Phòng cháy từ ý thức người dân

Có tới 24,3% số vụ cháy là do người dân, nhân viên cơ sở thiếu ý thức, kiến thức PCCC gây ra cháy

Nhiều bài học từ một vụ cháy 18h ngày 10/3/2010, xảy cháy ống kỹ thuật rác (hố thu rác) của đơn nguyên A chung cư 18 tầng - JSC thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 34, ngõ 164 Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Vụ cháy không gây thiệt hại nhiều về tài sản, song đã làm 2 người chết do ngạt khói là chị Vương Lan Phương, 43 tuổi và con trai Lưu Gia Minh 10 tuổi, ở phòng 1810 (tầng 18) của tòa nhà. Diễn tập chữa cháy, cứu hộ cứu nạn Theo các nhà chuyên môn, có quá nhiều bất hợp lý trong thiết kế tòa nhà xảy ra hỏa hoạn này, trước hết về đường ống thu rác, nơi xảy ra hỏa hoạn. Theo nguyên tắc, ống thu rác phải được thiết kế bằng vật liệu chống cháy như bê tông, tôn kẽm hoặc inox. Tuy nhiên, thực tế vụ hỏa hoạn đã thiêu cháy toàn bộ ống thu rác và các cửa xả rác cho thấy khi lắp đặt đã sử dụng vật liệu dễ cháy. Bất hợp lý thứ hai dễ nhận thấy là cửa xả rác của từng tầng nhà được thiết kế liền kề, song song với cầu thang máy và đối diện với buồng thang thoát hiểm. Chính vì vậy, khi cháy từ ống xả rác đã ảnh hưởng đến đường thoát hiểm của người dân. Trong vụ cháy này, cầu thang hở đã khiến khói bốc từ tầng dưới lên, bịt tất cả đường thoát nạn của người dân. Sau vụ cháy này, một cán bộ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội, cho biết, hầu hết các công trình khi thi công đều được cơ quan PCCC thẩm duyệt và nghiệm thu. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, hệ thống chữa cháy bị hư hỏng, xuống cấp nhưng ban quản lý tòa nhà không quan tâm duy tu sửa chữa Đáng lưu ý là ý thức chấp hành PCCC của người dân trong tòa nhà cao tầng rất kém, có nơi thì lấn chiếm hành lang thoát hiểm để xếp đồ của gia đình, có nơi đốt vàng mã ra hành lang, đổ cả tro, than đang cháy vào hệ thống chứa rác chung... Trong khi đó, theo Cảnh sát PCCC, với trang thiết bị hiện tại, việc cứu hỏa chỉ phát huy hiệu quả từ tầng 10 trở xuống, cứu hộ từ tầng 16 trở xuống. Các tầng trên cao, phụ thuộc vào các thiết bị cứu hỏa tự động. Người dân còn chủ quan, xem nhẹ PCCC Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Bộ Công an, trong 9 tháng qua, xảy ra 1.680 vụ cháy. Trong đó, cháy tại cơ sở sản xuất, nhà dân 1.416 vụ, làm chết 40 người, bị thương 116 người, thiệt hại về tài sản trị giá 534,768 tỷ đồng; cháy rừng xảy ra 264 vụ, gây thiệt hại 1.797 ha rừng. Theo đại diện Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, so với cùng kỳ năm 2009, số vụ cháy tại các cơ sở, nhà dân tăng 304 vụ (1.416/1.112 vụ), tăng 27,33%; thiệt hại về người chết giảm 1 người (40/41 người), giảm 2,43%; người bị thương tăng 17 người (116/99 người), tăng 17,17%; thiệt hại về tài sản tăng 146,368 tỷ đồng (534,768/388,4 tỷ đồng), tăng 37,68%; cháy rừng tăng 125 vụ (264/139 vụ), tăng 89,92%; thiệt hại do cháy rừng gây ra tăng 739,8 ha rừng (1.797/1.057,2 ha), tăng 69,97%. Các vụ cháy lớn xảy ra có 18 vụ, tuy chỉ chiếm 1,27% tổng số vụ nhưng thiệt hại chiếm tới 73,1% tổng số thiệt hại (391,1/534,768 tỷ đồng). Trong 9 tháng qua nổi lên tình hình cháy tại khu chung cư cao tầng, tuy số vụ cháy không nhiều nhưng tính chất lại rất nghiêm trọng. Số vụ cháy tập trung nhiều ở các thành phố lớn và địa bàn thành thị, xảy ra 814 vụ, chiếm 57,49%, trong khi đó khu vực nông thôn xảy ra 602 vụ, chiếm 42,51%. Nguyên nhân gây cháy chủ yếu là do ý thức chấp hành các quy định PCCC của người dân và người lao động ở các cơ sở như sơ suất trong sử dụng lửa, điện trong sinh hoạt và sản xuất, sự cố hệ thống điện và thiết bị điện cũng chiếm tới 59,74% tổng số vụ cháy. Các nguyên nhân khác như sự cố kỹ, vi phạm quy trình, quy định an toàn PCCC, tai nạn giao thông gây cháy… Thực tế cho thấy có tới 24,3% số vụ cháy là do người dân, nhân viên cơ sở thiếu ý thức, kiến thức PCCC gây ra cháy. Nước xa không cứu được lửa gần Trong nhiều khó khăn của công tác PCCC, nổi lên khó khăn về quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập, không đáp ứng được yêu cầu về PCCC. Nhiều khu dân cư nằm trong các ngõ, hẻm sâu, thậm chí đến hàng trăm mét, xe chữa cháy không tiếp cận được. Nhiều khu chung cư cao tầng điều kiện an toàn PCCC không đảm bảo yêu cầu, nhất là các khu chung cư tái định cư. Còn nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, nguyên vật liệu là chất dễ cháy xen kẽ trong các khu dân cư, khi xảy ra cháy rất dễ cháy lan, cháy lớn và rất khó tổ chức cứu chữa vì nguồn nước chữa cháy tại chỗ thiếu nghiêm trọng, đường sá chật hẹp, xe chữa cháy không hoạt động được… gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Thang chữa cháy chỉ tới được tầng 16 nhà chung cư Chất lượng hoạt động của lực lượng chữa cháy tại chỗ còn yếu và nặng về hình thức, đối phó với cơ quan quản lý nhà nước về PCCC. Hiện tượng phổ biến hiện nay là nhiều cơ sở không thành lập lực lượng PCCC tại chỗ mà thuê người của các công ty bảo vệ nên biên chế quân số, việc huấn luyện, đào tạo, trách nhiệm PCCC… còn nhiều hạn chế. Việc thành lập và duy trì hoạt động cho lực lượng dân phòng hết sức khó khăn do chưa có chế độ, chính sách… Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, hiện nay cả nước có 138 đội chữa cháy chuyên nghiệp, còn thiếu nhiều so với yêu cầu thực tế. Theo quy định, một đội Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn chỉ hoạt động hiệu quả trong phạm vi bán kinh 5km, trong khi đó một số địa phương phải quản lý những địa bàn có bán kính lên tới 150 km. Lực lượng, phương tiện PCCC, Cứu hộ cứu nạn còn thiếu nghiêm trọng, nhất là chiến sĩ lái xe chữa cháy, các phương tiện chữa cháy đặc chủng như chữa cháy trong hầm lò, chữa cháy nhà cao tầng, chữa cháy trên sông, biển… Chú trọng phổ biến kiến thức PCCC tới người dân Cục Cảnh sát PCCC cho biết, để chủ động PCCC, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, trong thời gian tới ngành và các cấp, các ngành khác cùng với các đơn vị, người dân phải cùng phối hợp thực hiện nhiều công việc, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC đến từng người dân, người quản lý và người sử dụng lao động. Đối với lực lượng Cảnh sát PCCC, ngành sẽ tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị, cơ sở, khu dân cư, hộ gia đình và người dân thực hiện các biện pháp PCCC cho phù hợp; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm quy định an toàn PCCC và gây cháy. Đồng thời, thường xuyên đổi mới phương pháp, tác phong công tác, tập trung xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Thời gian tới, Cục Cảnh sát PCCC sẽ hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai Đề án Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở PCCC và Cứu hộ cứu nạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030./. Theo VOV Để góp phần vào thành công của Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về TTATXH, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác bảo vệ Đại lễ, chỉ đạo các phòng nghiệp vụ của Cục, Phòng Cảnh sát PCCC Hà Nội và các tỉnh lân cận Hà Nội triển khai các biện pháp PCCC bảo vệ Đại lễ. Theo đó, lực lượng Cảnh sát PCCC Công an Hà Nội tham mưu cho Giám đốc Công an thành phố có công văn gửi các đơn vị cơ sở, đặc biệt là các cơ sở trọng điểm về cháy nổ trên địa bàn thành phố tổ chức tăng cường công tác kiểm tra an toàn PCCC; tổ chức lực lượng thường trực sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ; chuẩn bị phương tiện và các điều kiện chữa cháy cho lực lượng PCCC tại chỗ; tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn ở các cơ sở; tăng cường kiểm tra đột xuất trong và ngoài giờ hành chính đối với các cơ sở trọng điểm về cháy nổ, các cơ sở diễn ra các hoạt động của Đại lễ, nơi ăn nghỉ của các đoàn đại biểu...

Nguồn Biên Phòng: http://www.bienphong.com.vn/nd5/detail/chinh-tri/dan/39796.051.html