Phòng sạt lở đất: Cách thì có, nhưng làm hay không thì…

Chúng ta không thể làm sống lại những nạn nhân thiệt mạng vì thảm họa sạt trượt đất; nhưng chúng ta có thể làm những việc cần thiết để phòng chống hiện tượng này...”. TS Nghiêm Minh Quang, chuyên gia về sạt lở đất tại Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm qua vụ sạt lở trên Quốc lộ 6 vào ngày 16/2

- TS Nghiêm Minh Quang: Công viêc cụ thể của chúng tôi trước hết là điều tra thu thập các thông tin về những yếu tố ảnh hưởng sạt trượt mái đất, sau đó là nghiên cứu đề ra các biện pháp đo sự biến động của mái đất như chuyển vị hay dao động mực nước ngầm… tạm gọi là các biện pháp kiểm tra sức khỏe của mái đất. Có đủ thông tin thì mới có thể chế tạo ra các máy cảm ứng báo động khi có khả năng sạt trượt và có thể nghiên cứu ra các biện pháp gia cố ổn định mái đất.

- Sạt lở đất là thiên tai, thuộc loại “trời kêu ai nấy dạ” hay có thể phòng, tránh được?

- Sạt lở đất không phải hoàn toàn 100% bởi thiên tai và có thể phòng tránh được ở một mức độ nhất định. Có ba biện pháp chính để phòng, tránh sạt lở: Thứ nhất, làm mất đi nguyên nhân gây sạt trượt, sụt như làm giếng tiêu nước ngầm làm hạ mực nước ngầm (nguyên nhân chính trong nhiều vụ sạt trượt đất), hoặc đào bỏ các khối đất dốc dễ mất ổn định ở phía trên mái để giảm trọng lượng gây sụt đât… Thứ hai, gia cố chống lại việc gây sạt trượt gồm các biện pháp phủ bê tông cứng hóa bề mặt, dùng cọc neo lớp đất trượt vào tầng đá gốc ổn định, xây tường chắn hay đắp đất đá tạo bệ phản áp lực cân bằng với lực gây trượt…

Sạt lở trên Quốc lộ 6 ngày 16/2 khiến đất đá lấp kín mặt đường, gây tắc đường trên đoạn dài 30m (Ảnh: Tổng cục Đường bộ Việt Nam).

Biện pháp thứ ba đơn giản là... “chạy”, nhưng để chạy cũng phải có cách! Phải thiết lập quy trình cảnh báo quy định khi nào cần chạy dựa trên tín hiệu cảm ứng đo tại hiện trường, cần đào tạo và thiết lập kế hoạch sơ tán cho người dân… Ví dụ, khi dự đoán với cường độ mưa 100mm/giờ trong thời gian 1 tiếng sẽ có khả năng sạt trượt ở vị trí nào đó thì lúc có mưa với cường độ đó là phải phát lệnh sơ tán.

- Được biết, ở một số nơi ở Nhật có địa lý địa hình rất giống Việt Nam. Đã từng làm việc trong lĩnh vực phòng chống sạt lở ở Nhật, ông thấy VN có thể học tập được gì ở Nhật?

TS Nghiêm Minh Quang, sinh năm 1972 tại Hà Nội. Tiến sỹ Đại học Nông nghiệp và công nghệ Tokyo năm 2004. Hiện làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu vật liệu xây dựng - Công ty thép Nippon Steel and Sumikin Products. Chủ tịch hội hỗ trợ học thuật Nhật – Việt (JVAST), Ủy viên thường trực Ủy ban Sạt trượt đất thuộc Tổng hội Xây dựng Nhật Bản, Ủy viên điều phối dự án Việt Nam của Tổng hội Sạt trượt đất quốc tế.

- Tôi tin là nhiều giải pháp của người Nhật có thể áp dụng tốt tại Việt Nam, vấn đề là giá thành của họ cao so với ta. Trước mắt ta cần có quy trình đánh giá mức độ nguy hiểm sạt trượt đất và sau đó là thiết lập hệ thống cảnh báo sơ tán. Với mạng lưới viễn thông phổ biến như hiện nay, thì đây có lẽ là giải pháp khả thi, JICA đang có một dự án tại Việt Nam về việc này. Tất nhiên không phải lúc nào cũng “chạy”. Người có thể chạy chứ các di sản văn hóa hay nhà cửa, đường xá thi không thể di chuyển được nên ta vẫn phải nghiên cứu các biện pháp gia cố ổn định mái. Tôi có dự định đào tạo thêm một số chuyên gia về cọc neo trong nước.

Năm 2010, tôi đã giới thiệu Viện KH-CN Giao thông vận tải làm thành viên của tổ chức Sạt trượt đất quốc tế (International Consortium on Landslide – ICL) và trở thành đại diện tại Tokyo để trực tiếp tham gia việc lập các thủ tục xin vốn viện trợ của hai tổ chức JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật) và JST (Cơ quan Chấn hưng khoa học Nhật). May mắn là vào tháng 4.2011, họ đồng ý cấp khoảng 5 triệu USD cho một dự án về dự báo, đánh giá và đào tạo chuyên gia sạt sụt trượt đất cho Việt Nam ta. Dự án đã chọn địa bàn Huế - Đà Nẵng và sau này mở rộng ra cả các tỉnh khác.

- Việc ứng dụng các giải pháp phòng chống trượt lở đất tại Việt Nam hiện nay vẫn còn rất khiêm tốn. Ông có nhận định gì về việc này?

- Trước hết là về con người, nguồn lực. Nhật Bản có nhiều hội chuyên gia chuyên về sạt trượt đất. Mỗi nơi có tới cả ngàn chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Nếu không có các nơi thống nhất quy tụ như thế để phản biện, xây dựng và hoàn thiện các quy chuẩn, biện pháp ứng phó thì khi xảy ra thảm họa rất dễ gây lúng túng. Ngoài ra, một chuyên gia dù giỏi đến đâu mà sau nhiều năm không có điều kiện va chạm sử dụng liên tục thì rất khó mà đột nhiên cho ra những giải pháp hiệu quả. Mà đùng một cái kêu ông Tây, ông Nhật ở tận đâu đến thì cũng có nhiều hạn chế, vì dù họ có giỏi đến đâu cũng không thể thường xuyên sống cùng và am hiểu đất mẹ Việt Nam bằng người Việt được.

Chúng ta không thể làm sống lại những nạn nhân thiệt mạng vì thảm họa sạt trượt đất; nhưng chúng ta có thể làm những việc cần thiết cho sự nghiệp phòng chống sạt trượt đất, và chỉ có thế thì những cái chết thương tâm của các nạn nhân mới không trở thành vô nghĩa.

- Xin cảm ơn ông!

Các tin bài đang được quan tâm khác:
Máy bay giấy lớn nhất thế giới “cất cánh”
Đưa robot tàu ngầm lặn xuống đại dương sao Mộc
Uống Aspirin hàng ngày giúp chống lại ung thư
Hàng loạt vụ nổ bí ẩn liên tiếp xảy ra tại Mỹ
'Nóng mặt' trước kết luận vụ rò đập thủy điện
Máy giặt di động bỏ túi nặng 180g
Phát hoảng mua phải gà đông lạnh 4 chân
Rắn khổng lồ xuất hiện ở New York

Ngay sau vụ núi lở đã xảy ra vào sáng ngày 16.2 tại Km 138 + 500 trên Quốc lộ 6 thuộc địa phận xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình làm 2 người thiệt mạng, trong bài trả lời phỏng vấn báo Đất Việt ra ngày 27.2, PGS.TS Doãn Minh Tâm, Viện trưởng Viện KH-CN Giao thông vận tải cho rằng việc dự báo, cảnh báo trượt lở đất là rất yếu, cho nên ai nói cảnh báo được trước là hơi liều. Hoặc có chăng các cảnh báo cũng chỉ là chung chung, chứ không cụ thể được. Phương Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://khoahoc.baodatviet.vn/home/khcn/phanbien/phong-sat-lo-dat-cach-thi-co-nhung-lam-hay-khong-thi/20123/199139.datviet