Phóng tàu vũ trụ Thần Châu 11, tham vọng của Trung Quốc là gì?

Sáng nay ( 17/10), Trung Quốc phóng tàu vũ trụ “hạng nặng" Thần Châu 11 vào vũ trụ để thực hiện nhiệm vụ trong thời gian dài nhất

Hai phi hành gia của Trung Quốc vẫy tay trước khi lên tàu vũ trụ

Tham vọng vũ trụ của Trung Quốc

Tàu vũ trụ "hạng nặng" Thần Châu 11 do hai phi hành gia Jing Haipeng và Chen Dong điều khiển được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh vũ trụ Cửu Tuyền, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Toàn cảnh vụ phóng được phát trên đài truyền hình nhà nước CCTV.

Tới đây, cả hai phi hành gia sẽ làm việc tại phòng thí nghiệm vũ trụ Thiên Cung 2 – đã được phóng lên vũ trụ từ tháng trước. Hai phi hành gia Jing và Chen lưu lại không gian vũ trụ trong 33 ngày: dành 30 ngày để thực hiện các cuộc thí nghiệm liên quan đến y học, sinh học và vật lý tại Thiên Cung 2.

Kể từ tháng 10/2003, Trung Quốc đã hoàn thành 5 nhiệm vụ phóng tàu vũ trụ do người điều khiển. Vụ phóng mới nhất được thực hiện năm 2013 và kéo dài trong 15 ngày. Phòng nghiên cứu vũ trụ Thiên Cung 1 và 2 là hai nguyên mẫu để Trung Quốc tiến tới mục tiêu cuối cùng là chế tạo trạm không gian vũ trụ 20 tấn phóng vào quỹ đạo trong năm 2022 - trước 2 năm Trạm Không gian Quốc tế (ISS) dừng hoạt động vào năm 2024 – Tân Hoa Xã đưa tin.

Nên đọc

Ngày mai, Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Thần Châu 11

Phòng thí nghiệm Thiên cung là thử nghiệm để đánh giá khả năng xây dựng tàu không gian vũ trụ lớn. "Đây chính là mục đích cuối cùng của chương trình Thần Châu” – Giáo sư Joan Johnson-Freese đến từ Đại học Chiến tranh Hải quân chuyên nghiên cứu về các chương trình không gian và an ninh vũ trụ nhận định.

Phòng thí nghiệm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc Thiên Cung 1 dự kiến sẽ rơi xuống bầu khí quyển của Trái Đất vào cuối năm 2017. Nhiều chuyên gia đồn đoán rằng Trung Quốc đã mất kiểm soát đối với phương tiện này. Song, Phó Giám đốc văn phòng kỹ thuật điều khiển không gian vũ trụ Wu Ping bác bỏ mọi suy luận tàu vũ trụ rơi gây thiệt hại nặng. “Dựa trên tính toán và phân tích của chúng tôi, phần lớn phòng thí nghiệm vũ trụ sẽ bùng cháy trong quá trình rơi” và không có khả năng ảnh hưởng tới các hoạt động hàng không hay gây thiệt hại trên mặt đất, ông Wu nói.

Mỹ- Trung “không sống chung” một vũ trụ

Tham vọng của Trung Quốc là khi ISS dừng hoạt động, Trung Quốc sẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới có tàu vũ trụ hiện diện vĩnh viễn trong vũ trụ. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể xảy ra khi chính sách Mỹ thay đổi. Hiện, các phi hành gia của Mỹ không hợp tác với Trung Quốc trong các dự án không gian vũ trụ.

Kể từ năm 2011, Quốc hội Mỹ cấm NASA liên lạc, dính líu tới các chương trình vũ trụ của Trung Quốc vì lo ngại an ninh quốc gia. “Giới chức Trung Quốc chắc chắn muốn hợp tác với Mỹ về không gian vũ trụ để cho thấy họ đã đóng góp một phần không nhỏ trong nhóm các quốc gia nghiên cứu về vũ trụ trên thế giới. Tuy nhiên, với dự án tàu vũ trụ của riêng Trung Quốc, trừ Mỹ, tất cả các đối tác quốc tế khác đều hào hứng và sẵn sàng làm việc với họ”- ông Johnson-Freese cho biết.

Trung Quốc tham gia vào cuộc đua vũ trụ muộn nhất. Họ mới đưa vệ tinh vào vũ trụ lần đầu tiên vào năm 1970, trong khi, lúc đó Mỹ đã đưa người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Nhưng chỉ trong vài thập kỷ, Trung Quốc đổ lượng lớn tiền và tài nguyên vào nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực không gian vũ trụ. Họ có kế hoạch, trong tương lai sẽ đưa rô-bốt nghiên cứu lên sao Hỏa và thực hiện một nhiệm vụ tại mặt trăng. “Nếu Mỹ không thay đổi chính sách sớm, bắt đầu hợp tác với Trung Quốc về không gian vũ trụ thì họ sẽ thua dù họ gây ảnh hưởng thế nào tới các kế hoạch vũ trụ của Trung Quốc trong tương lai” – ông Jonhson-Freese nói.

Trang Trần (Theo CNN)

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/phong-tau-vu-tru-than-chau-11-tham-vong-cua-trung-quoc-la-gi-d172566.html