Phó thủ tướng: Điểm chuẩn sư phạm thấp là vì SV sư phạm khó xin việc

Liên quan đến những bất cập sau tuyển sinh đại học năm 2017, nhất là vấn đề điểm chuẩn vào các trường sư phạm thấp, sáng nay (17/8) Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Bộ GD-ĐT để bàn tìm những giải pháp tháo gỡ thực trạng này.

Tại buổi họp, đa số các ý kiến cho rằng nguyên nhân sâu xa khiến ngành sư phạm kém hấp dẫn là do thực trạng đầu ra của nghề nghiệp không đảm bảo, chế độ đãi ngộ cho giáo viên chưa thỏa đáng và công tác đào tạo sư phạm còn nhiều bất cập.

Một lần nữa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã nhìn thẳng vào vấn đề đang nổi cộm của ngành giáo dục hiện nay, trong đó có thực trạng việc các trường sư phạm đưa ra mức điểm chuẩn đầu vào thấp khiến xã hội lo ngại về chất lượng giáo viên trong tương lai.

Theo Bộ trưởng, điểm trung bình của thí sinh trúng tuyển sư phạm cao hơn so với 2 năm trước, nhưng nhìn tổng thể ngành sư phạm không tuyển được nhiều thí sinh điểm cao, nhiều trường, mặc dù điểm đầu vào thấp nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.

Có thể đào tạo thêm chứng chỉ CNTT, du lịch cho cử nhân sư phạm.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết thực trạng trên. Đáng chú ý, ông Nhạ nói nhiều năm qua có một bộ phận cử nhân sư phạm tốt nghiệp nhưng đang chờ việc làm hoặc xếp hàng dạng hợp đồng.

Để giải quyết vấn đề này, theo Bộ trưởng: "Dù sao phông đào tạo sư phạm hết sức căn bản. Trong khi đó, nhu cầu thị trường rất cần nhân lực về ngành du lịch, công nghệ thông tin. Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu để có chương trình phù hợp khi giáo sinh đã tốt nghiệp bằng sư phạm, chỉ bổ túc một số tín chỉ là có thể đáp ứng được nhu cầu.

Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với ngành công nghệ thông tin, du lịch để có phương thức đào tạo qua lại. Những giáo sinh này có thể vừa học thông qua tín chỉ, để có bằng cử nhân mới, đồng thời học qua thực tiễn", ông Nhạ khẳng định.

Trước đó, tại cuộc họp ngày 16/8 giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và Thứ trưởng Bùi Văn Ga cùng lãnh đạo các cục, vụ liên quan đã họp với hơn 30 trường sư phạm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nêu ra giải pháp là từ năm 2018, Bộ GD-ĐT sẽ quy định điểm sàn riêng đối với các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên, giải pháp cũng gây được nhiều chú ý.

Cần đào tạo chuyển nghề

Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận, những vấn đề liên quan tới tuyển sinh, đào tạo sư phạm và dư luận vừa xới lên trong thời gian vừa qua là không mới.

Vì vậy, cuộc họp sẽ bàn lại những vấn đề mà Chính phủ cùng Bộ GD-ĐT và các bộ ngành liên quan đã thống nhất với nhau, trong đó liên quan tới một đề án đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2014, mà theo đề án này thì tới năm 2020 sẽ không đào tạo ngành sư phạm ở trình độ cao đẳng.

Phó thủ tướng nói: "Tháng 4/2016 tôi chỉ đạo và ký quyết định về phê duyệt dề án đào tạo đội ngũ ngành sư phạm. Đó là thời điểm ký, nhưng quá trình chuẩn bị là một năm rưỡi, nghĩa là cái mốc xuất phát điểm là 2015. Trong quyết định đó nói rõ đến năm 2020 ngành sư phạm sẽ đào tạo thêm 60.000 người.

Nhưng theo như Bộ GD-ĐT báo cáo, riêng năm 2015 chúng ta đã đào tạo 70.000 người, nghĩa là 2016 sẽ không được tuyển thêm ai. Cứ cho là mốc bắt đầu từ 2016, thì ngay năm đó ta đã cho chỉ tiêu xấp xỉ 60.000. Chúng ta đã có quyết định của Thủ tướng nhưng mà chúng ta không thực hiện nghiêm. Nếu thực hiện đúng thì từ năm ngoái đã phải tuyển rất ít cho ngành sư phạm, và năm nay sẽ không tuyển nữa mà chỉ tập trung đào tạo lại, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thôi".

Ông Đam nhấn mạnh: “Thủ tướng đã quyết định, nhưng chúng ta không thực hiện, đề nghị các đồng chí giải thích”.

Đưa ra những con số để minh chứng cho hiện tượng tuyển sinh vượt quá nhu cầu thực tế, Phó Thủ tướng lưu ý ngành giáo dục trong thời gian tới tập trung bồi dưỡng, đào tạo lại, cập nhật kiến thức cho đội ngũ nhà giáo hiện hành. Bên cạnh đó, cần đào tạo chuyển nghề.

Chẳng hạn, cần hướng tới các ngành đang có nhu cầu nhân lực như du lịch hay công nghệ thông tin để “gỡ” cho số giáo viên học sư phạm nhưng đang thất nghiệp.

Đầu vào thấp không phải do chất lượng đào tạo

Theo Phó thủ tướng nguyên nhân dẫn đến việc điểm đầu vào các trường sư phạm thấp là trong kỳ tuyển sinh 2017 không phải tất cả chất lượng đào tạo kém, mà chủ yếu là sinh viên sư phạm khó xin việc.

Ở nhiều trường phổ thông, giáo viên vào hợp đồng nhưng đợi lâu năm không có biên chế. Một số địa phương, khi siết chặt biên chế, hàng loạt giáo viên trẻ bị chấm dứt hợp đồng. Đó là những điều thầy cô trên cả nước rất tâm tư.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp.

Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần có những biện pháp thực tế để khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ, như khảo sát chuyển đổi giáo viên, chuẩn hóa nâng trình độ. Các trường ở địa phương cần có quy hoạch lại, đảm bảo đào tạo đủ, không thừa thiếu, hướng đến chú tâm các trường trọng điểm.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT cần đặt hàng về ngành sư phạm trong năm nay, từ đó nghiên cứu chương trình sư phạm có thể kết hợp đào tạo chuyển hướng sang một số ngành du lịch, công nghệ thông tin…, giải quyết bài toán thừa giáo viên.

Minh Tuệ (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/y-te-giao-duc/pho-thu-tuong-diem-chuan-su-pham-thap-la-vi-sv-su-pham-kho-xin-viec