Phố Ràng bên dòng sông Chảy

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ai cũng biết đến địa danh Phố Ràng là một kỳ tích trong cuộc kháng chiến chống Pháp qua câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: 'Nhớ sông Lô, nhớ Phố Ràng…'.

Khi được đến thăm miền đất Bảo Yên (Lào Cai), bên dòng sông Chảy hiền hòa thơ mộng và những ngôi nhà sàn đầy tình quê này, chúng tôi mới cảm nhận được Phố Ràng xưa của hôm nay, một thị trấn nhỏ đã mang lại trong tôi bao cảm xúc về phố núi đang tỏa mình cùng với thời gian.

Phố Ràng qua những dòng kí sự của Trần Đăng

“Xung kích, X… người vừa cán bộ, đội viên, công binh phối hợp, cây cối ngụy trang đầy người, súng, mác, dao tông, ngồi hai hàng dọc hai bên lối đi dốc thoai thoải trong rừng nứa, đợi đến phút cuối mới ra đường…”.

Chỉ cần đọc những câu từ đầu tiên của ký sự “Trận Phố Ràng” của liệt sỹ, nhà văn Trần Đăng, chúng ta cũng hình dung và như trở về với không khí hào hùng của quân và dân ta trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Khi ấy tại Phố Ràng, cuộc công đồn của bộ đội ta và chiến thắng oanh liệt nơi đây đã để lại một mốc son lịch sử chói lọi.

Trận Phố Ràng đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cùng với chiến thắng sông Lô, trận Phố Ràng đã cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, đồng thời, nhanh chóng phá vỡ hệ thống phòng thủ liên hoàn của thực dân Pháp, góp phần quan trọng vào việc mở các chiến dịch tiếp theo. Đồn Phố Ràng là nơi đóng sở chỉ huy tiểu khu địch, quân số hơn 1 đại đội, có pháo và nhiều ụ đại liên phòng thủ kiên cố phía trong những hào sâu. Phía Bắc và phía Tây là vực sâu, phía Nam được bao bọc bởi đá, phía Đông là dòng sông Chảy. Vị trí của đồn khống chế cả đường bộ và đường sông. Không một sự lưu thông nào có thể thoát được tầm khống chế của súng đạn.

Xác định được vị trí chiến lược và âm mưu của kẻ thù, từ tháng 3 - 7/1949, bộ đội chủ lực của ta mở chiến dịch sông Thao nhằm phá vỡ phòng tuyến của địch kéo dài từ Nghĩa Lộ - Bảo Hà - Phố Ràng - Nghĩa Đô - Yên Bình (Hà Giang), tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá thế uy hiếp của chúng đối với căn cứ địa Việt Bắc từ phía Tây. Ngày 19/5 chiến dịch bắt đầu.

Trong vòng vài ngày quân ta diệt 2 vị trí là Đại Lục và Đại Phác (Trấn Yên) thuộc phân khu Nghĩa Lộ, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch ở hữu ngạn sông Hồng thuộc tỉnh Yên Bái. Tháng 6 bộ đội ta chuyển hướng lên đánh địch ở tiểu khu Phố Ràng. Tại đây, địch còn chiếm giữ 4 đồn: Phố Ràng, làng Mạ, làng Mác và Khe Phia.

Ghi lại tinh thần yêu nước và ý chí chiến đấu cũng như không khí từng giây từng phút của trận công đồn Phố Ràng, liệt sỹ, nhà văn Trần Đăng trong bài ký sự “Trận Phố Ràng” đã không bỏ qua từng tình tiết, từng con người trong những phút giây tiến quân vào thủ phủ của kẻ thù. “Còn 53 phút. Vẫn không một người xung kích nào để lộ ra mặt một nét lo lắng, băn khoăn gì cả. Cũng không có một cái mặt nào sắt lạnh, đầy sát khí.

Tất cả thản nhiên, lầm lì như không”. Những lời chỉ huy ngắn gọn và đầy quyết tâm của người chỉ huy trong trận chiến cũng được Trần Đăng ghi lại trong ký sự: “Còn 52 phút. Bắt đầu tiến! - Đại đội trưởng P.N. chụp cái mũ sắt Đức lên đầu, thắt lại thanh kiếm lệnh khẽ hô rất nhanh giữa hai hàng đội viên đã đứng cả dậy”.

Về thăm Phố Ràng, ai ai cũng nhớ đến trận công đồn năm xưa, nhớ lại những dòng ký sự “Trận Phố Ràng” của liệt sỹ, nhà văn Trần Đăng và những vần thơ của cố nhà thơ Tố Hữu: “Nhớ sông Lô, nhớ Phố Ràng/Nhớ từ Cao - Lạng, nhớ sang Nhị Hà”.

Nơi bến đợi ga chờ

Phố Ràng hôm nay là thị trấn trung tâm của huyện Bảo Yên. Từ quá khứ lịch sử hào hùng, người dân Phố Ràng đã và đang đoàn kết chung tay xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Vẫn còn đó sừng sững oai phong thành cổ Nghị Lang hòa vào trong dấu rêu phong lịch sử, vẫn còn đó chùa Phúc Khánh linh thiêng tọa lạc trên đồi cao rồi bia lịch sử của đội Thanh niên xung phong Hà Nội trong những ngày tiên phong đi khai phá Quốc lộ 70.

Còn đây, khu di tích lịch sử đồn Phố Ràng như một chứng nhân lịch sử của những ngày chiến đấu oanh liệt, như nhắc nhở, giáo dục thế hệ trẻ hôm nay.

Phố núi nhỏ hôm nay đông vui và tấp nập bởi Phố Ràng là nơi dừng chân lý tưởng, nơi bến đợi ga chờ của du khách trong hành trình du lịch về cội nguồn. Từ Phố Ràng, du khách dù bằng phương tiện xe máy hay ô tô đều có thể đi đến miền văn hóa tâm linh tại Bảo Hà cách đó hơn 20 km. Ở đó có đền Bảo Hà linh thiêng thờ thần vệ quốc Hoàng Bẩy, một anh hùng miền sơn cước đánh giặc phương Bắc bảo vệ bờ cõi.

Rồi cũng từ Phố Ràng, theo Quốc lộ 279, du khách sẽ có một cuộc hành trình đầy thú vị và hấp dẫn của miền văn hóa bản làng của người Tày Bảo Yên. Dọc đường, cảnh sắc núi rừng với hoa ban trắng hồng, hoa chuối đỏ tươi hòa vào màu xanh ngắt của cây rừng cùng tiếng chảy róc rách của những con suối như làm tan đi bao nỗi mệt nhọc. Những căn nhà sàn dọc theo Tân Dương, Vĩnh Yên, Nghĩa Đô thấm bao tình quê, tình người của đồng bào như vẫy chào du khách khi đến thăm.

Nằm giữa trung tâm của huyện Bảo Yên, một huyện cửa ngõ Lào Cai với bao điều huyền thoại, Phố Ràng có trục đường giao thông lan tỏa đi khắp các xã của huyện. Khi đặt chân đến trung tâm huyện Bảo Yên, du khách sẽ đặt chân tới Phố Ràng, nơi có ngã tư đường là nơi trung chuyển cho những hành trình.

Câu hát “Phố Ràng ơi! Ai chờ đợi đó” cứ vang mãi, vang mãi trong lòng du khách, cứ thổn thức lòng ai mỗi khi nhớ đến Phố Ràng. Và giờ đây, mỗi khi nhớ, mỗi khi yêu, mỗi khi cảm về Bảo Yên, hẳn trong lòng người không quên được Phố Ràng, nơi bến đợi ga chờ!

Thế Lượng

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/pho-rang-ben-dong-song-chay-2752603-b.html