Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Cần mở rộng cơ sở thuế

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu ngành tài chính cần nghiên cứu để có giải pháp mở rộng cơ sở thuế.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết ngành tài chính 6 tháng đầu năm 2016, sáng nay (2/7), Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu ngành tài chính cần nghiên cứu để có giải pháp mở rộng cơ sở thuế.

Tích cực mở rộng cơ sở thuế

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính- ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá “Bộ Tài chính đã có nhiều đề xuất tham mưu rất đột phá để đảm bảo cân đối vĩ mô, đảm bảo thu chi ngân sách theo mục tiêu mà Quốc hội đề ra. Đó là bản lĩnh và sự nỗ lực tiếp tục vượt khó đi lên.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý ngành tài chính nói chung và Bộ Tài chính nói riêng quán triệt và tiếp tục quyết liệt thực hiện tốt Chỉ thị số 22 ngày 03/06/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước năm 2016.

Theo đó, về thu ngân sách, Phó Thủ tướng yêu cầu ngoài các giải pháp Bộ Tài chính nêu, cần lưu ý: đối với thuế nội địa, phải tích cực mở rộng cơ sở thuế, đặc biệt là thuế ngoài quốc doanh, xem xét đánh giá lại thuế khoán. Mục tiêu nước ta muốn nâng các hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp càng nhiều càng tốt, nhưng cần rà soát các hộ kinh doanh một cách cụ thể trên tinh thần nghĩa vụ kinh doanh phải nộp thuế, nhưng cần bình đẳng trong nộp thuế. Chính phủ tạo điều kiện cho mọi loại hình kinh tế đầu tư kinh doanh, còn nghĩa vụ nộp thuế là quy định của pháp luật.

Cho nên, việc xem xét mở rộng cơ sở thuế là việc cần làm để thực hiện lâu dài. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu “Bộ Tài chính cần xây dựng đề án cụ thể về việc này”.

Bên cạnh đó, một nhiệm vụ quan trọng khác mà Phó Thủ tướng chỉ đạo ngành tài chính là lĩnh vực hải quan cần kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa để tính thuế, nhất là tăng cường quản lý ở các cửa khẩu nhập.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành cần xây dựng đề án để đánh giá sâu sắc việc này. Đồng thời, “đây không phải việc chỉ Bộ Tài chính làm mà cả các địa phương phải phối hợp để làm”.

Không để lợi ích nhóm xen vào

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cần rà soát chính sách thu. Bởi trong điều kiện hội nhập ngày càng tăng, việc cắt giảm thuế quan cũng tăng thì chính sách thu ngân sách cần nghiên cứu cụ thể xem đi theo hướng nào hiệu quả để bù hụt thu do giảm thuế.

Đồng thời, cần chống gian lận thuế và tiêu cực về thuế. Đặc biệt, phải rà soát các quy định và thực thi việc miễn, giảm, giãn, hoàn thuế, không được được để lợi ích nhóm xen vào từ khi xây dựng thể chế chính sách đến khi thực thi. Liên quan đến tài chính, ngân sách, thuế... là lĩnh vực rất dễ rủi ro. Cho nên, theo Phó Thủ tướng, cần đảm bảo chính sách đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch. Nhất là, việc “sửa chính sách thuế mà không bám vào chiến lược về thu thuế của quốc gia thì không ổn, không khéo thì lại đẽo cày giữa đường”- Phó Thủ tướng lưu ý.

Muốn làm được việc này, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính phải nghiên cứu, đánh giá rõ bản chất của thuế, nguyên lý của từng sắc thuế để xây dựng chính sách thu cho đúng.

Một trong những điểm nữa liên quan đến công tác thu ngân sách mà Phó Thủ tướng lưu ý, đó là về lập dự toán thu. Phó Thủ tướng cho biết, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng ngân sách trung ương hụt thu mà ngân sách địa phương có doanh thu khá. Cho nên, cần xem xét cách thức lập dự toán cho hợp lý, việc điều chỉnh cơ cấu thu giữa địa phương và trung ương không thể làm tùy tiện, nhưng cũng không nên cứng nhắc về số thu khi giao dự toán thu ngân sách cho địa phương. Vì nếu giao cứng nhắc như thế, có thể khiến tỉnh nào cũng phải tìm cách tăng thu. Cách làm này có thể đẩy phá vỡ các liên kết vùng.

Theo Phó Thủ tướng, tùy đặc thù địa phương, căn cứ thực tế hằng năm, chỉ tiêu về thu ngân sách mỗi địa phương có thể điều chỉnh khác nhau, không nhất thiết mọi tỉnh đều năm sau thu phải tăng so với năm trước. Cần tính đến cả trường hợp, có tỉnh sẵn sàng chấp nhận không cần tăng thu trong năm tài khóa cụ thể. Tuy nhiên, tính chung tổng thể thu ngân sách của cả nước thì phải tăng. Việc này không dễ, nhưng phải làm bắt đầu từ năm 2017.

Và đặc biệt, “cần quán triệt nguyên lý tăng thu để tăng chi cả khi lập dự toán và điều hành. Đề nghị các tỉnh không đạt chỉ tiêu thu trong năm nay thì sang năm cần điều chỉnh giảm chỉ tiêu chi, không thể cứ chi để gây bội chi ngân sách địa phương rồi chạy lên kêu trung ương hỗ trợ”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Hiện nay, theo Phó Thủ tướng, “dư địa để giảm chi ngân sách còn rất nhiều, cần tiếp tục cắt giảm để đạt kết quả cắt giảm thiết thực và cần lan tỏa tinh thần tiết kiệm cả ở trung ương và các địa phương”.

Tất nhiên, để đảm bảo cân đối tốt ngân sách nhà nước, đảm bảo thu ngân bền vững, theo Phó Thủ tướng, “cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh thực hiện tốt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Không ban hành thêm chính sách gây khó thêm cho sản xuất, thương mại, mà trái lại, phải không ngừng tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh”./.

Bội chi ngân sách nhà nước hơn 85.000 tỷ đồng 6 tháng đầu năm

Theo số liệu của Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán năm, tăng 6,1% so cùng kỳ năm 2015. Đây là mức tăng thấp nhất so cùng kỳ 2 năm gần đây. Trong đó: thu nội địa đạt 48,8% dự toán năm, tăng 13,8% so cùng kỳ năm 2015; thu dầu thô đạt 37,2% dự toán năm, giảm 44,8% so cùng kỳ năm 2015; thu XNK đạt 41,9% dự toán, giảm 2,2% so cùng kỳ năm 2015.

Tiến độ thu ngân sách địa phương đạt khá so dự toán và tăng so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, thu NSĐP 6 tháng đầu năm đạt khoảng 55% dự toán; trong đó có 45 địa phương thu đạt từ 50% dự toán năm trở lên; 57 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2015; tuy nhiên, cũng có một số địa phương tiến độ thu đạt thấp so với dự toán được giao. Trong khi đó, thu NSTW thấp, mới đạt khoảng 42% so với dự toán năm và thấp hơn so với tiến độ thu cùng kỳ năm trước (đạt 46,3%), chủ yếu do giá dầu thô giảm và thực hiện cắt giảm thuế theo các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do.

Còn chi NSNN 6 tháng ước đạt 562,5 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán năm, tăng 4,9% so cùng kỳ năm 2015, cơ bản đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán được giao. Trong 6 tháng đầu năm, đã sử dụng khoảng 2.900 tỷ đồng nguồn dự phòng NSTW, chủ yếu để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn, hỗ trợ giống khôi phục sản xuất sau thiên tai, xử lý sự cố môi trường biển nghiêm trọng ở một số tỉnh miền Trung.

Xuân Thân/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/pho-thu-tuong-vuong-dinh-hue-can-mo-rong-co-so-thue-526362.vov