Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Hướng tới 1 kỳ thi, 1 bài thi

(VTC News) -Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trong tương lai ngành giáo dục phải tiến tới mô hình một kỳ thi, một bài thi nhưng vẫn đánh giá đúng năng lực của học sinh.

Trong Hội nghị quán triệt Nghị Quyết Trung ương 8, khóa XI và triển khai nhiệm vụ năm học 2013 -2014 khối các Sở GD-ĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có những chỉ đạo quan trọng trong việc đổi mới thi cử.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trong tương lai cần tiến tới một kỳ thi, một bài thi nhưng vẫn đánh giá được năng lực của từng học sinh

(Ảnh: Phạm Thịnh)

1 kỳ thi, 1 bài thi

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý rằng tuy nền giáo dục Việt Nam có những đặc thù riêng nhưng khi thế giới đã đúc kết kinh nghiệm có tính phổ quát thì nên học tập, vận dụng.

“Học tập là không sao chụp nguyên văn nhưng phải khẩn trương và có lộ trình phù hợp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông cũng đưa ra ví dụ ở các nước tiên tiến, sau khi học sinh hoàn thành chương trình phổ thông chỉ cần một bài thi đánh giá tổng hợp kiến thức nhưng vẫn phát hiện phẩm chất của các em học sinh. Thậm chí, kỳ thi này nhà nước không cần phải đứng ra tổ chức thi mà các công ty tư nhân tổ chức thi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chúng ta không thể mơ là ngay trong ngày hôm nay chúng ta có đủ trình độ để ra những bài thi tổng hợp như vậy. Việc đổi mới phải có lộ trình, nhưng phải hướng tới có thang đo đánh giá kiến thức toàn diện của học sinh nhanh nhất, đơn giản nhất”.

Ông cũng cho rằng hiện nay, Bộ GD-ĐT đang chọn đổi mới cách học, chọn đổi mới thi là đột phá mà học gì thì thi ấy nên làm sao tiến tới càng ít kỳ thi càng tốt. Nếu còn các kỳ thi thì không phải nặng nề trên mức cần thiết.

“Chúng ta đừng có ngại làm thi thì tốn kém, mệt nhọc. Nếu sự tốn kém, mệt nhọc là cần thiết để thúc đẩy học sinh học tập, để tuyển lựa được các học sinh xứng đáng thì chúng ta không ngại”, Phó Thủ tướng nhắc nhở lãnh đạo ngành giáo dục các địa phương.

Ông cũng lấy ra ví dụ việc miễn thi tốt nghiệp cho 20% học sinh cũng có nhiều bất cập. “Thi bớt môn đi ai nghe cũng phấn khởi nhưng thực tế 98% đỗ tốt nghiệp thì tại sao phải đặt vấn đề miễn. Thậm chí đặt ra không nên miễn cho bất kỳ ai”.

Nếu nặng nề không cần thiết thì chúng ta bỏ hoặc làm nhẹ đi nhưng nếu cần thiết thì vẫn phải duy trì.

Lãnh đạo ngành giáo dục cần lưu ý kỳ thi tốt nghiệp phải gắn tuyển sinh đại học. Hàng năm, trên 900.000 học sinh tốt nghiệp phổ thông nhưng chỉ có hơn 200.000 chỗ đại học, cao đẳng. Trong khi đó, tâm lý người Việt Nam, ai cũng muốn có con em vào đại học.

“Vì vậy, cần phải có một kỳ thi để làm sao phải đánh giá năng lực từng học sinh trong tổng số 900.000 em”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Trong tương lai, mục tiêu phải đạt được như các nước phương tây khi học sinh nào muốn học đại học đều có đủ chỗ và phân tầng đại học với nhiều tầng, nhiều loại.

Bộ GD-ĐT hãy bàn thật kỹ, sớm nhất từ sang năm có phương án thi lâu dài Việc công bố đổi mới muộn nhất trước khi khai giảng. Tốt nhất là trước khi nghỉ hè để các em biết rằng nếu đổi mới thi cử thì sẽ thi như thế nào.

Không phân hạng giáo viên

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc đổi mới chương trình dạy và học đang được Bộ GD-ĐT tập trung làm nhưng việc đổi mới thi cử phải là khâu đột phá.

“Việc Bộ GD-ĐT chọn đổi mới công tác thi cử là bước đột phá cũng rất có ý nghĩa. Đổi mới thi cử cần làm trước một bước để tạo xung lực mạnh, lan tỏa đổi mới cái khác. Tôi cho rằng Bộ lựa chọn như vậy là đúng”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Đổi mới thi nhưng không làm học sinh học lệch và vô tình lại phân hạng giáo viên

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ GD-ĐT phải bàn rất kỹ bởi việc đổi mới không chỉ cho năm nay. Việc đổi từ thi 6 môn thành 4 môn được nhiều ý kiến cho rằng có lợi cho học sinh. Nhưng đổi mới không cẩn thận thì học sinh sẽ học lệch và các em ra đời có kiến thức lệch lạc lại thành bất lợi.

Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần phải xem đổi mới thi cử là khâu đột phá để đổi mới căn bản, toàn bộ nền giáo dục vì thế cần phải làm ngay nhưng cũng phải tính rất kỹ.

Phó Thủ tướng cho rằng, đổi mới không phải là thay đổi liên tục. “Vì vậy phải bàn rất kỹ, để đổi mới thi cử phải bàn rất kỹ, đừng để học sinh còn mấy tháng nữa thi mà vẫn hồi hộp không biết năm nay sẽ thi môn gì, thi như thế nào?”.

Hiện nay, nhiều học sinh và phụ huynh khi biết năm nay lựa chọn môn thi nào, nhiều khả năng năm sau sẽ không thi môn đó. Tự nhiên, học sinh sẽ không học.

Nguyên tắc của giáo dục phổ thông phải đạt được hai mục tiêu là trang bị kiến thức cơ bản, toàn diện và cũng phải hướng tới mục tiêu kiểm tra đánh giá, định hướng theo năng khiếu.

Đổi mới để không nên và không thể để dẫn đến tình trạng sau một thời gian phân loại thành hai hạng. Hạng thứ nhất là giáo viên loại A dạy các môn chắc chắn được thi tốt nghiệp và loại giáo viên dạy các môn không được thi hoặc rất ít thi.

Những giáo viên này cũng rất ít động lực để phấn đấu. Vì vậy, không cẩn thận thì ngay trong ngành giáo dục cũng phân hóa thành 2 hạng giáo viên. Vì vậy, đổi mới thi nên phải xem xét rất cẩn trọng.

“Đổi mới phải gắn với thi đại học, tiến tới phát huy tự chủ của các trường đại học nhưng phải tạo công bằng cho xã hội. Từ đó, việc đổi mới tạo động lực thúc đẩy tiến tới các cháu học đều hết, không học lệch, nhưng vẫn phát huy được năng lực, năng khiếu của mình”, Phó Thủ tướng kết luận tại hội nghị.

Phạm Thịnh

Nguồn VTC: http://vtc.vn/giao-duc/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-huong-toi-1-ky-thi-1-bai-thi-578305.html