Phòng chống dịch bệnh sau mùa mưa lũ

Sau mùa mưa lũ, rất dễ xảy ra các loại dịch bệnh do nguồn nước và môi trường bị ô nhiễm. Để phòng chống dịch bệnh, hạn chế bệnh phát triển thành dịch lớn, hiện nhiều địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về vệ sinh trong ăn uống, phát cloramin B để khử trùng nước và vệ sinh nhà cửa.

Cán bộ tài nguyên môi trường

hướng dẫn nhân dân xử lý nước sinh hoạt sau khi lũ rút

Ảnh: TL

Đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch

Nhiều tỉnh tại miền Trung tiếp tục mưa to, lũ trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi tiếp tục dâng cao, đã khiến nhiều người chết và bị thương. Bên cạnh vấn đề khắc phục hậu quả sau những ngày mưa bão vừa qua, nhiều tỉnh đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nhất là các bệnh tiêu chảy, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, các bệnh ngoài da, ngộ độc, cúm... Trong đó, đáng lo ngại nhất là bệnh về đường tiêu hóa, vì khi lũ lụt đổ về, nước bẩn của các ao hồ tù đọng và nước thải, rác thải, thuốc bảo vệ thực vật ở đồng ruộng... ngấm vào nước ngầm, hòa vào giếng nước làm cho nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm trầm trọng. Mặt khác, các loại thực phẩm rau, quả ngập chìm trong lũ lâu ngày sẽ bị nhiều vi khuẩn bám vào và gây bệnh. Nước ngập và tù đọng lâu ngày cũng là môi trường thuận lợi cho muỗi phát triển và dễ bùng phát thành dịch sốt xuất huyết.

Phòng bệnh và chữa bệnh mùa lũ

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh Bình Định, với phương châm không để xảy ra dịch bệnh trong và sau lũ lụt, cùng với việc theo dõi, giám sát chặt chẽ các ca bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, liên cầu khuẩn lợn, cúm A... tại các ổ dịch cũ và xã có nguy cơ nhằm cảnh báo sớm, khống chế, không để dịch lan rộng, Sở Y tế và chính quyền địa phương chủ động kiểm tra việc cung cấp nước sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện, công tác kiểm tra trước, trong và sau lũ lụt theo phương châm 4 tại chỗ: "Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”. TTYTDP tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Trung tâm và 2 đội cơ động phòng chống dịch, cứu hộ, cứu nạn; chuẩn bị 1 tấn Cloramin B, 300.000 viên Cloramin xử lý nước sinh hoạt và trên 60.000 gói xử lý nước, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương, khu dân cư ngập lụt trong mùa mưa bão.

Sở Y tế cũng đã chỉ đạo bệnh viện đa khoa các huyện có kế hoạch giúp các xã vùng thấp tổ chức sơ tán bệnh nhân lên vùng cao khi có lũ lụt, sạt lở đất hoặc triều cường; chỉ đạo, điều hành và dự trữ thuốc men cấp phát khi lũ lụt lớn xảy ra. Ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vận động các hộ gia đình xây dựng tủ thuốc gia đình với các loại thuốc, hóa chất cần thiết như: thuốc đau bụng, dầu xoa, thuốc nhỏ mắt, Orezol, Cloramin... để phòng, chống dịch bệnh. Khó khăn lớn nhất của công tác phòng, chống dịch bệnh trong và sau lũ lụt là do địa bàn bị ngập lụt rộng, giao thông đi lại bị chia cắt, trong khi đó phương tiện đi lại như ca nô, xuồng máy thiếu, khó có thể tiếp cận được với vùng lũ.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong tổng số 3,5 triệu người mắc các bệnh truyền nhiễm hằng năm, khoảng 35% lây qua đường tiêu hóa. Số các ca bệnh này tăng đột biến trong mùa lũ. Sự di chuyển của người dân và đặc biệt là bệnh nhân làm tăng khả năng lây lan của các bệnh lây truyền qua nước. Tại vùng lũ lụt, các dịch vụ vệ sinh sẵn có không đủ đáp ứng nhu cầu. Các nguồn nước, công trình cấp nước và vệ sinh bị phá hủy làm tăng nguy cơ gây bệnh đường tiêu hóa. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân cần tự thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là khi mưa bão đang dồn dập. Để chủ động phòng chống dịch bệnh trong và sau lũ lụt, mỗi người dân ở địa bàn ngập úng cần làm tốt công tác vệ sinh cá nhân trong ăn uống, sinh hoạt, không ăn quả xanh, không uống nước lã, bảo đảm ăn chín, uống sôi, đồng thời có ý thức tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom tẩy uế khi mưa lũ rút, bảo đảm an toàn vệ sinh nguồn nước, giảm tối đa ô nhiễm do mưa lũ gây ra. Trong và sau khi nước lũ rút, việc xử lý nguồn nước đảm bảo sạch, không bị ô nhiễm và vệ sinh môi trường sẽ góp phần chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho nhân dân, hạn chế được dịch bệnh bùng phát trong mùa mưa lũ. Trong trường hợp giếng nước bị ngập, các hộ dân cần xử lý bằng phèn chua với liều lượng 1g/20 lít nước. Nếu không có phèn chua thì dùng vải sạch lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm nhiều lần cho đến khi nước trong. Để khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại, bể chứa nước nhỏ, cần dùng Cloramin T hoặc B (mỗi viên dùng cho 25 lít nước). Với khu vực nhà tiêu hai ngăn, người dân cần lấy hết phân ra, đào hố ủ, lèn chặt đất, mỗi ngăn đổ khoảng 2 - 3 kg vôi bột. Nhà tiêu tự hoại hoặc thấm dội nước cần chuẩn bị nút bệ xí, nhà tiêu đào phải lấp một lớp đất dày khoảng 0,5 m, lèn chặt. Trước khi nước rút, các địa phương cần chú ý xử lý xác súc vật chết bằng cách phun hóa chất diệt côn trùng, tưới dầu hỏa lên xác động vật để chống sự xâm nhập của các loài ăn thịt và côn trùng, đợi khi nước rút thì đem chôn.

Kiều Việt Thành

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=40906&menu=1425&style=1