hạt lép, sản lượng bị giảm sút nghiêm trọng. Con trưởng thành rất linh hoạt, khi bị khua động thì nhanh nhẹn nhảy chuyển sang chỗ khác lẩn trốn hoặc rơi xuống đất. Bọ trĩ trưởng thành thường bò và cong bụng ở trên mặt lá, trong hoa hoặc trong các lá cuốn, lá nõn. Chúng thường tập trung gây hại vào những ngày trời râm mát, hoặc ban đêm. Khi trời nắng, bọ trĩ thường ẩn náu trong các lá nõn hoặc lá cuốn. Bọ trĩ chủ yếu sinh sản theo phương thức đơn tính, tỷ lệ cái/đực thường rất lớn (trên 95%). Bọ trĩ non sau khi nở thường sống tập trung ở trong các lá nõn và chích hút nhựa. Khi có lá nõn xòe ra hoàn toàn thì bọ trĩ non chuyển vào đầu chóp lá nõn bị cuốn (1- 2 con/cây thì chóp lá có thể bị cuốn; 5 con/cây thì chóp lá cuốn tới 3-5cm; > 10 con/cây thì lá bị cuốn toàn bộ dẫn tới héo khô). Khi lúa đứng cái lá mới ngừng phát triển thì một số sâu non có thể chui vào ở trong bao đòng. Với cây lúa, bọ trĩ có thể phá hại ngay cả thời kỳ mạ, cây lúa trưởng thành và gây hại ở tất cả các thời vụ, song thường gây hại nặng trên lúa xuân thời kỳ lúa con gái, đẻ nhánh, tiếp theo là thời kỳ từ làm đòng đến trỗ. Thời tiết khô hạn là điều kiện thuận lợi cho bọ trĩ phát triển. Bọ trĩ phát sinh gây hại trên đồng ruộng chịu ảnh hưởng của các yếu tố ngoại cảnh: khi nhiệt độ từ 15oC tăng lên 25oC thì mật số bọ trĩ tăng dần. Nhiệt độ > 25oC thì mật số giảm dần, nhất là ở 27oC. Mưa làm giảm số lượng rõ rệt do bị rửa trôi, nhất là bọ trĩ trưởng thành. Mật số tăng hay giảm còn phụ thuộc vào thời kỳ sinh trưởng của cây lúa: từ sau khi cấy, hồi xanh cho tới lúa đẻ nhánh thì mật số tăng dần, sau đó giảm dần sau khi lúa làm đòng. Hàng năm ở miền Bắc nước ta bọ trĩ thường phát sinh gây hại nặng trên lúa xuân vào thời kỳ lúa con gái (tháng 3-4) hoặc sớm hơn nếu trời ấm, ít mưa như năm nay (cuối tháng 2, đầu tháng 3). Biện pháp phòng trừ: Có thể áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp như canh tác (làm sạch cỏ dại để tránh nơi trú ngụ, sục bùn, tưới nước hợp lý, bón phân đầy đủ và đúng lúc, hạn chế bón thừa đạm); thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm bằng cách thò tay xuống nước, gạt trên bề mặt cây lúa sẽ thấy nhiều con bọ trĩ bám trên tay thì đó là những nơi có mật độ bọ trĩ cao cần phải phun thuốc trừ ngay. Có thể sử dụng các loại thuốc như: Sherpa, Padan, Sat trung đan, Fastac, đặc biệt là thuốc Actara có hiệu quả rất cao và an toàn. Pha 1 gói trong bình 12 lít phun cho 1 sào Bắc bộ. Chú ý pha đúng kỹ thuật như các loại thuốc dạng hạt khác. Cụ thể: cho thuốc vào 1 chai nước khoáng Lavie, cho nước vào lắc kỹ cho tan rồi mới đổ nước thuốc vào bình bơm khuấy đều trước khi phun mới đạt hiệu quả cao.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/45/45/45/77717/default.aspx