Phơi bày những ảo tưởng về thị trường chuyển nhượng, các bản hợp đồng bom tấn

Vntinnhanh - Bán áo đấu không bao giờ đủ trả hết phí chuyển nhượng, bản quyền hình ảnh quan trọng hơn mọi điều khoản, và các CLB thường phải sử dụng một người đại diện thay vì dùng máy fax để hoàn tất thương vụ… là những bí mật khác xa so với ảo tưởng của đám đông về thị trường chuyển nhượng cầu thủ ở châu Âu.

Pogba là cầu thủ đắt giá nhất thế giới. Ảnh: The Guardian

Bài viết này sẽ đem đến cái nhìn chi tiết, rõ ràng về thị trường chuyển nhượng cầu thủ ở châu Âu. Những giai thoại kiểu như “chỉ cần bán áo cũng đủ thu hồi vốn” cho một cầu thủ nổi tiếng hoàn toàn không có thật.

Sở dĩ người hâm mộ luôn mù mờ về chuyển nhượng vì sự thiếu minh bạch của các CLB trong việc công khai phí chuyển nhượng và tiền lương của các cầu thủ. Hệ thống công quyền cho phép họ giấu kín điều đó nếu muốn.

Nhưng tại sao giá của cầu thủ lại quan trọng? Sau cùng, đó không phải tiền của chúng ta - những người hâm mộ bóng đá. Đó là điều rõ ràng cho dù chúng ta góp phần giúp các CLB thu về những khoản tiền khổng lồ, ví dụ như việc bỏ tiền mua thuê bao truyền hình, qua đó giúp Premier League hưởng số tiền bản quyền lớn chưa từng có. Các quy định tài chính trong nước và của UEFA ngăn chặn các CLB chi tiêu tiền nhiều hơn những gì họ kiếm được. Trong thực tế, kết quả này phụ thuộc vào mức độ của từng CLB. Hiểu được cách các CLB tính toán giá trị chuyển nhượng sẽ giúp chúng ta hiểu họ có coi trọng cầu thủ nào đó hay không, cũng như hiểu rõ việc tiền được chi ra như thế nào, đâu là cầu thủ có giá tốt hoặc không.

Về cơ bản, để có thông tin chi tiết về giá chuyển nhượng, tiền lương của một thương vụ đặc biệt, các phóng viên phải có nguồn tin từ người trong cuộc. Điều đó có nghĩa 99% người viết bóng đá đứng trong bóng tối. Với 1% còn lại, con số họ có sẽ phụ thuộc vào những gì nguồn tin muốn đưa ra mặt báo.

Nếu phóng viên có nguồn tin từ CLB chi tiền mua cầu thủ, họ thường chỉ có con số về phí chuyển nhượng. Ngược lại, phóng viên có nguồn tin từ CLB bán cầu thủ thường có các con số chi tiết hơn về hợp đồng, về các điều khoản cộng thêm. Tương tự như vậy, khi bạn cố gắng tìm hiểu về mức lương của cầu thủ, nguồn tin từ CLB thường chỉ đưa ra mức lương cơ bản, trong khi nguồn tin từ người đại diện có thể bao gồm cả tiền bản quyền hình ảnh và tiền thưởng.

Đương nhiên, nhưng con số này phụ thuộc vào mỗi nguồn tin, và các phóng viên chỉ có thể nói ra những gì họ được biết. Đây là lý do tại sao chúng ta thường thấy các số liệu khác nhau trong các vụ chuyển nhượng, đặc biệt khi một CLB ở Premier League mua một cầu thủ từ giải đấu khác.

Các phóng viên thân cận với CLB bán sẽ đưa ra những thông tin mà CLB này hoặc người đại diện của cầu thủ đang muốn nói, trong khi các nhà báo ở Anh tự nhiên sẽ có nhiều mối quan hệ với các CLB ở Premier League và biết nhiều thông tin dẫn đến sự khác biệt về chi tiết. Cũng vì lý do “thông tin theo toan tính” mà người ta suy ra chiến thuật “đòi tăng lương”, “ép giá” của các cầu thủ và các CLB trên thị trường.

Trong bối cảnh thông tin luôn bị bao phủ bởi một lớp sương mờ, người hâm mộ dễ dàng bị dẫn đến các lầm tưởng tai hại trên thị trường chuyển nhượng, và bây giờ là lúc thích hợp để chúng ta tìm hiểu kỹ hơn.

1. Bán áo đấu không thể trả phí chuyển nhượng cho các ngôi sao

Đây có lẽ là điều mà người hâm mộ thường được đọc nhiều nhất. Điển hình như việc Real Madrid mua James Rodriguez vào năm 2015 với giá 75 triệu euro. Một số nguồn tin thân Real tiết lộ CLB này đã thu lại “tiền vốn” chỉ sau vài tuần bán áo ngôi sao người Colombia. Chuyện này hoàn toàn phi lý.

Không có CLB nào có thể trực tiếp thu hồi vốn mua cầu thủ từ tiền bán áo đấu. adidas, Nike, Puma và các nhà sản xuất trang phục khác luôn thu về 85 đến 90% doanh thu bán áo và đây là tiêu chuẩn của ngành công nghiệp này.

Chỉ có rất ít ngoại lệ như Bayern Munich - đội bóng có phần sở hữu của adidas được phép “ăn chia” nhiều hơn. Hoặc, một lượng áo bán ra vượt trội so với mức trần thỏa thuận ban đầu có thể giúp CLB nhận được nhiều tiền hơn.

Ví dụ, adidas bỏ ra 750 triệu bảng tài trợ cho Man Utd trong vòng 10 năm - một kỷ lục thế giới - không chỉ để in logo trên áo đấu của CLB này hay dùng hình ảnh Quỷ đỏ quảng bá sản phẩm. Tất nhiên, việc liên kết với các CLB nổi tiếng như Man Utd sẽ giúp nhà sản xuất giành thêm thị phần, nhưng với các ông lớn như adidas, khoản tiền tài trợ áo đấu chính là tiền mua giấy phép kinh doanh, và đó mới là mục tiêu, giá trị họ hướng đến.

Adidas trả tiền để được sử dụng hình ảnh của Manchester United

Các CLB bóng đá sau cùng vẫn là… các CLB bóng đá. Họ không có cơ sở hạ tầng để sản xuất và phân phối hàng triệu bộ quần áo thi đấu mỗi năm. Nhiều đội thậm chí không thể vận hành một cửa hàng trực tuyến, các dịch vụ hậu mãi và phải thuê bên thứ 3 làm việc đó.

Với ai còn hoài nghi điều này, bạn có thể đọc lại thỏa thuận chi tiết giữa adidas và Man Utd công bố vào năm 2014. Khi đó, giám đốc điều hành Herbert Hainer đã mô tả đây là “bản hợp đồng đánh dấu cột mốc quan trọng với chúng tôi khi xét đến tiềm năng bán lẻ. Chúng tôi hy vọng sẽ đạt tổng doanh thu bán hàng 1,5 tỷ bảng trong suốt thời gian hợp tác”.

Do đó, hoàn toàn vô nghĩa nếu bạn nghe ai đó nói rằng số tiền bán áo của Zlatan Ibrahimovic đem về 50 triệu bảng cho Man Utd và vượt xa số tiền lương họ phải trả cho tiền đạo người Thụy Điển. Trong thực tế, Quỷ đỏ thậm chí không nhận được số tiền ăn chia tự động theo tiêu chuẩn công nghiệp là 10 đến 15% bởi lẽ họ đã có thẳng 75 triệu bảng mỗi năm. Cần biết 75 triệu bảng mỗi năm là con số rất lớn, và Man Utd chỉ có thêm tiền trong trường hợp số áo bán ra vượt qua một con số nhất định nào đó.

Chỉ có khoảng 3 triệu áo sơ mi chính hãng Man Utd bán được trong mùa giải trước, tính cho cả đội bóng. Trong trường hợp này, chúng ta giả sử sự nổi tiếng của Ibrahimovic sẽ giúp họ bán thêm 300 nghìn áo. Tăng 10% là con số đầy lạc quan nếu biết Ibra vốn là cầu thủ đầu quân cho Nike và không được tham gia hoạt động quảng bá cá nhân cho adidas. Ngoài ra, rất nhiều người hâm mộ chỉ có khả năng và chỉ muốn mua một áo đấu mỗi mùa giải. Nếu họ chọn mua áo Ibrahimovic, họ sẽ thôi không mua áo của Chris Smalling.

Chúng ta tiếp tục giả sử, 3 triệu áo đấu Man Utd được bán ra có giá trung bình 70 bảng mỗi áo, và Quỷ đỏ có thể thu về 15% doanh thu. Với 300 nghìn áo đấu được bán thêm nhờ Ibrahimovic, số tiền Man Utd có là 15% của 21 triệu bảng, tức là hơn 3 triệu bảng. Và rõ ràng, 3 triệu bảng không phải khoản tiền đáng kể mà đội chủ sân Old Trafford chi cho Ibrahimovic (tiền lương, tiền hoa hồng cho người đại diện, tiền thưởng, tiền bản quyền hình ảnh), có lẽ nó cũng chỉ chiếm khoảng 20%. Cần biết rằng, tiền đạo người Thụy Điển không ngốn phí chuyển nhượng của Quỷ đỏ. Với các cầu thủ đắt giá như Paul Pogba, Man Utd bán áo… 30 năm mới đủ.

Tất nhiên, Man Utd không ảo tưởng như người hâm mộ và họ có thể hài lòng với 75 triệu bảng thu về trực tiếp từ adidas mỗi năm.

2. Máy fax không quyết định việc chuyển nhượng cầu thủ

Tất cả CLB đều phải chỉ định nhân viên làm việc với hệ thống TMS (Transfer Matching System) của FIFA. Đây là hệ thống đảm bảo các giao dịch chuyển nhượng được thực hiện chính xác. Trách nhiệm cuối cùng trong việc đào tạo các nhà quản lý TMS thuộc về liên đoàn bóng đá quốc gia, nhưng thực tế, việc đào tạo thường nằm ở nội bộ các CLB và các CLB lớn thường có một số nhân viên thuần thục TMS.

Thương vụ chuyển nhượng David De Gea từ Man United sang Real Madrid được cho là thất bại vì... máy fax

FIFA TMS sẵn sàng thừa nhận trình độ và kinh nghiệm khác nhau đối với các nhà quản lý TMS đến từ các quốc gia, các CLB khác nhau. Vì vậy, khi CLB chọn sai nhân viên để đào tạo sử dụng TMS, các vấn đề có thể xảy ra, giống như việc De Gea không thể đến Real Madrid vào phút chót ở mùa hè 2015.

Vì vậy, các bạn có thể chắc chắn rằng máy fax không quyết định việc chuyển nhượng cầu thủ thành công hay không. Nó thường chỉ là công cụ cho các CLB trao đổi, thỏa thuận các điều khoản với nhau.

3. Số tiền thực chi có thể không quan trọng như bạn nghĩ

Có thể bạn đã nghe nói qua điều này, “số tiền thực chi”, “chi phí ròng” hoàn toàn không liên quan đến việc các CLB lớn kinh doanh như thế nào và không phải tiêu chí lớn để họ xem xét khi tính chi phí cầu thủ. Hãy xem xét ví dụ sau đây: Man Utd mua Henrikh Mkhitaryan từ Dortmund với giá 26,3 triệu bảng. Họ trả thêm 180 nghìn bảng mỗi tuần trong bản hợp đồng 4 năm với tiền vệ này.

Trong thực tế, với các CLB như Man Utd, tiền không phải vấn đề nhưng họ vẫn thường trả tiền phí chuyển nhượng chia ra nhiều đợt khác nhau (cách nhau không quá 12 tháng). Điều này giúp họ giảm tổng chi phí chuyển nhượng mặc dù hầu hết CLB bán cầu thủ đều muốn thu tiền về càng nhanh càng tốt.

Thực tế khác, các CLB sẽ điền gì vào sổ sách tài chính trong các vụ mua người? Họ sẽ ghi mức phí chuyển nhượng từng năm của thương vụ đó. Với ví dụ trên, Man Utd chỉ điền mức phí chuyển nhượng 6,6 triệu bảng trong mỗi 4 năm sắp tới - không phải tổng số 26,3 triệu bảng như chúng ta biết.

Đây là phương án kế toán phổ biết được gọi là “khấu hao cầu thủ” và nó là nền tảng cho các CLB tính toán chi phí cho các cầu thủ. Thay vì ghi toàn bộ chi phí chuyển nhượng, họ sẽ dàn trải nó ra theo chiều dài của bản hợp đồng đã ký với cầu thủ.

Đương nhiên, tiền lương cũng được tính vào chi phí cho cầu thủ. Lý tưởng nhất, hoa hồng cho người đại diện và tiền bản quyền hình ảnh cũng được tính vào đây. Nhưng để cho mọi việc đơn giản hơn, chúng ta chỉ xét đến 2 khoản phí lớn nhất là: tiền khấu hao và tiền lương.

Với Mkhitaryan, Man Utd khấu hao mỗi năm 6,6 triệu bảng và trả thêm 9,36 triệu tiền lương (tính mức 180 nghìn bảng/1 tuần). Tổng chi phí của cầu thủ này mỗi năm là xấp xỉ 16 triệu bảng. 16 triệu bảng mỗi năm chính là con số CLB xem xét liên quan đến chi phí cho cầu thủ.

So sánh với hợp đồng khác của Premier League đến từ Bundesliga trong mùa hè này là Granit Xhaka của Arsenal. Xhaka đã ký hợp đồng 5 năm và có mức lương khoảng 125 nghìn bảng mỗi tuần ở Emirates. Phí chuyển nhượng của tiền vệ này trải đều ra sẽ là 6 triệu bảng mỗi năm (30 triệu bảng/ 5 năm). Vì vậy, kể cả tiền lương, chi phí Arsenal bỏ ra là 12 triệu bảng mỗi năm.

Xhaka là tân binh đắt giá thứ 3 trong lịch sử Arsenal. Ảnh: SkySports

Trong khi phí chuyển nhượng của Mkhitaryan và Xhaka gần tương tự, Mkhitaryan đã tiêu tốn của Man Utd hơn 30% so với Xhaka tiêu tốn của Arsenal trên cơ sở hàng năm.

Để minh họa rõ hơn lý do tại sao “chi phí ròng” không cho bạn biết bất cứ điều gì về việc kinh doanh của CLB, chúng ta hãy xem xét việc Man Utd ký hợp đồng theo dạng tự do với Zlatan Ibrahimovic. Trong khi “chi phí ròng” trong thỏa thuận là không, tiền đạo này khiến Man Utd mất thêm 10 triệu bảng chi phí cầu thủ trong năm nay.

Nếu đó là tất cả các hợp đồng của Man Utd và Arsenal trong năm nay, số tiền họ bỏ ra sẽ lần lượt là 26,3 triệu bảng và 30 triệu bảng. Tuy nhiên, sau khi áp dụng các nguyên tắc kinh doanh và kế toán các CLB sử dụng, chúng ta thấy Arsenal thêm vào 12 triệu bảng chi phí cho cầu thủ trong mùa giải tới, trong khi Man Utd thêm hơn 26 triệu bảng. Thay vì khác biệt nhỏ mà “chi phí ròng” hiển thị, Man Utd thậm chí tiêu tốn gấp hơn 2 lần so với Arsenal trong thực tế.

4. Các CLB không có ngân sách chuyển nhượng cụ thể

Nếu ai đó cố gắng nói cho bạn biết “CLB X” có “số tiền Y” cho việc mua sắm cầu thủ thì đó hoàn toàn là chuyện… tào lao. Hãy hỏi họ đã làm cách nào để đưa ra con số đó.

Nhưng chúng ta đã thảo luận ở trên, có rất nhiều chi tiết tính toán chi phí của một cầu thủ hơn là phí chuyển nhượng thuần túy. Trừ khi con số trên cung cấp được cả số tiền lương cầu thủ, tiền hoa hồng cho người đại diện, tiền bản quyền hình ảnh… bạn có thể yên tâm bỏ qua nó bởi lẽ nó không phản ánh nguồn lực sẵn có của CLB cho việc bổ sung lực lượng.

5. Không chỉ có cầu thủ sử dụng người đại diện

Các CLB cũng thường xuyên sử dụng người đại diện khi họ muốn tìm kiếm “khách hàng” và giảm bớt chi phí cho cầu thủ họ muốn bán. Kia Joorabchian và Giuliano Bertolucci là những ví dụ đáng chú ý cho trường hợp người đại diện làm việc trên danh nghĩa CLB. Họ đã giúp Chelsea và Tottenham bán Ramires và Paulinho sang Trung Quốc. Năm ngoái, Man Utd cũng sử dụng người đại diện để bán Robin van Persie và Nani.

Trong trường hợp yêu cầu người đại diện của cầu thủ đại diện cho họ, người đại diện này cần làm rõ vấn đề với “thân chủ” - tức cầu thủ - của họ và cần nhận được sự đồng ý bằng văn bản. Cũng trong trường hợp này, các CLB sẽ là người phải trả các lệ phí liên quan cho người đại diện.

6. Bản quyền hình ảnh có giá trị lớn hơn bạn tưởng

Các vụ chuyển nhượng thông thường chỉ đề cấp đến phí chuyển nhượng và tiền lương. Tuy nhiên, tiền bản quyền hình ảnh của cầu thủ với CLB mới của họ góp phần đáng kể vào chi phí chung của CLB.

Các thỏa thuận về bản quyền hình ảnh thường phức tạp và không mấy khi được người trong cuộc tiết lộ cho phóng viên. Ví dụ, một cầu thủ có thể kiếm được 85 nghìn bảng mỗi tuần tiền lương nhưng cộng thêm tiền bản quyền hình ảnh, họ có thể nhận hơn 100 nghìn bảng mỗi tuần. Tiền bản quyền hình ảnh thường chiếm 20% lợi nhuận mà CLB nhận được nhờ sự xuất hiện của cầu thủ.

Ngoài ra, các khoản tiền thưởng cứng dựa trên thành công của CLB và cá nhân cầu thủ cũng như tiền hoa hồng cho người đại diện có thể khiến chi phí chuyển nhượng tăng lên đáng kể và quyết định thương vụ có xảy ra hay không.

Quách Gia (Theo Guardian)

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/the-thao/phoi-bay-nhung-ao-tuong-ve-thi-truong-chuyen-nhuong-cac-ban-hop-dong-bom-tan-118764