Phòng chống tham nhũng: Sẽ khởi kiện chủ tài sản bất minh

TP - Ban Nội chính Trung ương đã chỉ ra hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) về minh bạch tài sản, thu nhập; đề nghị làm rõ khi nào truy thu thuế, khởi kiện dân sự đối với chủ tài sản bất minh…

Cơ quan điều tra phát hiện Giang Kim Đạt trong vụ án tại Vinashin nhờ nhiều người thân đứng tên tài sản tham nhũng. Ảnh minh họa

Theo Ban Nội chính Trung ương, một số chủ trương, định hướng của Đảng về minh bạch, tài sản, thu nhập còn chậm được thể chế hóa; chính sách, pháp luật về kê khai, kiểm soát và xử lý vi phạm về kê khai tài sản còn nặng tính hình thức, chồng chéo và tính khả thi chưa cao. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về kê khai tài sản còn hạn chế. Nhiều khoản như chi phí sinh hoạt, học tập ở nước ngoài cũng như các khoản hiến, tặng, cho đối với những người phải kê khai là không kiểm soát được. Nhiều trường hợp tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức được chuyển dịch sang con cái đã thành niên (không thuộc đối tượng kê khai) để tránh kiểm soát.

Cũng theo Ban Nội chính Trung ương, thời gian qua, có một số lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích nhận lương hàng tỷ đồng/năm và kéo dài nhiều năm nhưng qua công tác kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập không phát hiện được.

Đồng tình với Ban soạn thảo về việc bổ sung những quy định về minh bạch và kiểm soát, tài sản thu nhập tại dự thảo Luật PCTN sửa đổi song Ban Nội chính Trung ương đề nghị làm rõ nguyên nhân cơ bản của hạn chế trong việc quản lý, kiểm soát tài sản, thu nhập là do mô hình quản lý bản kê khai hay nguyên nhân nào khác? Việc giao thẩm quyền quản lý bản kê khai cho một số cơ quan có làm phát sinh thêm tổ chức bộ máy của các cơ quan này không?

Đối với quy định xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không giải trình một cách hợp lý thì truy thu thuế phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án có thẩm quyền để phán quyết về quyền sở hữu…, Ban Nội chính Trung ương đánh giá đây là nội dung quan trọng của dự thảo Luật PCTN sửa đổi, nhưng cần chỉ rõ căn cứ khi nào thì áp dụng biện pháp truy thu thuế, khi nào khởi kiện dân sự. Hơn nữa cần rà soát lại các văn bản hiện hành để đảm bảo thống nhất, khả thi.

Quy trách nhiệm hành vi né tránh tố giác tham nhũng

Ngoài việc chỉ ra một số bất cập trong các quy định về cơ chế phát hiện, xử lý tham nhũng, Viện KSND Tối cao cho rằng hiện nay chưa có biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ và khen thưởng người tố cáo, nên chưa khuyến khích được việc tố cáo hành vi tham nhũng. Cùng với kiến nghị cần chú trọng quy định cơ chế bảo vệ, khen thưởng người tố cáo tham nhũng thì Viện KSND Tối cao còn đề nghị bổ sung cơ chế xử lý đối với hành vi lợi dụng vấn đề tố cáo tham nhũng để thông tin, tố cáo sai sự thật.

Đánh giá nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế trong việc thực hiện quy định hiện hành về “báo cáo và xử lý báo cáo về dấu hiệu tham nhũng xảy ra trong cơ quan, tổ chức”, Vụ công chức, viên chức - Bộ Nội vụ cho rằng trên thực tế đa số các vụ việc tham nhũng trong thời gian gần đây đều được phát hiện “từ bên ngoài”, trong khi đó những thông tin hay biểu hiện tham nhũng trong cơ quan, đơn vị thì không được phát giác kịp thời. Có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng một phần là biểu hiện né tránh, nể nang, thậm chí là thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật. Theo đó, Vụ Công chức, viên chức đề nghị bổ sung quy định: “Trách nhiệm cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân khi phát hiện tham nhũng, dấu hiệu tham nhũng nhưng né tránh, nể nang, thậm chí là thiếu trách nhiệm dẫn đến vi phạm pháp luật”.

Cũng theo Bộ Nội vụ, việc tạm đình chỉ, tạm thời chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức khi có dấu hiệu tham nhũng hoặc có nguy cơ dẫn đến tham nhũng còn thực hiện chưa tốt. Theo đó phải có quy định đình chỉ, tạm thời chuyển đổi vị trí công tác khi có dấu hiệu tham nhũng, nhưng phải tuân thủ pháp luật, đảm bảo khách quan, tránh oan sai.

Theo Ban Nội chính Trung ương, thời gian qua, có một số lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích nhận lương hàng tỷ đồng/năm và kéo dài nhiều năm nhưng qua công tác kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập không phát hiện được.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/phap-luat/phong-chong-tham-nhung-se-khoi-kien-chu-tai-san-bat-minh-1050373.tpo