Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Bắc Ninh là một cực tăng trưởng của cả nước

Kết luận cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Bắc Ninh và các doanh nghiệp lớn trên địa bàn chiều 28/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh mục đích của chuyến đi là để bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng bởi Bắc Ninh là một cực tăng trưởng của cả nước, có thể thúc đẩy tăng trưởng chung.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu số 1 của chuyến công tác là cùng với Bắc Ninh tìm ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh, 4 tháng đầu năm 2017, GRDP của tỉnh đạt trên 37.800 tỷ đồng, bằng 31,8% kế hoạch, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 230.000 tỷ đồng, thu ngân sách hơn 8.500 tỷ, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 11.120 tỷ đồng, cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 46 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 144 triệu USD…

Cả tỉnh có 16 KCN tập trung với 9 khu đã đi vào hoạt động và tỉ lệ lấp đầy trên 87%. Đến nay, Bắc Ninh đã thu hút 703 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh là 14,22 tỷ USD và 391 dự án trong nước; sử dụng khoảng 250.000 lao động.

4 tháng đầu năm 2017, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 1,5% so với cùng kỳ. Dự báo, sản xuất công nghiệp trong quý II sẽ tăng cao khi từ tháng 5 Samsung đưa ra thị trường dòng sản phẩm mới.

Thời gian qua, Bắc Ninh đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân từ 11,3% đến 12,6% trong khu vực công nghiệp và xây dựng giai đoạn 2016-2020; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 đạt 1.110 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 32 tỷ USD.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ một số vấn đề liên quan đến hỗ trợ Bắc Ninh trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và các dự án kết nối Bắc Ninh với các địa phương; cho phép điều chỉnh một số quy hoạch tại địa phương.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Rà soát để có chính sách ưu tiên sản phẩm chủ lực

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng mặc dù năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 trong điều kiện không thực sự thuận lợi, tỉnh Bắc Ninh vẫn đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp.

Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế mà Bắc Ninh cần khắc phục như giá trị sản xuất công nghiệp cao nhưng lĩnh vực dịch vụ còn chiếm tỉ trọng thấp, đặc biệt là các dịch vụ phục vụ trực tiếp con người. Mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển với thực hiện tiến bộ công bằng xã hội chưa được bảo đảm khi thu nhập đầu người của tỉnh cao nhưng chênh lệch giàu nghèo ngày càng xa. Việc bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế, công nghiệp với phát triển đô thị, nhà ở cho công nhân và vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn còn bất cập.

Với mục tiêu thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị tỉnh Bắc Ninh và các doanh nghiệp rà soát lại các sản phẩm chủ lực, có khả năng tăng trưởng cao để từ đó xây dựng chính sách ưu tiên phát triển sản xuất các sản phẩm này, góp phần vào tăng trưởng chung của địa phương và cả nước.

“Tôi và đoàn công tác Chính phủ đến làm việc tại Bắc Ninh với mục tiêu số 1 là cùng các đồng chí tìm ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng. Bắc Ninh là một cực tăng trưởng của cả nước, có những sản phẩm chủ lực có thể tạo ra tăng trưởng cao, nếu được ưu tiên phát triển, có thể thúc đẩy tăng trưởng chung của cả nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng tỉnh cần rà soát thật kỹ từng sản phẩm chủ lực, sản phẩm nào còn có thể tăng trưởng hơn được thì tính toán cụ thể để có chính sách hỗ trợ, khuyến khích, từ đó kích thích tăng trưởng.

“Nếu mỗi doanh nghiệp tăng trưởng cao hơn, một số sản phẩm chủ lực được ưu tiên phát triển mạnh mẽ hơn, chắc chắn sẽ có thể “bù” cho một số địa phương, lĩnh vực gặp khó”, Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Bắc Ninh cần chủ động rà soát tổng thể các quy hoạch để không bị động, hình thức, phong trào, phục vụ tốt cho quá trình phát triển kinh tế. Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý việc rà soát, hoàn thiện quy hoạch xây dựng, vì đây là quy hoạch quyết định khung hạ tầng của mỗi địa phương. Song song với đó, phải kế hoạch hóa quá trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút các nguồn lực từ xã hội, đặc biệt là nguồn lực từ chính các nhà đầu tư công nghiệp.

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý tỉnh Bắc Ninh, cùng với phát triển kinh tế phải quan tâm đến phát triển đô thị, xây dựng nhà ở cho công nhân, bảo đảm các yếu tố kỹ thuật bảo vệ môi trường và thực hiện tốt các chính sách chăm lo lợi ích của người dân địa phương.

Phó Thủ tướng cùng Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến nghe giới thiệu về dự án mở rộng dây chuyền sản xuất màn hình của Samsung Việt Nam.

Samsung Việt Nam cần nâng cao tỉ lệ nội địa hóa

Trước đó, đoàn công tác đã đi kiểm tra, làm việc tại Công ty Samsung Việt Nam.

Báo cáo với đoàn công tác, lãnh đạo Samsung Việt Nam cho biết, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu đã đạt hơn 40 tỷ USD, trong đó nhập khẩu chiếm hơn 17 tỷ USD. Mặc dù quý I năm nay tình hình hoạt động có chững lại, nhưng từ tháng 4 năm nay đã có sự chuyển biến, dự kiến cả năm sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu trên 50 tỷ USD.

Đây là con số ấn tượng nếu so sánh với mục tiêu xuất khẩu của cả nước năm 2017 là khoảng 180 tỷ USD.

Hiện Samsung cũng đang mở rộng đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện tại Bắc Ninh.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia tăng sản xuất, tăng kim ngạch xuất khẩu, Samsung Việt Nam đã kiến nghị với Chính phủ tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc như thủ tục cấp phép, phê duyệt đầu tư, tài chính, bảo đảm nguồn điện ổn định cho sản xuất.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao đóng góp của Samsung vào Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam. Việc Samsung xây dựng nhà máy lớn nhất toàn cầu của mình tại Việt Nam đã tạo ra sự tăng trưởng ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, góp phần quan trọng vào tăng trưởng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, với vai trò là một tập đoàn lớn, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, Samsung cần quan tâm tới việc nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam được tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể, doanh nghiệp cần có chính sách và giải pháp hiệu quả để lựa chọn và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển.

Theo Phó Thủ tướng, Samsung đang có lợi thế rất lớn về lao động với chủ yếu là lực lượng lao động trẻ, sung sức, hiện đang trong giai đoạn “vàng”… Tuy nhiên, để bảo đảm phát triển bền vững thì cùng với việc thúc đẩy sản xuất, cần chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị doanh nghiệp tiếp tục quan tâm tới đời sống của người lao động, dành những phúc lợi thỏa đáng để hỗ trợ cho lao động lớn tuổi, người thai sản, người có hoàn cảnh khó khăn, coi họ như những thành viên lâu dài; phối hợp với địa phương đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định mạnh mẽ quan điểm của Chính phủ Việt Nam là luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam. Với các kiến nghị của Samsung Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết sẽ giao cho các bộ, ngành nghiên cứu, giải quyết với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Xuân Tuyến

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/pho-thu-tuong-trinh-dinh-dung-bac-ninh-la-mot-cuc-tang-truong-cua-ca-nuoc/304776.vgp