Phòng chống lao - Bài cuối: Đẩy mạnh truyền thông chống kỳ thị với lao

Sự kì thị của xã hội đối với bệnh nhân lao cũng như những người làm công tác phòng chống lao hiện nay là một rào cản lớn đối với mục tiêu khống chế bệnh lao tại Việt Nam. Muốn xóa bỏ được sự kì thị này, cần phải có sự truyền thông hiệu quả để nâng cao dân trí cho cộng đồng.

Không dám đi khám lao vì... xấu hổ

Quay trở lại với câu chuyện của anh Bùi Văn Bồi ở Thủy Sơn, Hải Phòng mà chúng tôi đã nhắc đến ở kì một của loạt bài này, cũng vì sợ sự kì thị của hàng xóm láng giềng, sợ bị mang tiếng là người mắc bệnh lao mà anh Bồi không dám đi khám bệnh, thay vào đó là uống thuốc của mấy thầy lang. Chỉ đến khi bệnh tình quá nặng, nhiều người trong gia đình khuyên anh đến bệnh viện thì anh mới chịu đi điều trị. Khi đó bệnh tình đã tiến triển quá nhanh khiến việc điều trị không còn hiệu quả.

Hội thảo “Báo chí và công tác phòng chống lao” vừa diễn ra là một trong những hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông về lao, chống kì thị với bệnh nhân lao.

Cũng vì sợ các bạn cùng lớp biết bố mình mắc bệnh lao mà con gái anh không dám mời bạn đến nhà chơi, hạn chế giao tiếp với bạn bè. Anh Đồng Duy Quang (thôn 4 xã Thủy Sơn), hàng xóm của nhà anh Bồi cho biết anh cảm thấy khá lo lắng khi cạnh nhà mình có người bị bệnh lao. Anh thường hạn chế tiếp xúc và nếu có tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang. Sự kì thị của cộng đồng với các bệnh nhân lao khiến cho họ không dám công khai chuyện mình bị nhiễm lao. Điều này càng làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm lao ra cộng đồng một cách khó kiểm soát.

Chị Đàm Thị Quả, trạm trưởng trạm y tế xã Thủy Sơn cho biết: “Hầu hết các bệnh nhân được kết luận là mắc lao ban đầu đều không chịu nhận mình bị lao. Họ nói với tôi là họ chỉ bị lao lực do làm việc quá sức thôi. Chung quy cũng chỉ là xấu hổ với mọi người”. Một số bệnh nhân còn lén lút đến trạm y tế xã nhận thuốc do tâm lí e ngại mọi người biết.

Chuyển biến trong truyền thông

Giảm được kì thị sẽ tăng số bệnh nhân đi khám, giảm số ca lây nhiễm ra cộng đồng. Do đó, chương trình chống lao quốc gia chủ trương cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông để góp phần giảm kì thị, tiến tới xóa bỏ kì thị của cộng đồng với những bệnh nhân lao.

PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng: Trước đây, công tác phòng chống bệnh lao chưa truyền thông đầy đủ, nghĩa là chỉ tuyên truyền cho người bệnh mà chưa tuyên truyền cho cộng đồng và những người chưa bị bệnh, những cán bộ địa phương, người hoạch định chính sách… “Bây giờ ngoài người bệnh, chúng tôi còn truyền thông cho người nhà, y bác sĩ, cộng đồng dân cư, quan chức Chính phủ, đại biểu Quốc hội… Đối tượng được mở rộng rất nhiều”.
Nếu như hình thức tuyên truyền trước đây khá nghèo nàn và mang tính thụ động (báo chí tuyên truyền, phát tờ rơi…) khiến hiệu quả chưa cao thì hiện nay, các phương thức truyền thông về lao rất đa dạng. Theo nghiên cứu của Chương trình chống lao Quốc gia, hiểu biết của người dân về bệnh lao chủ yếu qua loa truyền thanh xã, họp tổ dân phố hoặc qua tivi. Hình thức truyền thông này không chỉ đạt hiệu quả một chiều mà còn có tác dụng đa chiều, để người này biết lại nói cho người chưa biết…

Theo một thống kê chưa đầy đủ, 70% bệnh nhân mắc lao là người nghèo, đa phần là nông dân. Lao chính là lực cản cho sự phát triển xã hội, là nguyên nhân của sự nghèo đói. “Trước đây do kinh phí không nhiều nên chúng ta mới chỉ truyền thông bằng một thứ tiếng nhưng nay đã sử dụng cả tiếng dân tộc để nhiều người dân miền núi, vùng sâu vùng xa, nơi đời sống người dân còn nhiều khó khăn có nguy cơ mắc lao cao có thể dễ dàng hiểu được”, PGS Sỹ cho biết.
Nhờ công tác truyền thông có chuyển biến nên đã có nhiều người quan tâm hơn đến các bệnh nhân lao. Bằng chứng là tại Bệnh viện Phổi Trung ương, nhiều nhà hảo tâm đã đến trao quà, giúp đỡ cho các bệnh nhân tại đây. Tuy nhiên, để cộng đồng thực sự cởi mở, không còn kỳ thị bệnh nhân lao thì công tác truyền thông còn rất nhiều điều phải làm.

Bài và ảnh: Hoàng Dương

Nguồn TTXVN: http://baotintuc.vn/152n20121012093616156t129/phong-chong-lao-bai-cuoi-day-manh-truyen-thong-chong-ky-thi-voi-lao.htm