Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm: Đổi mới trong phát triển du lịch Thủ đô

Kể từ khi chính thức được khai trương thí điểm, không gian đi bộ xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và các khu vực phụ cận nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ người dân. Mặc dù nơi đây thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước tới vui chơi nhưng hiện nay còn tồn tại một số bất cập cần sớm được khắc phục.

Người lớn, trẻ nhỏ thỏa sức nô đùa trên các tuyến phố đi bộ

Phát triển thành phố du lịch

Ông Dương Đức Tuấn - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, TP. Hà Nội thực hiện thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận nhằm tạo lập và duy trì không gian văn hóa cộng đồng, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống, phát huy giá trị di sản vật thể và phi vật thể, góp phần bảo tồn, tôn vinh và giới thiệu về lịch sử văn hóa và con người Hà Nội, thiết lập các hoạt động giao lưu văn hóa, du lịch, thương mại, dịch vụ, tinh hoa ẩm thực tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa và vui chơi giải trí của người dân Thủ đô, du khách trong và ngoài nước.

Theo đó, phạm vi tổ chức không gian đi bộ trên các tuyến đường giao thông quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận là phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Lê Thái Tổ (1/2 đường Lê Thái Tổ phía bên hồ Hoàn Kiếm, đoạn từ Hàng Trống đến Hàng Khay), Lê Lai (đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Lê Thạch, phố Trần Nguyên Hãn (đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), phố Đinh Lễ, phố Nguyễn Xí, phố Tràng Tiền (đoạn từ Ngô Quyền đến Hàng Bài) ), phố Lò Sũ (Đinh Tiên Hoàng đến Nguyễn Hữu Huân), phố Hàng Dầu (Đinh Tiên Hoàng đến Cầu Gỗ), phố Hồ Hoàn Kiếm, Lương Văn Can (đoạn từ Hàng Hành đến Lê Thái Tổ), phố Hàng Bài (đoạn từ Hai Bà Trưng đến Hàng Khay), phố Bảo Khánh (đoạn từ ngõ Bảo Khánh đến Lê Thái Tổ).

Đến với không gian đi bộ này, các du khách còn được tham gia các hoạt động văn hóa thể thao biểu diễn hoạt động nghệ thuật dân gian truyền thống như: Ca trù, xẩm, chầu văn, hát chèo, nhạc cụ dân tộc, âm nhạc đương đại, triển lãm tranh ảnh, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, phố sách, tổ chức các trò chơi dân gian và nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật khác. Mọi hoạt động được diễn ra tại các di tích, trung tâm văn hóa như khu vực vườn hoa tượng đài vua Lý Thái Tổ, nhà bát giác vườn hoa Lý Thái Tổ, khu vực đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, đền Bà Kiệu, vườn hoa Bà Kiệu, khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, đình Nam Hương… xung quanh hồ Hoàn Kiếm tạo nên một không gian văn hóa đặc trưng của Thủ đô, hài hòa thân thiện giữa con người với thiên nhiên.

“Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận là không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh di tích quốc gia đặc biệt. Việc tổ chức không gian đi bộ này sẽ tạo ra không gian đặc biệt, chứa đựng những nội hàm không gian văn hóa hưởng ứng về giá trị truyền thống. Các hoạt động sẽ từng bước được bổ sung, làm phong phú, đa dạng và liên tục đổi mới theo thời gian. Trong tương lai, khu vực này sẽ trở thành không gian đi bộ lâu dài với hoạt động mở, trở thành không gian tiếp nối văn hóa cộng đồng trong và ngoài nước, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận sẽ tiếp tục được hoàn chỉnh để tạo được sự kết nối hòa quyện với không gian đi bộ khu phố cổ nhằm phát huy giá trị lịch sử”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận được triển khai thí điểm từ ngày 01/9 đến hết năm 2016, sau đó sẽ rút kinh nghiệm và báo cáo Thành ủy để triển khai tiếp vào năm 2017 và các năm tiếp theo. Đồng thời, Thành phố thành lập Ban Chỉ đạo và tổ kiểm tra công tác, trong đó UBND quận Hoàn Kiếm là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo và chủ trì tổ chức thực hiện triển khai kế hoạch của Thành phố.

Việc thí điểm tuyến phố đi bộ kết hợp cùng các hoạt động văn hóa này nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn từ người dân. Cô Phạm Thị Thanh An (phố Lương Đình Của, quận Đống Đa, TP. Hà Nội) bày tỏ niềm vui sướng khi Thủ đô có thêm tuyến phố đi bộ này. Cô hồ hởi: “Đây là một đổi mới đáng được ghi nhận. Tôi rất vui khi được đi bộ, tham gia các hoạt động văn hóa tại đây, nó không chỉ giúp thế hệ chúng tôi hoài niệm lại một thời mà còn là một hoạt động thiết thực giúp giữ gìn văn hóa, bản sắc dân tộc cũng như nâng cao sức khỏe, tinh thần cho người dân”.

Ngoài ra, Hà Nội cũng thí điểm tổ chức, quản lý các hoạt động kinh doanh đến 2 giờ sáng các ngày cuối tuần (thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật) đối với các nhà hàng, khách sạn, quán bar...

Còn nhiều vấn đề cần khắc phục

2 tuần kể từ khi khai trương, không gian đi bộ xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Lượng khách tới vui chơi rất đông, trong đó nhiều người ý thức còn chưa tốt nên đã xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi trên một số đoạn phố. Mặc dù, Thành phố đã lắp đặt thêm hơn 50 thùng rác đặt quanh hồ, nhưng nhiều người dân vẫn xả rác ra đường. Hiện tượng ngập rác diễn ra nhiều nhất là tại các điểm ăn uống như: Kem Tràng Tiền, kem Thủy Tạ, café phố Bảo Khánh, phố Hồ Hoàn Kiếm… Công nhân vệ sinh môi trường hoạt động 24/24h, làm việc liên tục nhưng vẫn không dọn xuể rác.

Không chỉ có vậy, kể từ khi có tuyến phố đi bộ, hàng loạt dịch vụ kinh doanh “cắt cổ” và “nhức mắt” đã mở ra ăn theo. Các bãi gửi xe tự phát mọc lên hàng loạt xung quanh tuyến phố cho dù Thành phố đã bố trí 21 điểm trông giữ ô tô và 57 điểm trông giữ xe đạp, xe máy với diện tích hơn 17.000m 2 . Tại các điểm trông xe tự phát này, mỗi một lượt gửi xe máy có giá từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng tùy từng vị trí xa hay gần tuyến phố đi bộ. Cụ thể, các điểm trông xe tại phố Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt có giá 20.000 đồng một lượt, còn các phố Hàng Bạc, Cầu Gỗ, Gia Ngư, Đinh Liệt hầu hết các điểm trông xe tự phát đều thu 30.000 đồng một lượt gửi xe máy. Đồng thời, trong tuyến phố đi bộ, tình trạng hàng rong như bò bía, mước giải khát, kẹo bông, đồ chơi…, dịch vụ cho thuê xe tự cân bằng trái phép, càng vào thời điểm cuối giờ chiều càng lộn xộn bất chấp lệnh cấm.

Cùng với những bất cập này, việc tổ chức phố đi bộ cũng đang khiến cuộc sống của người dân trong khu vực bị đảo lộn. Để có thể về nhà, những người dân sống trong khu phố phải dắt xe hoặc gửi xe miễn phí tại bãi trông của quận, có những điểm gửi xe cách đến cả cây số. Ngoài ra, những cửa hàng kinh doanh trong khu vực cũng bị ảnh hưởng. Nói về kết quả kinh doanh trong những ngày bị cấm, các chủ cửa hàng khẳng định ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu, các mặt hàng không bán được.

Chị Hương, chủ cửa hàng bán balo, túi xách trên phố Đinh Tiên Hoàng chia sẻ: “Từ hôm có phố đi bộ, lượng khách tới mua đồ giảm rõ rệt vì nếu muốn vào đây mua đồ thì khách phải gửi xe đi bộ vào. Một tháng có 8 ngày cấm thế này thì những hộ kinh doanh như chúng tôi biết sống ra sao, tiền đâu mà trả tiền thuê nhà và thuê nhân viên nữa!”. Chị Hương chỉ là một trong số rất nhiều hộ kinh doanh nằm trong không gian đi bộ xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Hầu hết các hộ kinh doanh này đều kêu cứu và mong muốn không gian đi bộ này chỉ áp dụng vào các buổi tối ngày cuối tuần để họ có thể buôn bán bình thường.

Có thể thấy rằng, để tuyến phố đi bộ trở thành điểm đến du lịch, được triển khai lâu dài thì cần phải thay đổi, nếu không có những hoạt động khắc phục mặt hạn chế, hiệu quả sẽ không được bền lâu và hơn hết là mất đi hình ảnh đẹp của Thủ đô trong mắt du khách nước ngoài.

Hạ liên

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/pho-di-bo-ho-hoan-kiem-doi-moi-trong-phat-trien-du-lich-thu-do-d32469.html