Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp

Là diễn giả chính của Hội nghị Kinh tế Đối ngoại Việt Nam năm 2016, ngày 3/11, tại TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có buổi đối thoại và trực tiếp giải đáp những câu hỏi của các học giả, lãnh đạo doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, một Chính phủ kiến tạo là Chính phủ đưa ra những chính sách nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi, trong khuôn khổ luật pháp cho phép, để DN và người dân phát huy hết tiềm năng của mình, đóng góp chung vào phát triển kinh tế đất nước.

Kiến tạo là Chính phủ tạo sân chơi chung, mà trong đó tất cả người dân và DN đều bình đẳng và Chính phủ minh bạch trong chính sách của mình, để không có vấn đề xin-cho.

Về tiến trình cổ phần hóa, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là một trong những mục tiêu của quá trình đổi mới kinh tế đang diễn ra tại Việt Nam. Nhiều DN còn gặp khó khăn trong quá trình đổi mới, nhưng quyết tâm của Chính phủ là đẩy nhanh tiến trình này, đặc biệt là những DN có số vốn đầu tư lớn của Nhà nước.

Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ chủ trương tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng và sẽ chú trọng hơn về phát triển bền vững, nhất là bảo vệ môi trường.

Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ chủ trương tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng và sẽ chú trọng hơn về phát triển bền vững, nhất là bảo vệ môi trường.

Chính phủ khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên, sử dụng công nghệ kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường, đồng thời tăng cường khuyến khích liên kết giữa các vùng nhằm tránh tình trạng cạnh tranh thu hút đầu tư bằng mọi giá, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước.

Phó Thủ tướng cho rằng, trước đây nền kinh tế của Việt Nam phát triển chủ yếu dựa vào nguồn nhân công rẻ, sử dụng nhiều vốn.

Ngày nay, những nhân tố này không còn phát huy tác dụng như trước, do đó, Chính phủ chủ trương chuyển đổi mô hình, nâng cao chất lượng phát triển trên cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học và công nghệ, kết hợp giữa tăng trưởng theo chiều sâu và chiều rộng.

Về những biện pháp của Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách và nhà đầu tư nước ngoài, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam đã có nhiều chính sách tăng cường thúc đẩy phát triển du lịch, trong đó quan trọng nhất là đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Chính sách miễn giảm visa cũng là một trong những biện pháp thúc đẩy, nhưng đó không phải là tất cả. Việt Nam đã miễn thị thực đơn phương với 11 nước, mới đây nhất là với 5 nước châu Âu.

"Chúng tôi mong muốn không chỉ là đơn phương, mà cần tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài vào Việt Nam, nhưng đồng thời người Việt Nam cũng phải được hưởng quyền lợi như vậy khi sang các nước khác. Đó mới là đối xử công bằng, chứ không phải là một chiều", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn các nước, trong đó có Hoa Kỳ, sẽ sớm phê chuẩn TPP, đồng thời khẳng định Việt Nam đang trong quá trình xem xét phê chuẩn Hiệp định này. Nếu được thông qua, Hiệp định sẽ mang lại lợi ích chung cho các nước thành viên, chứ không chỉ riêng Việt Nam. Nếu không được thông qua, đương nhiên thiệt hại thuộc về các nước thành viên, bởi các nước đều đã dành nhiều công sức, nhiều thời gian để xây dựng một Hiệp định tiêu chuẩn cao này.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, không chỉ có TPP, Việt Nam còn ký kết một loạt FTA với các đối tác.

Bên lề Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp ông Charles Goddard, Giám đốc biên tập khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Cơ quan Tình báo Tạp chí Nhà kinh tế (EIU) và trả lời phỏng vấn Tạp chí The Economist.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp lãnh đạo Tập đoàn Amata

Ngày 3/11, tiếp Chủ tịch và lãnh đạo Tập đoàn Amata (Thái Lan), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài mở rộng hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước hiện đang phát triển rất tốt đẹp trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư. Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp có vai trò rất lớn trong việc củng cố, thúc đẩy và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước bằng cách tăng cường đầu tư các dự án, trao đổi thương mại.

Năm 2016, Việt Nam và Thái Lan đang có rất nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Hiện tại, hai nước đang thực hiện hiệu quả chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan giai đoạn 2014-2018. Trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, hai nước đang nỗ lực thực hiện mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 20 tỷ USD vào năm 2020.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đánh giá cao việc Amata đầu tư một cách khoa học, bài bản, hiệu quả tại Việt Nam từ rất sớm (những năm 1990). Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Thái Lan, hợp tác, đầu tư, mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Phó Thủ tướng đề nghị Amata, bằng kinh nghiệm của mình, đóng góp hiệu quả hơn nữa vào lĩnh vực xây dựng, phát triển các khu công nghiệp, khu công nghệ cao ở Việt Nam.

Chủ tịch Tập đoàn Amata Vikrom Kromadit bày tỏ cảm ơn Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư hiệu quả trong hơn 20 năm qua. Trong thời gian tới, Amata dự kiến sẽ đầu tư một tổ hợp công nghiệp - đô thị tại Long Thành (Đồng Nai) và tỉnh Quảng Ninh với số vốn đầu tư hàng chục tỉ USD.

Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, ông Vikrom Kromadit đã kiến nghị với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng một số giải pháp để đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án, thu hút hiệu quả đầu tư từ Thái Lan nói riêng, đầu tư nước ngoài nói chung vào Việt Nam.

P.V

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/pho-thu-tuong-pham-binh-minh-doi-thoai-voi-cong-dong-doanh-nghiep-d28451.html