Phòng chống tác hại của rượu bia: Không làm mạnh dễ nhờn luật

Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia, Bộ Y tế đề xuất cấm bán rượu bia tại quán karaoke, cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi, người có biểu hiện say và phụ nữ mang thai… Ngay lập tức, những nội dung này đã nhận được sự quan tâm của dư luận.

Nhiều người vào quán karaoke thường sử dụng bia, rượu.

Cân nhắc nội dung và tính khả thi

Về một số ý kiến phản đối đề xuất cấm bán rượu, bia ở quán karaoke, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: trước đây đã có quy định trách nhiệm của chủ các quán karaoke không được bán rượu hoặc để cho khách uống rượu trong phòng karaoke chứ không phải bây giờ Bộ Y tế mới đề xuất. Khi xây dựng dự luật, cơ quan soạn thảo đã tham khảo các quy định quốc tế. Tuy nhiên, phương án cấm bán cả rượu, bia hay chỉ cấm bán rượu trong quán karaoke sẽ được bàn thảo, thống nhất trước khi trình Quốc hội.

Góp ý với dự thảo luật nêu trên, luật sư Trần Tuấn Anh, đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng: hiện nay trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã quy định về quản lý, kiểm soát, sử dụng cũng như xử phạt đối với những hành vi vi phạm liên quan rượu bia. Do vậy, Bộ Y tế cần cân nhắc cả về nội dung lẫn tính khả thi khi ban hành, tránh chồng chéo quy định.

“Các đề xuất trong dự thảo Luật không thực sự tập trung vào các yếu tố dẫn đến việc lạm dụng đồ uống có cồn, mà chỉ tập trung các chính sách nhằm hạn chế nguồn cung và hạn chế nhu cầu sử dụng rượu bia. Do đó, Luật sẽ không có tác dụng điều chỉnh, tăng cường hành vi uống có trách nhiệm mà dẫn đến một số tác động đối với người lao động và gia tăng tình trạng buôn lậu, hàng nhái, hàng giả. Thực chất là chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề” - luật sư Tuấn Anh nói.

Cũng theo vị luật sư này, nếu quy định trên được ban hành sẽ gây khó khăn đối với hoạt động kinh doanh của quán karaoke nói riêng và những người kinh doanh rượu, bia nói chung. Hiện nay muốn bán rượu cần phải có giấy phép kinh doanh, vì vậy cần tập trung vào khâu kiểm soát việc thực hiện pháp luật và siết chặt hơn nữa ở khâu cấp giấy phép kinh doanh rượu, bia.

“Vừa qua nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có ngộ độc cồn tập thể nhưng xử lý hình sự khó khăn. Vì vậy, để tăng cường kiểm soát thì phải hình sự hóa các vi phạm liên quan đến cồn pha chế, cồn công nghiệp, nấu rượu không đảm bảo…” - luật sư Tuấn Anh nêu quan điểm.

Vì sao cấm rượu bia ở quán karaoke?

Trao đổi với PV, ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội cho rằng, việc đề xuất cấm bán rượu bia cho người vị thành niên, phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ hay người say là định hướng tốt và nhiều nước đã áp dụng.

Tuy nhiên, theo ông Nhưỡng cần phải xem xét mục đích của việc cấm bán rượu bia trong quán karaoke là gì? “Nếu cấm bán rượu bia trong quán karaoke thì vấn đề kiểm soát sẽ được thực hiện như thế nào? Trong trường hợp người hát mang rượu bia đến thì giải quyết ra sao, tại sao lại chỉ cấm bán rượu bia tại quán karaoke?” - ông Nhưỡng nêu vấn đề.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, đồng tình với việc nâng cao thuế, siết chặt quản lý rượu bia và cho rằng đây là hướng đi đúng. “Tôi rất ủng hộ việc này nhưng nếu làm không tới nơi sẽ dẫn tới việc “nhờn” luật, gây mất lòng tin của người dân. Do vậy cần tính toán thật kỹ, nâng chế tài xử phạt lên thật cao và khi Luật được đưa ra phải được cộng đồng đồng tình, người kinh doanh rượu, bia buộc phải thực hiện” - bà An nói.

Đề xuất DN rượu, bia đóng góp Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng

Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng là đề xuất được nêu ra trong Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế soạn thảo. Mục tiêu chính sách này nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rượu, bia và nâng cao sức khỏe cộng đồng, đồng thời góp phần phòng ngừa và giảm tỷ lệ người dân sử dụng rượu, bia. Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, là quỹ quốc gia, trực thuộc Chính phủ, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.

Quỹ được hình thành từ các khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu, bia, cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá cũng như các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện. “Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng không lấy bất kỳ khoản tiền nào từ ngân sách nhà nước mà lấy từ khoản đóng góp bắt buộc từ rượu, bia là nguồn xã hội hóa nên không ảnh hưởng đến ngân sách”, dự thảo nhấn mạnh.Theo ban soạn thảo, trong trường hợp được Quốc hội đồng thuận, ước tính nguồn kinh phí từ Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng hằng năm sẽ đóng góp khoảng 360 tỷ đồng.

Tuy nhiên, viện dẫn rất nhiều lý do khi thẩm định, Bộ Tư pháp đề nghị cân nhắc vì cho rằng việc thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng chưa phù hợp.

Thành Nam

Thanh Hà

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/phap-luat/phong-chong-tac-hai-cua-ruou-bia-khong-lam-manh-de-nhon-luat-1150533.tpo