Phó Thủ tướng: Quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tài nguyên rừng

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ phải tăng cường quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tài nguyên rừng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Đích đến của công tác sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp là nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội nghị sơ kết công tác sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp năm 2015 – 2016 và giải pháp đến năm 2020, sáng 14/7.

1.071 tỷ đồng lỗ lũy kế

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, có 41/49 tỉnh, thành phố, Tập đoàn, Tổng công ty có công ty nông, lâm nghiệp phải xây dựng phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới để thẩm định trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt; 8 tỉnh, thành phố, Bộ, ngành thực hiện sắp xếp, đổi mới gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp được quyết định riêng của cấp có thẩm quyền.

Tính đến 30/06, đã có 37 phương án tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổng số công ty nông, lâm nghiệp thuộc đối tượng sắp xếp, đổi mới theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP là 254 công ty, gồm 120 công ty nông nghiệp; 134 công ty lâm nghiệp.

Đến ngày 30/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức thẩm định mô hình sắp xếp, đổi mới cho 251 công ty; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt mô hình sắp xếp, đổi mới 243 công ty.

Tổng diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng trước khi sắp xếp lại theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP là trên 2,38 triệu ha, bao gồm tự tổ chức sản xuất 1,6 triệu ha; khoán 545,3 nghìn ha; liên doanh liên kết 52,5 nghìn ha; tranh chấp, lấn chiếm 149,1 nghìn ha. Dự kiến sắp xếp lại đất đai các công ty giữ lại quản lý, sử dụng gần 1,94 triệu ha; giao về địa phương 452 nghìn ha.

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước có 283 công ty, chi nhánh công ty trên địa bàn 41 tỉnh cần phải lập phương án sử dụng đất; lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo đạc, lập bản đồ địa chính; xác định giá thuê đất; giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Nghị định 118/2014/NĐ-CP.

Nhu cầu kinh phí thực hiện theo số liệu đã báo cáo trước đây là 1.016 tỷ đồng, tuy nhiên, con số này hiện nay là khoảng 1.203 tỷ đồng.

Con số đáng quan ngại được Thứ trưởng Hà Công Tuấn đưa ra, đó là tổng số lỗ lũy kế của các công ty nông, lâm nghiệp là 1.071 tỷ đồng, chiếm 4% vốn chủ sở hữu, số lỗ lũy kế tập trung phần lớn tại các công ty nông nghiệp, nhiều công ty lỗ lũy kế trên 20 tỷ đồng như: Công ty TNHH một thành viên cà phê Ia Châm 52 tỷ đồng, Công ty TNHH một thành viên cà phê Ea Tul 40 tỷ đồng, Công ty TNHH một thành viên cà phê Chư Quynh 33 tỷ đồng, Công ty TNHH một thành viên cao su Mang Yang 39 tỷ đồng, Công ty TNHH một thành viên cao su Hà Tĩnh 56 tỷ đồng, Tổng công ty 15 - Bộ Quốc phòng 334 tỷ đồng. Những công ty có số lỗ lũy kế vượt quá 3/4 vốn chủ sở hữu đều thực hiện giải thể.

Tổng số lỗ lũy kế của các công ty nông, lâm nghiệp là 1.071 tỷ đồng. Ảnh min họa: TTXVN

Theo kết quả tổng hợp tại Phương án tổng thể và báo cáo của các đơn vị, tính đến 25/12/2015, giá trị tài sản theo sổ sách của các công ty nông, lâm nghiệp là 40.517 tỷ đồng, bình quân lợi nhuận trước thuế ba năm, từ 2012 - 2014 là 2.797 tỷ đồng.

Đến hết tháng 3/2016, có 96 công ty nông, lâm nghiệp có phát sinh vay vốn tại các tổ chức tín dụng với dư nợ gần 6.455 tỷ đồng, nợ xấu khoảng 38,33 tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng dư nợ cho vay. Các tổ chức tín dụng đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và hạch toán ngoại bảng đối với khoản dư nợ gần 340 tỷ đồng của 23 công ty nông, lâm nghiệp.

Tuy nhiên, việc thu nợ của các công ty này gặp nhiều khó khăn và hầu như không thu được do các công ty chỉ hoạt động cầm chừng, tình hình tài chính mất cân đối và không có nguồn trả nợ ngân hàng.

Thực hiện sắp xếp lại và giải quyết chế độ cho lao động bị thôi việc, mất việc làm, báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy: đến tháng 6/2016, đã có 196 công ty nông, lâm nghiệp thực hiện sắp xếp lại và giải quyết chế độ cho khoảng 5.100 người, trong đó khoảng 3.400 lao động nghỉ việc hưởng chế độ đối với người lao động dôi dư theo quy định tại Nghị định số 63/2015/NĐ-CP và 1.600 người lao động nghỉ việc hưởng chế độ theo quy định của Bộ luật Lao động.

Nhiều khó khăn, vướng mắc đã được các đại biểu đề cập tại Hội nghị, điển hình là việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn vì liên quan đến giải quyết đất đai, lao động và tài sản trên đất, nhất là đối với diện tích khoán đất, khoán rừng và vườn cây ổn định, khi xây dựng đề án cần phải thống nhất với địa phương, cần có thời gian để thực hiện và đảm bảo chất lượng của đề án và phương án.

Nhiều địa phương khó khăn trong việc lựa chọn mô hình sắp xếp, đổi mới, nhất là về tiêu chí để lựa chọn đối tác trong mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên và đối với các công ty nông, lâm nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh ở địa bàn chiến lược, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa.

Đại diện Tổng Công ty cà phê Việt Nam kêu khó trong vấn đề xác định quan hệ đất đai, nhiều đơn vị giải thể gặp bế tắc, do không nắm rõ, lo ngại khi cổ phần hóa công ty nông, lâm nghiệp sẽ bị mất đất nên nhiều người dân bị kích động khiếu nại, khiếu kiện đòi đất.

Tổng Giám đốc Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam Phí Mạnh Cường than phiền về việc quy hoạch đất thiếu ổn định khiến doanh nghiệp khó tiên lượng, khó khăn trong xây dựng dự án đầu tư và sản xuất lâm nghiệp.

Quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tài nguyên rừng

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đổi mới, sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp là một trong số những chủ trương được quan tâm tổ chức thực hiện từ những ngày đầu và đạt kết quả khá rõ nét. 11/14 văn bản liên quan đã được ban hành, cơ bản tạo đủ khung khổ pháp lý cho quá trình triển khai, thực hiện.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng còn nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh và tăng cường hơn, hướng đến đạt mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các công ty nông, lâm nghiệp.

Nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt quan điểm tư tưởng chủ trương mục tiêu sắp xếp, đổi mới và phát triển các công ty nông lâm nghiệp theo Nghị quyết 30 và Nghị định 118 .

Phó Thủ tướng nêu rõ phải tăng cường quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tài nguyên rừng. Về nguyên tắc, đất và tài nguyên rừng phải được giao cho người quản lý, tránh trường hợp sở hữu toàn dân nhưng không có người quản lý và không có người sử dụng.

Phải gắn quyền lợi và trách nhiệm trong quản lý sử dụng đất đai, bảo vệ phát triển rừng, có chủ thể, có đơn vị và có người chịu trách nhiệm.

Tiếp tục duy trì vùng sản xuất nông, lâm sản hàng hóa tập trung, thâm canh gắn với công nghiêp chế biến và thị trường, phù hợp với quy hoạch sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn.

Yêu cầu giải quyết cơ bản các tồn tại vướng mắc về đất đai, nhất là đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc, bảo đảm ổn định xã hội, thực hiện tốt việc đổi mới quản lý sử dụng đất, bảo vệ phát triển rừng theo quy định của pháp luật, Phó Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề quan trọng, khó khăn, vướng mắc nhiều trong quá trình tổ chức triển khai Nghị định 118/NĐ-CP.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần khắc phục tình trạng người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất trong khi công ty nông, lâm nghiệp quản lý nhưng không hiệu quả, thậm chí rừng tiếp tục bị xâm hại, tàn phá, độ che phủ rừng ngày càng giảm đi.

Theo Phó Thủ tướng, cần tạo chuyển biến căn bản về phương thức tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp, sản xuất nông, lâm nghiệp phải gắn với công nghiệp chế biến và thị trường theo chuỗi giá trị hàng hóa, chuyển các công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước nông, lâm nghiệp thực hiện nhiệm vụ kinh doanh sang công ty cổ phần theo quy định của pháp luật và nhà nước có chính sách phù hợp để công ty hoạt động công ích, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

“Cái đích của chúng ta là nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả kinh doanh chứ không phải sắp xếp để mà sắp xếp, đổi mới để mà đổi mới” – Phó Thủ tướng nói.

Để thành công được, trong quá trình tổ chức thực hiện phải đảm bảo phát huy được vai trò lãnh đạo của các tổ chức chính trị, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, đẩy mạnh công tác truyền thông và khẩn trương xây dựng các khung khổ pháp luật.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về “Chính sách đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng; thu hút và khuyến khích đầu tư; đặt hàng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp”, chậm nhất trong tháng 8/2016.

Bộ Tài chính xem xét, nghiên cứu bổ sung, cơ chế tài chính phù hợp khi sắp xếp, công ty nông, lâm nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cơ chế hợp đồng, thanh toán đối với các công ty nông, lâm nghiệp thực hiện nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn và giải quyết các khó khăn, vướng mắc về đất đai trong sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp.

Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp chủ trì phối hợp với các bộ, ngành tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, làm việc với một số địa bàn trọng điểm có khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn các địa phương triển khai phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới, nhất là cổ phần hóa và chuyển công ty nông, lâm nghiệp thành công ty TNHH hai thành viên.

Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương nghiêm túc thực hiện phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp đã được phê duyệt cơ bản hoàn thành trong năm 2017.

Khẩn trương phê duyệt Đề án sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian chậm nhất trong tháng 8/2016. Hoàn thành việc rà soát đất đai, đo đạc, cắm mốc, xây dựng phương án sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các công ty nông, lâm nghiệp trong năm 2016./.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/pho-thu-tuong-quan-ly-chat-che-va-nang-cao-hieu-qua-su-dung-dat-va-tai-nguyen-rung-/19902.html