Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu rành mạch công tư trong y tế

Sáng 20.5, tại buổi làm việc với Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tự chủ y tế là tốt, tuy nhiên, nếu thực hiện không khéo, bệnh nhân dồn hết về tuyến cuối có thể gây nên tình trạng quá tải bệnh viện.

Đây là buổi làm việc của Đoàn khảo sát của Ban chỉ đạo Nhà nước do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn đầu về việc xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Vấn đề tự chủ gắn với xã hội hóa nhưng phải rành mạch về công tư, không được công tư lẫn lộn; không được phân biệt bệnh viện công và bệnh viện tư. Ngoài ra, là việc tự chủ mạnh mẽ tại bệnh viện tuyến Trung ương rõ ràng khi Nhà nước không đủ khả năng, giúp bệnh viện áp dụng được công nghệ cao trong khám chữa bệnh, nhưng nếu thực hiện không tốt thì sẽ dẫn đến tình trạng bệnh nhân dồn hết về tuyến cuối, làm trầm trọng thêm tình trạng quá tải tại tuyến trên, mà tuyến cơ sở không được quan tâm”.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cơ sở y tế tuyến dưới vẫn thiếu sự cạnh tranh, trang thiết bị còn thiếu thốn nên chưa thu hút được bệnh nhân.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Y tế.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện Bộ quản lý 111 đơn vị sự nghiệp y tế công lập, địa phương quản lý hơn 2.000 đơn vị. Số lượng cán bộ y tế trong cả nước là gần 355.000 người.

Bộ Y tế cũng nhận định, hiện còn nhiều đầu mối các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế. Hệ thống y tế địa phương còn quá nhiều đầu mối, quy mô nhỏ, dẫn đến các nguồn lực bị đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Chức năng, nhiệm vụ giữa các tổ chức trong cùng tuyến và giữa các tuyến còn chồng chéo.

Nhằm tinh giảm biên chế, tiết kiệm chi phí, thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố sáp nhập các đơn vị y tế dự phòng thành Trung tâm kiểm soát dịch bệnh. Theo báo cáo của 36 tỉnh, thành phố, đã có 22 tỉnh có quyết định thực hiện mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh trên cơ sở sáp nhập từ 2-8 trung tâm hiện có tại tuyến tỉnh (giảm gần 100 trung tâm tuyến tỉnh). Khi toàn bộ 63 tỉnh, thành phố thực hiện mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh, ước tính sẽ giảm hơn 300 đầu mối các đơn vị sự nghiệp, trung tâm tuyến tỉnh.

Còn tuyến huyện, theo báo cáo của 36 tỉnh, thành phố thì đã có 19 tỉnh đã thực hiện sáp nhập và hình thành mô hình Trung tâm Y tế huyện thực hiện 2 chức năng. Nếu tất cả 63 tỉnh, thành phố đều thực hiện mô hình Trung tâm Y tế huyện 2 chức năng này sẽ giảm được 450 đầu mối đơn vị sự nghiệp tại 450 huyện (trước đây tách riêng Trung tâm Y tế huyện và bệnh viện huyện) và hơn 1.800 cán bộ quản lý.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, hiện giá dịch vụ được tính thêm chi phí tiền lương nên cả nước có khoảng 100 bệnh viện công đã tự bảo đảm chi hoạt động thường xuyên, có 1 bệnh viện tự chủ hoàn toàn.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng kiến nghị, cho phép thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) xã hội nhiều mức đóng theo lương, có mức cơ bản, có mức nâng cao để khuyến khích các tầng lớp nhân dân tham gia BHYT. Nhà nước mua và hỗ trợ cho một số đối tượng theo mức BHYT cơ bản, được hưởng gói quyền lợi cơ bản. Các đối tượng có nhu cầu, có khả năng tài chính có thể tham gia và hưởng các dịch vụ ngoài gói cơ bản. Đồng thời, sửa đổi Luật BHYT theo hướng có lộ trình bổ sung một số dịch vụ y tế dự phòng và khám, sàng lọc một số bệnh do BHYT chi trả theo nguyên tắc mức hưởng phù hợp với mức đóng.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/pho-thu-tuong-vuong-dinh-hue-yeu-cau-ranh-mach-cong-tu-trong-y-te-771741.html